Xử vụ chạy thận tử vong: “Tỉnh nghèo mà giá chạy thận đắt gấp đôi so với Trung ương”

(Dân trí) - Luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết, quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án cho thấy, hầu hết các bệnh viện trên cả nước mức giá chạy thận chỉ là giao động từ 3,5-4 USD/ca, nhưng riêng ở BVĐK tỉnh Hòa Bình giá gấp đôi so với nơi khác (7,7 USD/ca).

Trong ngày thứ 10 xét xử sơ thẩm của vụ án chạy thận làm 9 người chết xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017, Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư Hà Nội) – đại diện cho BVĐK tỉnh Hòa Bình tiếp tục nhắc lại trách nhiệm của ông Trương Quý Dương – nguyên GĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình, ông Đỗ Anh Tuấn – GĐ Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn (gọi tắt là Công ty Thiên Sơn) và đề nghị HĐXX làm rõ vì sao giá mỗi ca chạy thận ở bệnh viện này lại đắt gấp đôi so với các bệnh viện khác trên cả nước.

Hội đồng xét xử.
Hội đồng xét xử.

Nhiều nghi vấn về giá chạy thận cần làm rõ

Luật sư Nguyễn Danh Huế phân tích, tại Khoản 3 mục 2 Thông tư 15 của Bộ Y tế quy định về vấn đề xã hội hóa, liên danh liên kết giữa bệnh viện với các đơn vị ngoài công lập như sau: Việc tài sản liên danh, liên kết hoặc góp vốn liên danh phải bảo đảm hiệu quả kinh tế, bảo đảm kinh tế kết hợp hài hòa giữa đơn vị - người bệnh và đối tác. Ông Trương Quý Dương với vai trò là người đứng đầu của BVĐK tỉnh Hòa Bình, trong quá trình thực hiện liên danh, liên kết với Công ty Thiên sơn có rất nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật:

Thứ nhất, quy trình tham gia kêu gọi kêu gọi các nhà đầu tư tham gia liên danh, liên kết với BVĐK tỉnh Hòa Bình bằng hình thức nào, hay chỉ bắt tay với một mình Công ty Thiên Sơn để thực hiện hợp đồng này, trong khi không mời các đối tác khác có năng lực hợp tác để mở Đơn nguyên thận nhân tạo, đây là dấu hỏi rất lớn.

Thứ hai, Hòa Bình là tỉnh chủ yếu là đồng bào dân tộc chiếm dân số rất đông, kinh tế vô cùng khó khăn, hàng năm phải nhận sự hỗ trợ ngân sách từ Trung ương. Tuy nhiên, một điều hết sức vô lý là những bệnh nhân đã nghèo, đã khổ ở Hòa Bình lại phải chịu mức giá chạy thận đắt gấp đôi so với Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án này, luật sư thấy rằng, hầu hết bệnh viện tại các tỉnh thành trên cả nước mức giá chạy thận chỉ là giao động từ 3,5-4 USD/ca, nhưng riêng ở BVĐK tỉnh Hòa Bình giá gấp đôi so với nơi khác (7,7 USD/ca).

“Tôi không khẳng định những hành vi này là vi vi phạm pháp luật, nhưng tôi đặt ra nghi vấn rất lớn, tại sao ở BV Bạch Mai ở tuyến đầu cũng cái máy như thế mà họ chỉ thu như vậy, mà ở Hòa Bình thu gấp đôi, vậy nguyên nhân là do đâu. Chúng tôi đã làm việc với BVĐK tỉnh Hòa Bình, thì trong suốt quá trình hợp tác với Công ty Thiên Sơn luôn luôn báo lỗ ở Đơn nguyên thận nhân tạo, vậy phải chăng chỉ lợi ích của nhà đầu tư là Thiên Sơn thì đảm bảo? Trách nhiệm người đứng đầu là ông Trương Quý Dương là rất lớn trong vấn đề này” – Luật sư Huế cho biết.

Luật sư Nguyễn Danh Huế.
Luật sư Nguyễn Danh Huế.

Cũng theo Luật sư Huế, tại Quyết định 6197 của Bộ Y tế ban hành ngày 17/10/2016 quy định và hướng dẫn quản lý về dịch vụ thuê khoán bên ngoài tại bệnh viện đã hướng dẫn rất chi tiết việc lựa chọn các đơn vị cung cấp bên ngoài tại bệnh viện.

Nếu tuân theo đầy đủ các Quyết định 6197 thì hoàn toàn không có những nạn nhân bị thiệt mạng, không có những người có nguy cơ vướng vào vòng lao lý ngồi đây. Như vậy, với vai trò là người đứng đầu, ông Trương Quý Dương đã không tuân thủ theo quyết định 6197 của Bộ Y tế , có sai sót trong việc lựa chọn nhà thầu, sai sót trong việc để cho đối tác chuyển nhượng thầu trái pháp luật, sai sót trong việc không đôn đốc kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà thầu.

Đề nghị làm rõ trách nhiệm ông Trương Quý Dương, khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn

Luật sư Nguyễn Danh Huế tiếp tục trình bày, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã lựa Công ty Thiên Sơn (ông Đỗ Anh Tuấn làm giám đốc) theo hình thức là chào hàng cạnh tranh, theo đó, đã chọn công ty này là đơn vị sửa chữa, thay thế hệ thống lọc nước RO số 2. Ngay sau khi trúng thầu, Công ty Thiên Sơn đã có hành vi bán thầu cho Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh trái pháp luật, thể hiện bán 100% hợp đồng đang cam kết với BVĐK tỉnh Hòa Bình. Nếu không có hành vi chuyển nhượng thầu trái pháp luật sẽ không có sự cố nghiêm trọng này.

Ông Trương Quý Dương là cán bộ công chức duy nhất của BVĐK tỉnh Hòa Bình được Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt bổ nhiệm để giao một công vụ rất quan trọng là đảm bảo khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe y tế cho toàn dân tỉnh Hòa Bình.

Quang cảnh phiên tòa.
Quang cảnh phiên tòa.

Theo, Nghị định 157 ngày 27/10/2007 của Chính phủ, quy định về chế độ trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan tổ chức của đơn vị nhà nước trong thi hành nhiệm vụ. Khoản 1 Điều 6 Nghị định này có nội dung, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu của các cơ quan tổ chức, đơn vị của nhà nước nếu vi phạm trách nhiệm tại Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm thì phải chịu một hoặc nhiều trách nhiệm khác nhau.

“Như vậy, căn cứ vào Nghị định 157 nói trên, ông Dương với vai trò là giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình để xảy ra sự cố nghiêm trọng này, ông Dương hoàn toàn phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Tại sao với những quy định của pháp luật rõ ràng, vụ án xảy ra từ rất lâu mà Viện Kiểm sát không hề đề cập đến lỗi và trách nhiệm của người đứng đầu, thậm chí không có một kiến nghị nào để xử lý ông Trương Quý Dương. Chúng tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm ông Trương Quý Dương và khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn.” – Luật sư Huế nói.

Trong các phiên xét xử trước đó, đại diện Công ty Thiên Sơn cho biết, năm 2009, công ty này đã lên Hòa Bình khảo sát thị trường để bán máy chạy thận. Do BVĐK tỉnh Hòa Bình không có kinh phí, bệnh viện này đã đặt vấn đề có Thông tư của Bộ Y tế quy định về liên danh liên kết trong vấn đề này. Sau đó, Công ty Thiên Sơn đã phối hợp cùng với bệnh viện này lắp đặt máy chạy thận.

Giai đoạn đầu, toàn bộ máy móc, các thiết bị khác do Thiên Sơn đảm nhiệm, vì vậy, Thiên Sơn hưởng 90% số tiền mỗi ca chạy thận, bệnh viện hưởng 10%. Sau một thời gian, BVĐK có kinh nghiệm nên đặt vấn đề thuê máy chạy thận của Công ty Thiên Sơn theo định mức số ca chạy/máy.

Tính đến ngày 28/5/2017, BVĐK tỉnh Hòa Bình có 18 máy chạy thận (trong đó, 13 máy của Thiên Sơn làm theo hình thức xã hội hóa thể hiện trên 4 hợp đồng). Nhưng Công ty Thiên Sơn đã bàn giao 8 máy cho BVĐK tỉnh Hòa Bình (thể hiện ở 2 hợp đồng). Hiện tại chỉ còn 5 máy của Thiên Sơn thể hiện trên 2 hợp đồng (1 hợp đồng đến tháng 11/2018 hết hạn, 1 hợp đồng đến tháng 6/2019 hết hạn).

Nguyễn Dương