Vụ Bồ Đề: “Tiền trao, cháo múc” vẫn khăng khăng “không mua bán”
(Dân trí) - Quanh co chối tội, cho rằng việc giao, nhận cháu Công xuất phát từ tình thương, từ tấm lòng, song hai bị cáo Trang và Nguyệt đã bị HĐXX chỉ rõ sự ngụy biện, khẳng định hành động của hai bị cáo là hành vi mua bán trẻ em. Hai bị cáo đã phải nhận những bản án thích đáng.
Cuối giờ chiều ngày 9/9, sau một ngày xét xử, HĐXX sơ thẩm TAND quận Long Biên (Hà Nội) đã tuyên án vụ “Mua bán trẻ em” xảy ra tại chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Từ các tài liệu, chứng cứ điều tra và lời khai các bị cáo trước tòa, lời bào chữa, luận tội của các bên, HĐXX nhận định, hành vi của Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt đã cấu thành tội mua, bán trẻ em.
“Hành vi của hai bị cáo đã trực tiếp xâm hại sức khỏe, tính mạng của cháu bé; tước đi quyền được chăm sóc, bảo vệ của cháu, dẫn đến việc cháu bị tử vong” - HĐXX nhận định và cho rằng, trong vụ án này, Phạm Thị Nguyệt là người khởi xướng nên cần có bản án nghiêm khắc, xử phạt nặng hơn Nguyễn Thị Thanh Trang.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Nguyệt 48 tháng tù giam, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Trang 42 tháng tù giam cùng về tội mua, bán trẻ em.
Ngoài ra, trước yêu cầu của bị cáo Phạm Thị Nguyệt về việc xin nhận lại 2 đốt ngón tay của cháu Cù Nguyên Công để mang về quê, HĐXX xét thấy không có cơ sở nên đã bác đề nghị này.
“Mờ mắt” vì 40 triệu đồng
Tại phần tranh luận trong phiên xử sơ thẩm chiều 9/9, động cơ, mục đích của hai bị cáo Nguyệt và Trang trong vụ án mua bán trẻ em này đã được HĐXX làm rõ dù cả hai đều quanh co, chối tội. Bị đại diện Viện KSND quận Long Biên vặn hỏi về số tiền 40 triệu đồng, Nguyễn Thị Thanh Trang “nại” rằng do Phạm Thị Nguyệt chủ động bồi dưỡng.
“Nguyệt hứa khi đón được cháu Công sẽ bồi dưỡng 40 triệu đồng” - Trang khai và nói rằng, Trang nghĩ ý của Nguyệt là muốn trả Trang 20 triệu, chị Hà 20 triệu.
Trả lời câu hỏi của đại diện Viện KSND về động cơ, mục đích của hành động cho cháu Công, Trang khai, trước khi nhận tiền, Trang không biết là Nguyệt sẽ cho nhiều như thế. “Tôi thấy Nguyệt cũng thương các cháu mồ côi, lại thường xuyên đến chùa thăm các cháu. Mục đích đầu tiên không phải vì tiền mà vì muốn cháu Công được chăm sóc tốt hơn.” - Trang khai.
“Cáo trạng nêu rõ, bị cáo nói với Nguyệt rằng anh Long đã nhận cháu Công làm con đỡ đầu và hứa từ thiện cho chùa 50 triệu đồng, nói Nguyệt muốn nhận con thì phải chi tiền, có đúng không?” - đại diện Viện KSND xoáy sâu.
Nguyễn Thị Thanh Trang vòng vo, cho rằng mình thương hoàn cảnh của Nguyệt cũng như chia sẻ với cảnh ngộ của chị Hà nên đã thực hiện việc giao cháu Công cho Nguyệt. Đại diện Viện KSND đáp lại những ngụy biện của Trang bằng các câu hỏi xoáy vào mối quan hệ giữa Trang và Nguyệt.
“Vì con số 40 triệu đồng mà bị cáo mờ mắt đúng không?” - đại diện Viện KSND chốt. Nguyễn Thị Thanh Trang cúi đầu lí nhí: “Vâng!”.
Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Nguyệt khẳng định thêm động cơ của bị cáo Trang: “Bị cáo không có thẩm quyền cho con nuôi sao lại giao cháu Công cho Nguyệt, sao lại nhận tiền? Đó là vì bị cáo muốn hưởng lợi, tư lợi cá nhân!”
“Tiền trao, cháo múc” vẫn khăng khăng “không mua bán”
Trước những câu hỏi của đại diện Viện KSND quận Long Biên, Phạm Thị Nguyệt quanh co cho rằng, bị cáo thương cháu Công thật lòng, đã chăm sóc cháu hết sức, chỉ vì không hiểu biết pháp luật nên đã phạm tội. Lúc này, đại diện Viện KSND nghiêm nghị chỉ thẳng động cơ, mục đích của Nguyệt trong vụ mua bán này: “Bị cáo mua cháu Công không phải do không hiểu biết. Bị cáo đã có 2 đứa con ở quê, đã phẫu thuật cắt dạ con, muốn níu kéo với người đàn ông mình chung sống, muốn có người chu cấp nên nói dối rất nhiều người để thực hiện trót lọt hành vi mua bán. Bị cáo không vì quyền lợi của những đứa trẻ. Bị cáo muốn có 1 đứa con trai để sau này có chỗ nương tựa, đó cũng là vì bị cáo.”
Làm rõ hành vi mua, bán của hai bị cáo, đại diện Viện KSND quận Long Biên hỏi thẳng Nguyệt: “Bị cáo có bị oan không, nói thẳng?”. Phạm Thị Nguyệt thừa nhận cáo trạng kết tội mình là đúng và khẳng định có đưa tiền cho Trang. Song, Nguyệt khai rằng do Trang nói chị Hà bị bệnh, ảnh hưởng đến tính mạng, cần tiền điều trị, vì tình thương, tình người, nên sau khi nhận cháu Công, Nguyệt đưa tiền cho Trang để chuyển cho chị Hà chứ không phải tiền mua cháu Công.
Lật lại những chứng cứ, lời khai trước, đại diện Viện KSND khẳng định, Phạm Thị Nguyệt đã hứa cho Trang tiền để có được cháu Công. “Bị cáo không hứa cho Trang tiền thì không việc gì chị Trang phải làm những việc khuất tất để đưa cháu Công ra khỏi chùa.” - đại diện Viện KSND nói.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại vặn thêm: “Nếu Trang không giao cho bị cáo cháu Công, biết chị Hà bị bệnh thì bị cáo có sẵn lòng đưa tiền không? Bị cáo có quen biết gì chị Hà đâu mà đưa. Hai con bị cáo ở quê không được nuôi đến nơi tới chốn nói gì con nuôi, nói gì người xa lạ. Lý do của bị cáo không thể chấp nhận được.”.
Về phần Nguyễn Thị Thanh Trang, bị “xoay” về hành vi giao cháu Công, nhận tiền từ Nguyệt, Trang quanh co, chối tội, cho rằng dù Nguyệt không đưa tiền thì bị cáo cũng giao cháu Công cho Nguyệt. “Ngụy biện” này của Trang bị đại diện Viện KSND bác bỏ, khẳng định hành vi trên là hành vi mua, bán trẻ em.
“Bị cáo Trang bất chấp lợi ích, tính mạng của cháu; Nguyệt lừa dối hàng loạt người để cùng Trang thực hiện một chu trình mua bán. Không thể nói là tự nguyện, không thể nói là bồi dưỡng sức khỏe mẹ cháu. “Tiền trao, cháo múc”, đây là quan hệ mua bán rõ ràng, sao các bị cáo còn chối tội?” - luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại tỏ ra tức giận.
Được nói lời sau cùng trước tòa, Phạm Thị Nguyệt khóc lóc, vẫn cho rằng hành động của mình xuất phát từ tình yêu trẻ thơ, đặc biệt là những đứa trẻ bệnh tật, thiệt thòi. Những trình bày dài dòng của Nguyệt bị chủ tọa ngắt lại.
Một bản án thích đáng đã được dành cho cả hai bị cáo, để các bị cáo có thời gian tu tỉnh, nhận thức lại hành động vi phạm pháp luật của mình.
Tiến Nguyên