Vụ án oan 38 năm trước: Hôm nay tòa án xem xét kháng cáo
(Dân trí) - Ông Trịnh Dân Cường kiện VKSND quận 6 (TPHCM) liên quan tới vụ án oan của ông 38 năm trước, tuy nhiên TAND quận 6 đã đình chỉ. TAND TPHCM mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo, hôm nay 25/9.
Chiều 25/9, TAND TPHCM sẽ mở phiên họp phúc thẩm xem xét quyết định sơ thẩm kháng cáo trong vụ án Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự, giữa nguyên đơn là ông Trịnh Dân Cường (SN 1956, ngụ quận 6, TPHCM) với VKSND quận 6.
Phiên họp do Thẩm phán Trịnh Thị Ánh làm chủ tọa. Thành phần tham gia phiên họp còn có 2 thẩm phán, 2 thẩm phán dự khuyết và một thư ký.
Vụ án oan của ông Trịnh Dân Cường nhận được sự quan tâm của dư luận nhiều năm qua bởi ông đã được xác định không liên quan tới vụ án trộm vàng năm 1985, nhưng tới nay vẫn mang thân phận bị can. Suốt hơn 30 năm qua, ông Cường đi khiếu nại khắp nơi song vẫn chưa được xin lỗi và bồi thường.
VKSND quận 6 giữ quan điểm ông Cường bị bắt giam giữ trước ngày 1/7/1996 và được xác định là oan sai bởi bản án hình sự phúc thẩm ngày 21/2/1990 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM, nhưng đến nay ông Cường mới nộp đơn yêu cầu được bồi thường thiệt hại. Do vậy, yêu cầu của ông đã hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.
TAND quận 6 đình chỉ giải quyết vụ án ông Cường kiện VKSND quận 6 với lý do "chưa đủ điều kiện khởi kiện" theo quy định tại Khoản 5, Điều 3, Điều 9; Khoản 3, Điều 18 và Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
Không đồng ý với quyết định đình chỉ vụ án của TAND quận 6, ông Trịnh Dân Cường đã kháng cáo. Theo luật, TAND quận 6 đã chuyển hồ sơ lên TAND TPHCM để xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
Theo nội dung vụ án, 22h ngày 27/2/1985, bà Nguyễn Thị Kim Cúc (nhà ở đường Bãi Sậy, quận 6) báo án mất trộm vàng. Ngày 28/2/1985, Công an quận 6 đã tạm giữ ông Trịnh Dân Cường, Hồ Văn Được và Trần Đức Ẩn.
Công an quận 6 đã ra lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam cả 3 người vào Trại tạm giam Chí Hòa, các quyết định này được VKSND quận 6 phê chuẩn.
Quá trình giam giữ, cả 3 ông không thừa nhận hành vi phạm tội. Ông Được đã tự vẫn tại buồng giam. Ngày 19/9/1985, ông Ẩn được trả tự do và khoảng 1 năm sau thì qua đời.
Riêng ông Cường bị chuyển lên trại Tống Lê Chân để tập trung cải tạo nhưng không có quyết định của UBND TPHCM hay UBND quận 6. Ông Cường được trả tự do ngày 3/12/1986.