1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ chùa Bồ Đề: “Màn kịch” của hai “mẹ mìn”

(Dân trí) - Lợi dụng hoàn cảnh của chị Hà, Trang tạo dựng các nhân vật để xin con chị Hà, đem bán cho Nguyệt. Muốn có chỗ dựa dẫm, muốn được chu cấp, Nguyệt cùng lúc đã lừa dối 2 người đàn ông để họ tin đứa trẻ Nguyệt mua về là giọt máu của mình, chi tiền cho Nguyệt nuôi dưỡng.

“Mẹ mìn” đóng vai bảo mẫu

Được sư trụ trì Thích Đàm Lan nhận vào làm công việc nuôi trẻ tại nhà Mở trong chùa Bồ Đề cuối năm 2010, chỉ 2 năm sau, Nguyễn Thị Thanh Trang được giao quản lý toàn bộ khu nhà này. Công việc của Trang là khi sư trụ trì chấp thuận nhận trẻ mồ côi vào chùa, Trang sẽ lo liệu các thủ tục liên quan, tiếp nhận, phân trẻ vào các phòng theo lứa tuổi để các cô chăm sóc. Được sự tin tưởng của sư trụ trì, Trang như “đại tổng quản” của khu nhà Mở. Các nhà hảo tâm đến làm từ thiện hay những người mang trẻ đến chùa gửi đều phải gặp Trang.

Bởi thế cho nên, khi nhận được cái gật đầu từ sư trụ trì Thích Đàm Lan, chị Trần Thị Thu Hà, mẹ cháu Cù Nguyên Công, đã xuống gặp Trang để gửi con. Dù chị Hà nói đó là con của người bạn nhưng bằng linh tính của mình, Trang nhanh chóng “bắt thóp” chị Hà. Chỉ vài lần trò chuyện, nhắn tin qua điện thoại, chị Hà đã phải thừa nhận với Trang đó là con đẻ của mình.

bo-de-10092015-1-1441865122137
"Mẹ mìn" Nguyễn Thị Thanh Trang.

Manh nha của “màn kịch” do Trang tạo dựng cũng bắt đầu từ đó. Cháu Công không được Trang ghi tên vào sổ theo dõi của chùa nhưng Trang vẫn yêu cầu chị Hà viết giấy gửi con, để lại chứng minh thư photo.

Thời điểm chị Hà gửi cháu Công lại chùa Bồ Đề, Trang đã quen Phạm Thị Nguyệt hơn 1 năm do trước đó Nguyệt có mang 1 bé trai 3 ngày tuổi bị nhiễm HIV đến chùa gửi. Qua những cuộc trò chuyện, Nguyệt nhờ Trang tìm giúp mình 1 bé trai khỏe mạnh, không bệnh tật để nhận làm con nuôi vì “muốn có chỗ nương tựa về già”.

Nuôi cháu Công được một thời gian, dù cháu đã được gia đình anh Phạm Thành Long nhận làm con đỡ đầu, thường xuyên chăm nom, Trang vẫn thực hiện mưu đồ đem cháu Công bán cho Nguyệt. Thông báo cho Nguyệt về cháu Công, Trang “mớm” rằng cháu Công đã được gia đình anh Long nhận đỡ đầu và anh này hứa sẽ công đức cho nhà chùa 50 triệu đồng, nếu Nguyệt muốn nhận con thì phải chi tiền. Từ đó, hai “mẹ mìn” này thỏa thuận với nhau cái giá 40 triệu đồng cho cháu Công.

Biết chị Hà không có điều kiện nhận lại cháu Công, Trang bảo chị này rằng chị dâu mình đang muốn xin cháu Công làm con nuôi. Được Hà đồng ý, Trang nhờ 1 người phụ nữ bán hàng trước cổng chùa giả làm chị dâu mình, đến gặp Hà để đặt vấn đề.

Những ngày cuối năm 2013, gia đình anh Phạm Thành Long đang chăm sóc cháu Công vì cháu bị viêm phổi thì nhận được tin báo của Trang rằng phải mang cháu Công về chùa, sắp có đoàn kiểm tra. Nhận lại cháu Công, Trang hướng dẫn chị Hà viết giấy xin lại con, rồi cùng mẹ đẻ Trang đến đón cháu Công về nhà mình, hôm sau giao cho Nguyệt, nhận số tiền 35 triệu đồng. Suốt quá trình mua bán ấy, chị Hà và Nguyệt không hề biết gì về nhau.

Trước tòa, Trang quanh co chối tội nhưng hành vi gian dối của “mẹ mìn” này đã bị HĐXX TAND quận Long Biên chỉ rõ. “Mờ mắt” trước khoản tiền 40 triệu đồng, Trang đã tạo dựng các nhân vật giả làm người thân của mình, đặt vấn đề xin con với chị Hà, sau đó đem bán cho Nguyệt. Thậm chí, khi anh Long hỏi thông tin về cháu Công, Trang “ráo hoảnh” trả lời rằng, cháu bé đã được bố mẹ đẻ đón về trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và sư trụ trì Thích Đàm Lan!

Sự giả dối “khoác áo” tình thương

Đáng sợ, đáng lên án hơn trong vụ việc này là những hành vi gian dối của Phạm Thị Nguyệt. Bằng mọi cách, người phụ nữ ấy đã lừa dối nhiều người để thực hiện trót lọt hành vi mua cháu Công; lừa dối 2 người đàn ông phải chu cấp tiền cho mình; lừa dối những người làm ngành y ở tỉnh Ninh Bình để làm khai sinh cho cháu Công, dẫn đến việc nhiều người bị kỷ luật.

bo-de-10092015-2-1441865122191
Phạm Thị Nguyệt được dẫn giải đến phiên tòa sơ thẩm ngày 9/9.

Từng có 2 đứa con với đời chồng đầu, không đăng ký kết hôn nên khi chia tay, Nguyệt dứt áo ra đi, bỏ lại 2 con cho ông bà nội nuôi. Lên Hà Nội kiếm sống, Nguyệt không hề chu cấp cho các con. Sau khi chồng đầu của Nguyệt qua đời, hai con của Nguyệt lại phải “dạt” sang sống với ông bà ngoại.

Khai sinh với tên Phạm Thị Tân Nguyệt, sinh năm 1970, sau này, Nguyệt đi làm lại chứng minh thư, lấy tên Phạm Thị Nguyệt và sinh năm… 1979. Sau khi chia tay chồng đầu, Nguyệt cặp kè, sống như vợ chồng với hai người đàn ông chưa vợ, cùng sinh năm 1979.

Khoảng thời gian 2 năm trước khi bị bắt, Nguyệt sống chung với cả 2 anh Phạm Đức H. và Nguyễn Văn V. mà cả hai không hề biết gì về nhau. Chính khoảng thời gian ấy, Nguyệt tạo dựng việc mình có thai với hai anh, yêu cầu cả hai phải chuyển tiền chu cấp cho Nguyệt nuôi con.

Đối với anh Phạm Đức H., Nguyệt tạo cho mình vỏ bọc là một đứa con nuôi bị bố mẹ hắt hủi. Sống với nhau như vợ chồng nhưng anh H. thường xuyên phải đi công tác. Ở Hà Nội, Nguyệt thông báo có bầu, anh H. đòi về thăm nhưng Nguyệt tỏ ra “thương chồng”, bảo anh này gửi tiền về, không cần đi lại vất vả. Ba đứa con lần lượt “ra đời” mà anh H. chỉ biết gật đầu nhận là con mình.

“Ngoạn mục” hơn là cú lừa của Nguyệt đối với anh Nguyễn Văn V.. Cả 4 đứa trẻ Nguyệt từng nuôi tại nhà, anh V. đều bị Nguyệt lừa đó là con mình. Đặc biệt, cuối năm 2013, Nguyệt nói với anh V. là cháu Phạm Gia Bảo (tức Cù Nguyên Công) đang nằm viện, bảo anh này phải xoay 40 triệu đồng trả viện phí. Tin lời, anh V. chuyển số tiền trên cho Nguyệt mà không biết rằng Nguyệt dùng số tiền ấy để mua cháu Công.

bo-de-09092015-1-1441805287827
Hai bị cáo đã phải nhận bản án thích đáng cho hành vi của mình.

Khi cháu Công bị ốm, phải đi viện, biết được chính sách bảo hiểm đối với trẻ sơ sinh, Nguyệt đã bỏ mặc cháu bé ở bệnh viện, về quê lừa dối nhiều người để làm giấy khai sinh cho cháu, nhằm chiếm hưởng số tiền bảo hiểm.

Một thời gian sau, chị Trần Thị Thu Hà liên tục bị anh Phạm Thành Long vặn hỏi về cháu Công. Lúc này, Nguyệt bảo Trang dẫn chị Hà đến gặp mình, hướng dẫn chị Hà viết giấy với nội dung chị Hà đã quan hệ bất chính với chồng của chị gái Nguyệt, sinh ra cháu Công, bây giờ không nuôi được phải trả con cho chị gái Nguyệt.

Nguyệt luôn miệng khai trước tòa rằng mình nhận cháu Công xuất phát từ tình thương đối với trẻ thơ, đặc biệt là những đứa trẻ thiệt thòi, tật nguyền, mắc bệnh hiểm nghèo. Những lý lẽ ngụy biện này của Nguyệt bị HĐXX bác bỏ: “Bị cáo nói bị cáo thương trẻ em thiệt thòi sao lại đem gửi cháu bé bị HIV vào chùa? Sao bị cáo lại chỉ muốn xin con trai, lại phải khỏe mạnh, không bệnh tật? Tất cả hành động của bị cáo không vì quyền lợi của những đứa trẻ, đều vì chính bản thân bị cáo. Bị cáo muốn có người chu cấp tiền, muốn có con trai để sau này được dựa dẫm cũng là vì bị cáo mà thôi!”.

Tại phần luận tội, đại diện Viện KSND quận Long Biên chỉ rõ, các bị cáo đã lén lút thực hiện hành vi mua bán trẻ em. Dù đủ hiểu biết để nhận thức được hành vi của mình nhưng vì tư lợi cá nhân đã tìm mọi cách lừa dối nhiều người, thực hiện hành vi đến cùng. Hành vi mua bán của hai bị cáo đã dẫn đến hậu quả đau lòng. Hai bị cáo phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với những gì mình đã gây ra.

Tiến Nguyên

Vụ chùa Bồ Đề: “Màn kịch” của hai “mẹ mìn” - 4