1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ công ty đa cấp lừa 45.000 người dân: Làm giả bằng khen của Thủ tướng

(Dân trí) - Để lấy lòng tin của người dân, lãnh đạo Cty đa cấp Liên Kết Việt không những mạo nhận doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng mà còn làm giả cả bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...

Làm giả bằng khen của Thủ tướng, mạo danh Bộ Quốc phòng

Theo tài liệu cơ quan chức năng, Công ty Liên kết Việt được thành lập từ năm 2010 và đến năm 2014 được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép kinh doanh đa cấp.

lkv2-1456097496733

Bằng khen của Thủ Tướng bị làm giả

Trong quá trình hoạt động, Cty Liên kết Việt đã cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP do Lê Xuân Giang lập ra mạo danh Bộ Quốc phòng để lấy danh tiếng, lừa đảo người tham gia vào hệ thống của mình nhằm thu lời bất chính.

Theo những khách hàng là nạn nhân của Liên Kết Việt cho biết, khi họ nhìn vào tên Cty “Thiết bị Y tế BQP”, họ đã lầm tưởng đây là Cty của Bộ Quốc phòng được viết tắt bởi ba chữ cái “BQP”.

Doanh nghiệp này kinh doanh một số mặt hàng gồm Dưỡng cốt vương, bổ não vương, đông trùng hạ thảo, một số loại máy khử độc Ozone, máy chăm sóc sức khỏe người già.

Các sản phẩm này được Liên kết Việt quảng cáo mua của Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP và Công ty cổ phần Biovaccine Việt Nam.

Thực tế, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP là công ty do chính Lê Xuân Giang lập ra, buôn bán một số sản phẩm gồm máy vật lý trị liệu GREAT-12 in tem nhãn và logo sản phẩm của Bệnh viện Trung ương quân đội 108, máy khử độc Ozone G13 dán mác đơn vị lắp ráp sản xuất là Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP hợp tác với Công ty Thanh Hà – Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, cả hai sản phẩm này đều không liên quan đến các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và cũng không có liên doanh, liên kết gì với Công ty Liên kết Việt.

Đại úy Nguyễn Duy Thái - Viện Khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng, người đồng tác giả sáng kiến ra sản phẩm máy vật lí trị liệu cho biết, Cty Cổ phẩn Thiết bị Y tế BQP đã sử dụng hình ảnh sản phẩm cũng như hình ảnh của Viện Khoa học Quân sự để trục lợi.

“Chúng tôi cảm thấy rất bức xúc, công sức, trí tuệ của chúng tôi bị ăn cắp một cách trắng trợn”, Đại úy Thái nói.

Ngoài việc mạo danh các sản phẩm của Bộ Quốc phòng, Cty Liên kết Việt còn tổ chức nhiều chương trình, cuộc gặp gỡ với nhiều người nguyên là cán bộ, lãnh đạo cấp cao ở Bộ Quốc phòng. Một số clip trên website của công ty này đã giới thiệu nhiều người là đại tá đương chức ở Bộ Quốc phòng tham gia vào Ban lãnh đạo của công ty. Thậm chí còn nêu rõ rất cả đều có chức danh, tham gia vào lãnh đạo công ty, một số đã nghỉ hưu và còn tham gia vào Công ty cổ phần tập đoàn Thiết bị Y tế BQP...

Từ những hành động giả danh, lừa bịp này cùng cái tên viết tắt BQP đã khiến nhiều người lầm tưởng đây là công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng. Cũng từ đó người dân đặt niềm tin vào công ty, tiếp nhận những thông tin thuyết trình về mô hình bán hàng đa cấp, mong một ước mơ đổi đời và mù quáng mang tiền đầu tư vào hệ thống.

Thậm chí, trong một clip được báo chí phản ánh, một nhân viên bán hàng đa cấp của Cty Liên Kết Việt còn sử dụng hình ảnh của một người nguyên là lãnh đạo Bộ Quốc phòng và ngoa ngôn nói với hàng trăm người dân rằng: “các ông các bà, các anh các chị làm ăn với những con người uy tín này chứ không phải làm ăn với cháu”.

Sau đó chính vị nguyên là lãnh đạo Bộ Quốc phòng này cho biết, ông đã nghỉ hưu và không liên quan đến bất cứ thứ gì tại Cty Liên Kết Việt.

Để củng cố lòng tin nơi khách hàng, Liên kết Việt còn tổ chức một buổi lễ hoành tráng đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đối với tập thể công ty và hàng loạt cá nhân trong Ban lãnh đạo. Những tấm bằng khen này được treo trang trọng tại trụ sở công ty, được đưa lên trang web với mục đích quảng bá.

Cơ quan điều tra đã làm rõ toàn bộ ảnh, Bằng khen mà Liên kết Việt đón nhận đều được làm giả. Kết quả xác minh tại Ban thi đua khen thưởng Trung ương cho thấy trong hồ sơ lưu trữ không có tài liệu nào thể hiện Thủ tướng Chính phủ cấp bằng khen cho Công ty Liên kết Việt.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, hành vi này của Cty Liên Kết Việt có dấu hiệu của tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức”, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra hành vi này đối với lãnh đạo Cty Liên Kết Việt.

Thủ đoạn lừa đảo của Liên Kết Việt

Từ những thủ đoạn tạo uy tín trên, Liên kết Việt đưa ra một mô hình kinh doanh đa cấp hấp dẫn để chào mời người tham gia. Cụ thể, theo quy định, mỗi nhà phân phối tham gia vào hệ thống bán hàng của Liên kết Việt phải đóng số tiền tối thiểu 8,6 triệu đồng để được cấp một mã số kinh doanh, được quyền mua một mã hàng gồm một máy Ozone và 4 loại thực phẩm chức năng.

lkv1-1456097496703

Mạo danh doanh nghiệp và sản phẩm của Bộ Quốc phòng, hàng nghìn người dân đã sập bẫy lừa đảo của Liên Kết Việt.

Nhà phân phối nào mua nhiều mã hàng hoặc giới thiệu được nhiều người tham gia vào hệ thống sẽ được nhận tiền hoa hồng rất cao, được nâng bậc trong hệ thống thành những nhà quản lý. Thêm vào đó họ được hưởng hoa hồng từ các đại lý cấp dưới phát triển được hệ thống.

Số tiền hoa hồng được tính cho một cá nhân tham gia là 8%, càng nhiều người tham gia tỉ lệ hoa hồng càng cao. Liên kết Việt khẳng định với 8,6 triệu đồng đầu tư, khách hàng có thể được hưởng 449 triệu đồng sau 5 năm gồm tiền lãi, thưởng...

Để đạt được điều này, họ phải đi mời chào người thân, bạn bè tham gia vào hệ thống, tự biến mình thành người đi lừa đảo và tiếp tay cho hệ thống của Liên kết Việt.

Để giới thiệu những gói sản phẩm này, Liên Kết Việt thường mở ra cá lớp hội thảo thuyết trình bán hàng cho người dân.

Trong một buổi hội thảo tại Hải Phòng, nhân viên của Liên kết Việt quảng cáo công ty có rất nhiều gói đầu tư để mọi người tham gia.

Ví dụ gói 10 sản phẩm có giá trị 86 triệu đồng; 20 sản phẩm có giá trị 172 triệu đồng... và kể cả gói VIP có giá trị lên đến 9,3 tỷ đồng. Càng mua gói sản phẩm có giá trị cao, khách hàng càng có cơ hội đổi đời với số tiền hoa hồng lên đến 65%, được thưởng ôtô, nhà và nhiều quyền lợi khác.

Thực tế, tất cả những gói sản phẩm, những khoản thưởng hấp dẫn này đều được Lê Xuân Giang, Nguyễn Thị Thủy tạo ra để lòe bịp.

Cơ quan chức năng xác định, đến nay có khoảng hơn 45.000 người tại 21 tỉnh thành phố bị lừa với số tiền trên 1.900 tỷ đồng.

Hiện vụ án đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.

Tuấn Hợp