1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ chạy thận chết người: Làm rõ sai phạm của nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Hòa Bình

(Dân trí) - Công an tỉnh Hòa Bình vừa hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung lần 2 của vụ án chạy thận 9 người tử vong ở BVĐK tỉnh Hòa Bình, xảy ra ngày 29/5/2017. Nội dung bản kết luận này đã chỉ ra nhiều sai phạm của ông Hoàng Đình Khiếu – nguyên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Theo nội dung bản kết luận điều bổ sung lần 2 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình, tại bản kết luận điều tra lần 1, Cơ quan điều tra kết luận Hoàng Đình Khiếu với vai trò là Phó Giám đốc phụ trách Phòng Vật tư - trang thiết bị y tế và là Trưởng khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình chưa báo cáo đề xuất giám đốc giao hệ thống lọc nước RO cho cá nhân cụ thể trong Khoa Hồi sức tích cực quản lý, sử dụng. Quá trình điều tra bổ sung lần 2, với tài liệu đã thu thập được, thấy rằng: Hoàng Đình Khiếu đã ký quyết định (Quyết định 143 ngày 29/3/2016, quyết định 606 ngày 30/6/2016, quyết định 679 ngày 19/7/2016) giao hệ thống lọc nước RO1, RO2, RO mini cho cá nhân và Đơn nguyên lọc máu quản lý, sử dụng.

Ông Hoàng Đình Khiếu.
Ông Hoàng Đình Khiếu.

Tại Công văn số 1399 của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình ngày 30/7/2018 có nêu: “Ông Hoàng Đình Khiếu – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình ký quyết định giao thiết bị y tế cho ông Hoàng Công Tình – Phó trưởng khoa ICU và khoa ICU quản lý, sử dụng, bảo quản là đúng thẩm quyền theo quy định tại quy chế bệnh viện ban hành tại quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế”.

Cơ quan điều tra tiến hành xác minh tại sổ theo dõi công văn đi ở bộ phận văn thư lưu trữ thuộc Phòng Tổ chức cán bộ BVĐK tỉnh Hòa Bình, xác định có vào sổ đối với công văn đi đối với mục giao quản lý trang thiết bị y tế và hệ thống nước RO. Tuy nhiên, ông Hoàng Công Tình khẳng định là lãnh đạo khoa được giao phụ trách chuyên môn Hồi sức tích cực nên không thể trực tiếp quản lý, sử dụng các hệ thống lọc nước RO nêu trên.

Do đó, Khoa Hồi sức tích cực không có ai quản lý việc sử dụng hệ thống RO; việc bàn giao để quản lý, bàn giao để sử dụng không rõ ràng, bởi không có “quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng máy” đối với hệ thống lọc nước RO 2. Vì vậy, có đủ căn cứ tiếp tục khẳng định ông Hoàng Đình Khiếu đã vi phạm Điều 2, mục I, chương 13, phần 3 (quy chế quản lý bệnh viện – quy chế bệnh viện): “Vật tư trang thiết bị phải được giao trách nhiệm bảo quản và sử dụng cho từng cá nhân trong đơn vị bệnh viện. Vật tư thiết bị y tế phải được sử dụng đúng quy định kỹ thuật bệnh viện và phải được khai thác hết công suất” như đã nêu trong kết luận điều tra bổ sung lần 1.

Với vai trò là trưởng khoa – là người có trách nhiệm bảo đảm chất lượng sử dụng nước trong lọc máu, quá trình thực hiện trách nhiệm Hoàng Đình Khiếu đã vi phạm khoản c, điều 11, mục II, chương 24, phần V (Quy chế công tác một số khoa – quy chế bệnh viện) quy định trưởng khoa lọc máu phải có trách nhiệm “Nước sử dụng trong lọc máu đảm bảo chất lượng và đủ theo quy định”. Cụ thể, tại khoản c, điều 2, mục II, chương 24, phần V (Quy chế công tác một số khoa – quy chế bệnh viện) thì “Kỹ sư, kỹ thuật viên có trách nhiệm đảm bảo các thiết bị thận nhân tạo và hệ thống xử lý nước luôn hoạt động tốt; kiểm tra chất lượng nước, chất lượng dịch lọc trước, trong và sau khi lọc máu…”. Mặc dù đơn nguyên lọc máu không có biên chế kỹ sư, kỹ thuật viên để thực hiện nhiệm vụ này, nhưng Hoàng Đình Khiếu cũng không triển khai các biện pháp nào để đảm bảo chất lượng nước RO dùng cho chạy thận (không trực tiếp kiểm tra hoặc giao cho ai kiểm tra chất lượng nước; không chỉ đạo cụ thể về việc không được sử dụng hệ thống lọc nước RO2 sau sửa chữa khi chưa có kết quả xét nghiệm chất lượng nước, chưa có biên bản bàn giao, nghiệm thu hoặc chưa có ý kiến của trưởng khoa), buông lỏng quản lý để cho Đơn nguyên lọc máu sử dụng hệ thống lọc nước RO2 sau sửa chữa một cách tùy tiện khi nước chưa được xét nghiệm AAMI.

Vụ chạy thận làm 9 người chết ở BVĐK tỉnh Hòa Bình là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng trong ngành y.
Vụ chạy thận làm 9 người chết ở BVĐK tỉnh Hòa Bình là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng trong ngành y.

Cũng theo kết luận điều tra, bản thân Hoàng Đình Khiếu biết rõ ngày 28/5/2017 tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO2 nhưng đã không phối hợp với trưởng phòng Vật tư để tiến hành kiểm tra hệ thống lọc nước RO2 đã được sửa chữa, sử dụng an toàn chưa. Ông Khiếu không kiểm tra an toàn sử dụng để biết đồng hồ đo độ dẫn điện nước RO có sai số quá lớn sẽ không sẽ không báo chính xác nước RO đảm bảo an toàn cho sử dụng. Ngoài ra, Hoàng Đình Khiếu không phát hiện ngăn chặn việc bác sĩ Hoàng Công Lương và các điều dưỡng viên đưa hệ thống lọc nước RO2 chưa có căn cứ xác định đảm bảo an toàn vào sử dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Từ căn cứ trên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đề nghị VKSND tỉnh Hòa Bình truy tố bị can Hoàng Đình Khiếu về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Khoản 2, Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999, nay được quy định tại Khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Nguyễn Dương