Vụ bán cổ phần Nguyễn Kim: Tề Trí Dũng bị khởi tố mới biết mình làm sai?
(Dân trí) - Bị cáo Tề Trí Dũng khai sau khi làm việc với cơ quan điều tra thì nhận thức được việc bán 9 triệu cổ phần của SADECO cho công ty Nguyễn Kim có nhiều sai sót, chủ quan.
Ngày 28/12, phiên tòa xét xử bị cáo Tề Trí Dũng - cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) cùng đồng phạm về tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tiếp tục xét hỏi.
Trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử, bị cáo Tề Trí Dũng cho biết, đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc Công ty IPC từ 2015 đến 2018 và Chủ tịch HĐQT công ty SADECO từ tháng 5/2016 đến 2018.
Bị cáo thừa nhận sai phạm như cáo trạng quy kết và "tự bào chữa" thêm: Quá trình đề xuất, trình duyệt và thực hiện phương án phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là công ty cổ phần đầu tư và phát triển Nguyễn Kim (công ty Nguyễn Kim), không biết được hành vi của mình là sai.
Dũng với tư cách Chủ tịch HĐQT SADECO và các thành viên được giao đại diện phần vốn góp của thành phố đã sử dụng kết quả thẩm định giá của HSC (doanh nghiệp không có chức năng thẩm định), thông qua quyết định bán 9 triệu cổ phần cho công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần - thấp hơn giá trị thực, gây thiệt hại cho SADECO hơn 1.103 tỷ đồng. Trong đó, thất thoát tài sản Nhà nước là hơn 669 tỷ đồng.
Bị cáo Dũng khai quá trình thực hiện kế hoạch phát hành 9 triệu cổ phiếu thì có báo cáo với UBND TPHCM. Sau khi bị cáo này báo cáo thì phía ủy ban đã yêu cầu các sở, ban, ngành tham mưu và quá trình này thì không có cơ quan nào thông báo cho Dũng biết việc phát hành trên phải đấu giá.
Cạnh đó, bị cáo khai nghĩ, việc phát hành cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ của công ty, không phải là mua bán vốn nên không cần thiết phải thẩm định, bán đấu giá.
Đồng thời, nam bị cáo cho rằng tại thời điểm thực hiện hành vi thì suy nghĩ mình làm đúng, hoàn thành nhiệm vụ nhưng sau khi bị khởi tố thì nhận thức được việc làm của mình là sai, có sự chủ quan dẫn đến hậu quả gây thất thoát tài sản Nhà nước.
"Sai sót đầu tiên là chọn công ty định giá, sai sót thứ 2 là nhận thức không đúng khi không đấu giá. Bản thân bị cáo nhận rất rõ sai sót của bản thân nên khi phát hiện sai phạm đã nỗ lực ngăn chặn bằng cách hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng 9 triệu cổ phiếu", bị cáo Tề Trí Dũng khai.
Các bị cáo liên quan tại IPC, SADECO và đại diện vốn góp Văn phòng Thành ủy đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Song các bị cáo khai đều không biết nếu phát hành cổ phần theo phương án xác định giá 40.000 đồng/cổ phần là sai. Bởi thời điểm đó, ai cũng biết Công ty Nguyễn Kim là công ty "đang ăn nên làm ra".
Riêng bị cáo Trần Công Thiện (đại diện phần vốn Văn phòng Thành ủy TPHCM tại SADECO) trình bày với HĐXX, không đồng ý với tội danh vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí do Viện KSND TPHCM truy tố đối với mình.
Theo bị cáo Thiện, SADECO là công ty cổ phần, mà cổ phần thì không phải của nhà nước.
"Bị cáo không đồng ý vì tài sản này không thuộc sở hữu nhà nước, không có nguồn gốc nhà nước. Vốn của Thành ủy tại Sadeco là tài sản văn phòng thành ủy, đảng bộ TPHCM. Khi tài sản nhà nước đã chuyển giao cho Tổ chức chính trị thì tổ chức này toàn quyền định đoạt tài sản đó theo tổ chức chính trị đó ban hành", bị cáo Thiện khai.
Chiều nay, hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi.