1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vụ chạy thận tử vong: Bệnh viện và Công ty Thiên Sơn chia tiền như thế nào?

(Dân trí) - Từ tháng 9/2011 cho đến nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình thanh toán cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn theo đơn giá 7,7USD/ 1 ca chạy thận. Trong khi đó, giá ca chạy thận tính cho bệnh nhân tại bệnh viện này hiện khoảng 500.000 đồng/ca...

Ngày 4/7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã công bố Bản kết luận điều tra bổ sung vụ án: Vô ý làm chết người + Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (9 người tử vong), xảy ra ngày 29/5/2017 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Trước đó, ngày 5/6/2018, sau 12 ngày xét xử sơ thẩm, TAND TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong đó, Hội đồng xét xử đề nghị cần điều tra làm rõ trách nhiệm đối với ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình; ông Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn (gọi tắt là công ty Thiên Sơn) trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết mua bán máy móc, sửa chữa, bảo dưỡng, vật tư y tế. Căn cứ để thỏa thuận mức tiền, nguồn tiền thuê máy chạy thận nhân tạo; có hay không thỏa thuận giữa 2 bên về số tiền này. Làm rõ trách nhiệm đối với các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước phát sinh từ các hợp đồng đã ký kết giữa Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Ông Trương Quý Dương.
Ông Trương Quý Dương.

Theo bản kết luận điều tra bổ sung, từ năm 2009 đến năm 2014, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã ký 4 hợp đồng liên danh, liên kết lắp đặt 13 máy chạy thận (theo hình thức xã hội hóa) với Công ty Thiên Sơn. Trong đó, Công ty Thiên Sơn đã chuyển quyền sở hữu 8 máy cho bệnh viện; còn 5 máy chạy thận thuộc sở hữu của Công ty Thiên Sơn.

Ông Trương Quý Dương – nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình là người đại diện cho bệnh viện này ký 4 hợp đồng liên danh liên kết giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình với Công ty Thiên Sơn khai thác hệ thống chạy thận nhân tạo. Việc ông Trương Quý Dương đại diện cho bệnh viện thực hiện ký kết hợp đồng liên danh, liên kết nói trên là đúng nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu bệnh viện. Tại công văn số 1056/SYT-KHTC ngày 14/6/2018 của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình có nêu: “Việc ký hợp đồng nêu trên thuộc thẩm quyền của BVĐK tỉnh Hòa Bình”.

Về phân chia tỷ lệ % giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình với Công ty Thiên Sơn trong việc khai thác, lắp đặt máy chạy thận nhân tạo căn cứ tại điểm b mục 6 khoản IV của Thông tư 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên danh, liên kết hoặc góp vốn liên danh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập; vào giá của thiết bị, đặc tính kỹ thuật của thiết bị và quy định của khấu hao tài sản mục 5 phần II để tính toán số tiền thuê thiết bị phải trả theo đề án và hợp đồng đã ký với bên đối tác; căn cứ vào cơ cấu xây dựng đơn giá 1 ca chạy thận nhân tạo được UBND tỉnh phê duyệt (thời điểm năm 2009 là 400.000 đồng/ 1 ca chạy thận).

Như vậy, trước khi ký hợp đồng liên danh, liên kết lắp đặt máy chạy thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn đã ký kết đề án đầu tư hệ thống máy chạy thận nhân tạo, trong đó thể hiện hình thức hợp tác, tỷ lệ phân chia doanh thu khai thác máy chạy thận, cụ thể: Bệnh viện được hưởng 10% doanh thu trong tháng để chủ động cho các hoạt động như phụ cấp thủ thuật, ấn phẩm, điện, nước, khuyến khích cán bộ làm thêm giờ…và Công ty Thiên Sơn hưởng 90% doanh thu trong tháng để chi trả lãi vay, bảo quản thiết bị, vật tư tiêu hao…(theo đơn giá 400.000 đồng/1 ca chạy thận được bảo hiểm thanh toán).

Vụ chạy thận ngày 29/5/2017 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình làm 9 người tử vong, đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng.
Vụ chạy thận ngày 29/5/2017 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình làm 9 người tử vong, đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng.

Đến ngày 31/8/2011, Công ty Thiên Sơn có văn bản đề xuất thay đổi cách tính, thay vì sử dụng tỷ lệ 90% nêu trên sang hình thức thu 7,7USD/1 ca chạy thận. Định mức thu 7,7USD được xây dựng trên cơ sở các yếu tố cấu thành (chi phí bảo trì, thay thế; lãi tiền vay; địa điểm đặt máy, chi phí chuyển giao kỹ thuật, công nghệ; số lượng máy đặt; số lượng bệnh nhân sử dụng). Sau khi máy đạt được số ca chạy thận theo hợp đồng là 5.650 ca thì Công ty Thiên Sơn bàn giao quyền sở hữu cho BVĐK tỉnh Hòa Bình tiếp tục khai thác. Như vậy, từ tháng 9/2011 cho đến nay, BVĐK tỉnh Hòa Bình với Công ty Thiên Sơn thống nhất thanh toán theo đơn giá 7,7USD/ 1 ca chạy thận.

Về giá mỗi ca chạy thận hiện nay, chiều 9/7/2018, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Xuân Hoàng - Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình - cho biết, giá mỗi ca chạy thận hiện nay tại BVĐK tỉnh Hòa Bình đều theo mức giá của bảo hiểm quy định, khoảng trên dưới 500.000 đồng/1 ca và được bảo hiểm thanh toán 100%.

Quá trình điều tra xác định, ngoài nội dung chi trả tiền theo các hợp đồng liên danh, liên kết khai thác hệ thống máy chạy thận, sửa chữa các máy chạy thận và hệ thống RO với Công ty Thiên Sơn, cá nhân ông Trương Quý Dương, BVĐK tỉnh Hòa Bình không chi thêm bất kỳ khoản tiền nào cho Công ty Thiên Sơn, hoặc tổ chức, cá nhân khác; ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Thiên Sơn khẳng định: Sau mỗi lần BVĐK tỉnh Hòa Bình chuyển khoản thanh toán theo giá trị các hợp đồng với bệnh viện, Công ty Thiên Sơn không chi phí bất kỳ khoản kinh phí nào cho phòng, ban hay cá nhân của bệnh viện.

Ngoài ra, tại bản kết luận cũng cho biết, việc BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn ký kết hợp đồng sửa chữa bảo dưỡng thiết bị, vật tư y tế do ông Trương Quý Dương làm đại diện đều đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và tuân theo quy định của pháp luật.

“Quá trình điều tra đến nay, Cơ quan điều tra chưa phát hiện thấy ông Trương Quý Dương và ông Đỗ Anh Tuấn có sai phạm trong việc ký các hợp đồng liên danh, liên kết, mua bán, sửa chữa máy móc, thiết bị y tế; thỏa thuận mức tiền, nguồn tiền thuê máy chạy thận nhân tạo nên không đề cập xử lý” – kết luận nêu rõ.

Nguyễn Dương