1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

TP.HCM:

Vụ chìm ca nô, 9 người chết: Hai Giám đốc bị bắt

(Dân trí) - Hơn 2 tháng sau vụ chìm ca nô trên vùng biển Cần Giờ khiến 9 người thiệt mạng, cơ quan công an đã quyết định bắt khẩn cấp 2 giám đốc để phục vụ công tác điều tra.

Hai giám đốc đã bị bắt vì liên quan đến vụ tai nạn đường thuỷ nghiêm trọng làm 9 người chết
Hai giám đốc đã bị bắt vì liên quan đến vụ tai nạn đường thuỷ nghiêm trọng làm 9 người chết

Chiều 24/10, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp ông ông Vũ Văn Đảo (45 tuổi, ngụ Hải Phòng, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc, trụ sở ở số 2 Phạm Ngọc Thạch, P.9, TP.Vũng Tàu) và Đinh Văn Quyết (33 tuổi, quê Nam Định, Giám đốc Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina, trụ sở tại KCN Đông Xuyên, P.Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) để điều tra về các hành vi: “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” theo điều 214 Bộ luật hình sự.

Ông Đảo và ông Quyết được xác định có liên quan trực tiếp đến vụ chìm ca nô trên biển Cần Giờ ngày 2/8 làm 9 người chết. Cùng với quyết định bắt giữ khẩn cấp này, cơ quan điều tra đã thực hiện việc khám xét nơi ở và nơi làm việc của hai giám đốc này tại TP. Vũng Tàu.

Sau khi công việc khám xét và tiến hành các thủ tục cần thiết, Công an TP.HCM đã di lý hai nghi can này về trại giam Chí Hoà.

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan công an, tối 2/8, công ty Cổ phần công nghệ Việt - Séc và công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina đã điều ca nô trên chở 30 công nhân, chuyên gia của Công ty sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam từ Gò Công Đông, Tiền Giang về Vũng Tàu. Khi đi qua sông Soài Rạp, Cần Giờ, TP HCM, ca nô gặp sóng lớn đánh chìm, 9 người thiệt mạng trên chiếc ca nô này đã thiệt mạng.

Ngoài ra, theo kết quả điều tra, một số cá nhân đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa, có dấu hiệu che giấu thông tin liên quan đến vụ tai nạn, không kịp thời báo tin cho Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3, dẫn đến việc ứng cứu không kịp thời và xảy ra hậu quả bi thảm.

Dù ca nô bị lật úp vào khoảng 19h ngày 2/8 nhưng hơn 2 giờ sau, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 mới nhận được tin báo và triển khai các lực lượng cứu nạn trong vòng 30 phút sau đó. Do thời gian ca nô chìm khá lâu nên đến 4g sáng 3/8, mới cứu được 21 nạn nhân, 9 người còn lại bị sóng biển cuốn trôi, đến ngày 7/8 mới hoàn tất việc tìm kiếm xác nạn nhân.

Chiếc ca nô gặp nạn được kéo vào bờ
Chiếc ca nô gặp nạn được kéo vào bờ

Trước đó, Tổ điều tra đặc biệt của Bộ Giao thông Vận đã chỉ ra một số nguyên nhân cụ thể dẫn tới chìm ca nô trên. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là do sử dụng phương tiện sai mục đích: Ca nô bị nạn là phương tiện của Bộ đội biên phòng phục vụ mục đích tuần tra, không được dùng để chở khách. Ca nô chở số người gấp 2,5 lần cho phép (30 người/12 người, chưa kể các hành lý cá nhân kèm theo).

Hiện công an TP.HCM đang mở rộng vụ án để tiếp tục điều tra làm rõ.

Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm