Vụ án liên quan ông Đỗ Hữu Ca: Lập 26 công ty "ma" mua bán hóa đơn
(Dân trí) - Vợ chồng Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đã thành lập 26 công ty để mua bán hơn 15.000 hóa đơn trái phép, thu lời bất chính hơn 41 tỷ đồng.
VKSND tỉnh Quảng Ninh vừa hoàn tất bản cáo trạng trong vụ án có liên quan đến ông Đỗ Hữu Ca (Thiếu tướng, cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng) bị cáo buộc nhận tiền để hứa hẹn "chạy án".
Trong số 13 bị can bị truy tố trong vụ án này có vợ chồng bị can Trương Xuân Đước (53 tuổi) và Nguyễn Thị Ngọc Anh (45 tuổi), cùng trú ở Hải Phòng, đã điều hành Công ty cổ phần Khánh Dung, chuyên hoạt động mua bán hóa đơn trái phép.
Cùng 2 vợ thành lập công ty "ma"
Tháng 1/2005, Đước thuê dịch vụ thành lập Công ty Cổ phần Khánh Dung để hoạt động mua bán hóa đơn trái phép để kiếm lời. Để thành lập công ty này, Đước đã sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) của bản thân, vợ cũ là Vũ Thị Khánh Dung và của người thân.
Công ty trên do Đước làm giám đốc, bà Dung và người thân đứng danh cổ đông của công ty.
Đến năm 2007, sau khi kết hôn với Nguyễn Thị Ngọc Anh, Đước cùng người vợ sau này quản lý, điều hành Công ty Khánh Dung hoạt động mua bán hóa đơn trái phép.
Tại Công ty Khánh Dung, Ngọc Anh là kế toán trưởng, có nhiệm vụ quản lý bộ phận kế toán kê khai báo cáo thuế, hợp thức hóa hồ sơ và làm các thủ tục thành lập các công ty khác để mua bán trái phép hóa đơn.
Từ năm 2014 đến năm 2021, vợ chồng Đước đã sử dụng CMND hoặc CCCD của bản thân, người quen để thành lập các công ty hoạt động mua bán hóa đơn trái phép kiếm lời.
Với phương thức như trên, từ năm 2005 đến khi bị bắt giữ, Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đã thành lập 26 công ty hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.
Để thành lập 26 công ty trên, thời gian đầu vợ chồng Đước thuê một người đàn ông tên Dân ở Hải Phòng (không rõ lai lịch, địa chỉ cụ thể) làm thủ tục thành lập các công ty theo yêu cầu của mình.
Đến năm 2018, do không liên lạc được với Dân, Đước và vợ đã thuê Công ty TNHH tư vấn thuế Thái Phong làm dịch vụ thành lập, thay đổi thông tin các công ty tại Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, phục vụ cho việc mua bán hóa đơn trái phép.
Trong năm 2010 và khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2020, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều cá nhân, đơn vị mua bán hóa đơn trái phép. Mặc dù có trong tay 26 công ty nhưng do lo sợ bị phát hiện, vợ chồng Đước đã cho dừng hoạt động 7 công ty mua bán hóa đơn trái phép.
Đối với hóa đơn đầu vào, vợ chồng Đước khai nhận, căn cứ vào lượng tiền ghi trên hóa đơn bán ra trái phép, hàng tháng Đước mua hóa đơn trái phép của Bùi Huy Hợp (SN 1972, ở An Dương - Hải Phòng) và các cá nhân, đơn vị khác.
Số hóa đơn mua về, vợ chồng Đước dùng kê khai báo cáo thuế đầu vào cho Công ty Khánh Dung. Hóa đơn trái phép được vợ chồng Đước mua với giá 5-6% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn (chưa gồm thuế VAT).
Đến năm 2018, sau khi nghe Hợp bị Công an Hải Phòng bắt, xử lý về hành vi mua bán trái phép hóa đơn, Đước nhận thấy việc mua hóa đơn trái phép đầu vào như trên có nhiều rủi ro, nên đã hạn chế mua.
Sau đó, vợ chồng Đước đã thành lập 11 công ty làm nguồn hóa đơn đầu vào, sử dụng để kê khai báo cáo thuế cho các công ty Đước bán hóa đơn trái phép. Trong số 11 công ty này, có một số công ty vừa được vợ chồng Đước sử dụng làm nguồn hóa đơn đầu vào trái phép, vừa xuất hóa đơn bán ra cho khách mua.
Theo cáo trạng, đối với những cá nhân bán hóa đơn đầu vào và mua hóa đơn, vợ chồng Đước thường giao dịch qua điện thoại, zalo, qua môi giới, nên không biết, không nhớ thông tin khách hàng.
Tuy nhiên, trong số khách mua hóa đơn trái phép, vợ chồng Đước khai có bán cho Đặng Khắc Thành và Hà Thị Bích Nhàn, sau đó 2 vị khách này lại bán lại kiếm lời.
Ngoài ra, vợ chồng Đước còn trực tiếp bán hóa đơn trái phép cho các công ty trên địa bàn Hà Nội, gồm: Công ty TNHH vật liệu xây dựng Lâm Anh, Công ty TNHH vật liệu xây dựng Đại Lâm, Công ty TNHH vận tải TM Kim Cương, Công ty TNHH thương mại và vận tải Hương Giang, Công ty TNHH TM xây dựng và vận tải Khánh Phong và Công ty CP đầu tư xây dựng Hà Hiếu.
Hóa đơn trái phép vợ chồng Đước bán cho các công ty trên với giá từ 7-8% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế VAT).
Quá trình điều tra, Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh khai: Đước quản lý, điều hành các công ty hoạt động mua bán trái phép hóa đơn từ năm 2005. Ngọc Anh tham gia quản lý, điều hành các công ty mua bán hóa đơn trái phép cùng Đước từ năm 2007 đến năm 2022 thì ngừng hoạt động.
Thu lời bất chính hơn 41 tỷ đồng
Vợ chồng Đước quản lý, điều hành các công ty hoạt động mua bán trái phép hóa đơn trong thời gian dài không bị phát hiện.
Trong khi đó, pháp luật quy định tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, là tội phạm nghiêm trọng.
Theo quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng. Vì vậy, cơ quan điều tra xác định đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hóa đơn mà Đước và Ngọc Anh mua bán trái phép trong thời gian từ tháng 2/2013 trở về trước.
Căn cứ tài liệu do Cục Thuế TP Hải Phòng, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cung cấp và kết quả điều tra, xác định: Tổng số hóa đơn vợ chồng Đước đã mua bán trái phép của 26 công ty là 21.449 hóa đơn.
Trong đó, số hóa đơn Đước, Ngọc Anh sử dụng kê khai báo cáo thuế từ tháng 2/2013 đến khi ngừng hoạt động của Công ty Khánh Dung là 15.674 hóa đơn. Như vậy, số hóa đơn mua bán trái phép của vợ chồng Đước phải chịu trách nhiệm hình sự là 15.674 hóa đơn.
Tổng số tiền hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn bán ra cho khách của các công ty vợ chồng Đước quản lý, điều hành mua bán trái phép hóa đơn (chưa tính thuế VAT) là hơn 6.000 tỷ đồng.
Về tiền thu lời bất chính từ hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, Đước và Ngọc Anh khai: Giá bán hóa đơn không có định, lên xuống tùy từng thời điểm, nhưng luôn bán ra với giá cao hơn so với mua vào là 1% giá trị hàng hóa dịch vụ ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế VAT).
Số tiền 1% Đước, Ngọc Anh thu được từ khi bán hóa đơn trái phép là hơn 60 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí như thuê nhà làm trụ sở, thuê kế toán,... và các chi phí khác, vợ chồng Đước thu lời được số tiền hơn 41 tỷ đồng từ việc quản lý, điều hành các công ty hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.
Lo sợ bị xử lý hình sự, vợ chồng Đước đã "ôm" 35 tỷ đồng đến nhà ông Đỗ Hữu Ca (Thiếu tướng, cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng) để nhờ chạy tội. Sau khi đưa số tiền này cho ông Ca, nhưng Đước vẫn bị công an bắt, Ngọc Anh đã đến nhà ông Ca đòi lại tiền nhưng không được.
Sau đó, Ngọc Anh và ông Ca cũng bị bắt để điều tra liên quan đến vụ án.