1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ 8 người chạy thận tử vong: “Không làm oan, không bỏ lọt tội phạm”

(Dân trí) - Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Hội đồng xét xử (HĐXX) vụ 8 người chết ngày 29/5/2017 tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình “không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm”; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức và các bên liên quan.

Ngày 29/5/2017, tại Đơn nguyên thận nhân tạo, Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, 18 bệnh nhân đang điều trị lọc máu (chạy thận) đều có biểu hiện nôn, ngứa, buồn đi ngoài, chóng mặt. Sau đó, trong ngày 29/5 đến 04/6 có 08 bệnh nhân tử vong; 10 bệnh nhân phải chuyển đi cấp cứu ở tuyến trên.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, là thảm họa của ngành y, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Căn cứ quy định pháp luật, cơ quan pháp luật ở tỉnh Hòa Bình đã lần lượt thực hiện quy trình tố tụng. Ngày 15/5, TAND thành phố Hòa Bình mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án.


TAND tỉnh Hòa Bình theo dõi phiên tòa qua hệ thống trực tuyến

TAND tỉnh Hòa Bình theo dõi phiên tòa qua hệ thống trực tuyến

3 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Bùi Mạnh Quốc (SN 1986,- Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”; Bị cáo Trần Văn Sơn (SN 1990 - Cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế - BVĐK Hòa Bình) và bị cáo Hoàng Công Lương (SN 1986, - Bác sĩ Khoa hồi sức tích cực - BVĐK tỉnh Hòa Bình). Bị cáo Sơn và bị cáo Lương cùng bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Bị đơn dân sự là Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Người có nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn, Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh cùng một số y bác si, người nhà nạn nhân cũng được triệu tập đến phiên tòa.

Theo lãnh đạo TAND tỉnh Hòa Bình, xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án, ngay từ những ngày đầu, TAND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo TAND thành phố trên tinh thần cải cách tư pháp, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thận trọng các tình tiết vụ án, cũng như nhân thân người phạm tội, kịp thời đưa vụ án ra xét xử. Khi xét xử phải thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm để các bên thực hiện đúng và đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ tố tụng của bị cáo, những tổ chức và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đúng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là nghĩa vụ chứng minh, xác định sự thật khách quan của vụ án, các vấn đề pháp lý tranh chấp cần giải quyết trong vụ án.

Quá trình hỏi và tranh luận tại phiên tòa phải bảo đảm thực sự khách quan, minh bạch và công bằng, “không được thiên vị và định kiến”. Các vấn đề về nội dung tố tụng giải quyết vụ án phải được xem xét một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, không được bỏ sót bất cứ vấn đề pháp lý hoặc tình tiết, chứng cứ nào có liên quan đến vụ án;

Hội đồng xét xử phải thực hiện hết thẩm quyền của mình theo quy định, “không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm”; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức và các bên liên quan. Bên cạnh đó phối hợp với các cơ quan liên quan trong giữ gìn an ninh, trật tự tại phiên tòa và các cơ quan truyền thông, báo chí theo quy định của Luật, để thông tin kịp thời, đầy đủ diễn biến phiên tòa.

Để đảm bảo xét xử khách quan, đúng pháp luật, trong suốt thời gian Hội đồng xét xử TAND TP Hòa Bình làm việc, Tòa án tỉnh cử thẩm phán, cán bộ chuyên môn trực tiếp theo dõi diễn biến tại Hội trường xét xử. Bên cạnh đó TAND tỉnh Hòa Bình còn tổ chức theo dõi phiên tòa qua hệ thống trực tuyến để đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức phiên tòa.

Đàm Quang