Cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai nhận hối lộ hay tiền "cảm ơn"?
(Dân trí) - Theo luật sư bào chữa cho Phan Huy Anh Vũ, không có lời khai thể hiện việc bị cáo và những người tại AIC có thỏa thuận để Vũ làm sai nhằm hưởng lợi.
Sáng 27/12, phiên tòa sơ thẩm vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan tiếp tục với phần tranh luận.
Bào chữa cho bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai), luật sư Giang Hồng Thanh đưa ra 2 quan điểm đối với 2 tội danh mà VKS truy tố bị cáo này.
Cụ thể, đối với tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", luật sư Thanh cho rằng cần làm rõ việc có Công ty AIC trúng 16 gói thầu tại Dự án xây dựng bệnh viện có gây thiệt hại hay không, và nếu có thiệt hại thì bao nhiêu.
Sau khi phân tích và đưa ra một số dẫn chứng, luật sư bào chữa cho cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai kết luận có sự mâu thuẫn giữa kết luận kiểm toán Nhà nước và Kết luận định giá của Hội đồng định giá tỉnh Đồng Nai về giá trị một số gói thầu.
Tiếp tục, luật sư Thanh cũng phủ nhận cáo buộc bị cáo Phan Huy Anh Vũ gây thiệt hại 3,5 tỷ đồng liên quan đến việc ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh mức phạt tiến độ.
Về tội danh "Nhận hối lộ", luật sư cho rằng cáo buộc này chưa đủ căn cứ. Theo đó, người bào chữa cho bị cáo Vũ phân tích tội "Nhận hối lộ" được cấu thành từ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái quy định để nhận lợi ích, hoặc không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ.
Từ đó, trong vụ án này, luật sư nhận định việc làm trái quy định là trong quá trình đấu thầu. Tuy nhiên, hành vi này của bị cáo Vũ đã bị xử lý về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
"Như vậy, nếu loại bỏ hành vi trái quy định của tội "Nhận hối lộ" thì không đủ yếu tố cấu thành do thiếu điều kiện về mặt chủ quan", luật sư Thanh phân tích.
Phân tích thêm, luật sư cho biết Vũ chỉ nhận tiền từ Trần Mạnh Hà (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty AIC). Thế nhưng, Hà đã bỏ trốn và không có lời khai, còn Vũ không có lời khai thể hiện việc Vũ thỏa thuận với AIC là sẽ làm trái quy định để "được hoặc sẽ được" nhận lợi ích từ công ty.
"Tại phiên tòa, các bị cáo Vũ, Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), Hoàng Thị Thúy Nga (Phó Tổng giám đốc Công ty AIC) cũng không có lời khai thể hiện việc trao đổi, thỏa thuận, bàn bạc về việc Vũ phải làm sai để được hưởng lợi ích từ AIC", người bào chữa cho bị cáo Vũ nói.
Cuối cùng, luật sư Thanh nhấn mạnh chi tiết thân chủ của mình nhận tiền "cảm ơn" vào thời điểm 4 tháng sau khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Trước khi kết thúc phần tranh luận, luật sư nêu một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt đối với cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai như: Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác...
Vì vậy, luật sư Giang Hồng Thanh đề nghị HĐXX tuyên bố Phan Huy Anh Vũ không phạm tội "Nhận hối lộ". Đối với tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", luật sư đề nghị tòa cho bị cáo được hưởng mức hình phạt dưới khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Trong bản luận tội của VKS, Phan Huy Anh Vũ với vai trò là Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, đại diện Chủ đầu tư, đã nhiều lần nhận từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch AIC), Trần Mạnh Hà tổng số tiền 14,8 tỷ đồng.
Đồng thời, Vũ theo chỉ đạo của Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo Phan Minh Trí (Trưởng Phòng hành chính quản trị Bệnh viện Đồng Nai) thông thầu, giúp Công ty AIC trúng 16 gói thầu trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 152 tỷ đồng.
VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Phan Huy Anh Vũ 9 - 10 năm tù về tội "Nhận hối lộ", 10 - 11 năm về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hình phạt chung là 19 - 21 năm.