1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ AIC: VKS đối đáp về đề nghị gỡ lệnh truy nã với các bị cáo đang bỏ trốn

Hải Nam

(Dân trí) - VKS cho rằng trong vụ án này, hành vi phạm tội của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị cáo đang bỏ trốn có liên quan đến những bị cáo khác. Nếu ra quyết định đình chỉ sẽ làm ảnh hưởng đến vụ án.

Chiều 28/12, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan, tiếp tục với phần đối đáp của VKSND TP Hà Nội với những luận điểm bào chữa của luật sư các bị cáo.

Trong vụ án, 8/36 bị cáo được xác định bỏ trốn, bị cơ quan điều tra phát lệnh truy nã. Tại phần tranh luận, nhiều luật sư cho rằng cơ quan tố tụng cần ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với các bị cáo vắng mặt. Đối đáp lại quan điểm này, đại diện VKS viện dẫn nhiều quy định của pháp luật, chứng minh việc đưa vụ án ra xét xử là đúng pháp luật.

Theo đó, đại diện VKS phân tích việc tạm đình chỉ điều tra, truy tố hay xét xử chỉ khi vụ án chưa xác định được bị can, bị cáo hoặc chưa biết rõ các đối tượng ở đâu mà hết thời gian điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử. Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng không được ra quyết định tạm đình chỉ những người đang bỏ trốn nếu việc này ảnh hưởng đến các bị can khác.

Vụ AIC: VKS đối đáp về đề nghị gỡ lệnh truy nã với các bị cáo đang bỏ trốn - 1

VKSND TP Hà Nội.

Như vậy, đại diện VKS cho rằng trong vụ án này, hành vi phạm tội của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch AIC) và 7 bị cáo đang bỏ trốn có liên quan đến những bị cáo khác. Nếu ra quyết định đình chỉ sẽ làm ảnh hưởng đến vụ án.

"Việc cơ quan tố tụng không ra quyết định tạm đình chỉ mà tiếp tục đề nghị truy tố, xét xử là hoàn toàn đúng quy định pháp luật", đại diện VKS nói.

Trước quan điểm cần gỡ lệnh truy nã đối với các bị cáo xuất cảnh khỏi Việt Nam trước khi điều tra vụ án, khởi tố, đại diện VKS đối đáp luật pháp Việt Nam không quy định về thời điểm bỏ trốn. Vì vậy, việc các bị cáo xuất cảnh trước hay sau khi vụ án được điều tra đều bị xác định là hành vi bỏ trốn. Từ đó, cơ quan điều tra phát lệnh truy nã là đúng quy định.

Phân tích thêm, đại diện VKS cho biết trường hợp gỡ lệnh truy nã chỉ xảy ra khi đã bắt được các bị can.

Trong phiên tòa chiều nay, cơ quan tố tụng đã có đánh giá mới đối với bị cáo Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) khi nhận định ông Thái đã có sự ăn năn, thể hiện thái độ thành khẩn khai báo. Vì vậy, VKSND TP Hà Nội thay đổi mức án đề nghị 10 - 11 năm tù xuống 8 - 9 năm tù đối với bị cáo Thái về tội Nhận hối lộ.