1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ 7 thanh niên bị bắt oan: Truy tố 2 điều tra viên và 1 kiểm sát viên

(Dân trí) - Vụ 7 thanh niên bị bắt oan: Truy tố 2 điều tra viên và 1 kiểm sát viên

Theo đó, hai bị can bị truy tố về tội “dùng nhục hình” gồm Nguyễn Hoàng Quân (38 tuổi), Triệu Tuấn Hưng (34 tuổi), cả 2 nguyên là điều tra viên, Đội trưởng và Đội phó Đội hướng dẫn điều tra án xâm phạm nhân thân- PC45 Công an tỉnh Sóc Trăng. Bị can Phạm Văn Núi (57 tuổi, nguyên kiểm sát viên Viện KSND tỉnh Sóc Trăng) bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thạch Sô Phách, một trong 7 thanh niên tố cáo cán bộ điều tra dùng nhục hình với mình.
Thạch Sô Phách, một trong 7 thanh niên tố cáo cán bộ điều tra dùng nhục hình với mình.

Theo hồ sơ vụ án, rạng sáng 6/7/2013, người dân ở xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề phát hiện thi thể ông Lý Văn Dũng (43 tuổi, ngụ huyện Trần Đề, hành nghề xe ôm) nằm chết gục trên đường lộ đan thuộc ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Trong quá trình truy tìm thủ phạm, Cơ quan CSĐT quyết định bắt tạm giam 7 nghi can để điều tra về hành vi giết người và không tố giác tội phạm gồm: Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Khâu Sóc, Thạch Sô Phách (cùng ngụ tại huyện Trần Đề) về tội “Giết người” và  Nguyễn Thị Bé Diễm (nhân viên phục vụ quán nhậu) về hành vi “Không tố giác tội phạm”.

Khi vụ án sắp kết thúc điều tra, các cán bộ trong Ban chuyên án chuẩn bị được khen thưởng thì ngày 18/11/2013, Lê Mỹ Duyên (ngụ TP Rạch Giá, Kiên Giang) đã đến Công an TP.HCM đầu thú, thừa nhận Duyên và Phan Thị Kim Xuyến (ngụ tại huyện Trần Đề, Sóc Trăng) chính là người đã giết Lý Văn Dũng nhằm mục đích cướp tài sản.

Qua xác minh, Công an Sóc Trăng xác nhận Duyên và Xuyến là thủ phạm giết chết ông Lý Văn Dũng. Do xác định được oan sai nên Công an tỉnh Sóc Trăng đã hủy bỏ biện pháp tạm giam, đồng thời ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với 7 bị can nói trên.

Sau khi được trả tự do, 7 người này đã làm đơn tố giác trong các ngày từ ngày 10/7 đến 20/7/2013, họ đã bị các cán bộ, điều tra viên dùng nhục hình dưới nhiều hình thức nên buộc phải khai nhận có tham gia giết ông Lý Văn Dũng. Trong số những cán bộ điều tra dùng nhục hình đối với họ có Đại úy Triệu Tuấn Hưng và Thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân. Vụ việc được Cơ quan điều tra (C6) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã phát hiện một số cán bộ tiến hành tố tụng tại Sóc Trăng đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Theo các thanh niên bị bắt oan, cán bộ điều tra ở huyện Trần Đề cũng như ở Phòng CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng đánh đập tàn nhẫn, dùng nhiều hình thức nhục hình như bắt đứng treo trên đầu ngón chân, bị treo tay lên cao, bị đánh vào đầu gây thương tích, bị đối xử không tốt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe....

Trong đó, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã xác định Nguyễn Hoàng Quân và Triệu Tuấn Hưng đã có hành vi dùng nhục hình tại trụ sở Công an tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể, Hưng đã dùng khóa số 8 treo cao một tay của Trần Văn Đỡ theo chiều thẳng đứng vào khung sắt cửa sổ, chỉ để hai đầu bàn chân chạm sàn nhà, sau đó dùng tay đánh, dùng đầu gối thúc vào bụng để ép Đỡ khai nhận có tham gia giết ông Dũng. Ngoài việc treo Thạch Sô Phách lên cửa sổ, dùng dùi cui đánh, thúc vào bụng, Triệu Tuấn Hưng còn dùng khăn gói cục nước đá lạnh “ướp” vào bộ phận sinh dục để ép buộc Phách phải khai nhận tội.

Ngoài hành vi dùng nhục hình với Đỡ và Phách, Quân và Hưng còn đấm đá, dùng dùi cui cao su đánh nhiều lần vào người Thạch Mươl, Khâu Sóc. Những hành vi này khiến 4 thanh niên này dù không phạm tội vẫn phải khai nhận có giết ông Dũng để “thoát cảnh bị đánh, ra tòa kêu oan sau”.

Với Kiểm sát viên Phạm Văn Núi, là người được phân công thụ lý kiểm sát điều tra vụ án nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Phạm Văn Núi không làm đúng và đầy đủ trách nhiệm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Quy chế công tác của ngành Kiểm sát nhân dân như: Không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để phát hiện các mâu thuẫn trong các tài liệu, chứng cứ đã thu thập để đề ra yêu cầu điều tra kịp thời; không phát hiện được những thiếu sót trong quá trình khám nghiệm tử thi để yêu cầu hội đồng khám nghiệm xem xét đầy đủ nên không xác định được thời gian chết, cơ chế hình thành dấu vết; khi các đối tượng không nhận tội và khai báo chứng cứ ngoại phạm nhưng Phạm Văn Núi lại không gặp trực tiếp người bị bắt để xác minh; không tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ sự thật khách quan của vụ án mà lại đề xuất với lãnh đạo phê chuẩn Lệnh bắt khẩn cấp, Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam làm oan cho 7 công dân tại tỉnh Sóc Trăng.

Bên cạnh việc truy tố Quân, Hưng và Núi, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao cũng đã có văn bản kiến nghị đến cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với ông Huỳnh Thế Đức (Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Sóc Trăng) và ông Nguyễn Việt Hùng (Trưởng phòng 1A) vì đã có vi phạm, thiếu sót chủ quan, quá tin tưởng vào tài liệu chứng cứ do Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng cung cấp.

Như đã phản ánh, sau khi 7 thanh niên được trả tự do, Công an tỉnh Sóc Trăng đã kỷ luật 25 sĩ quan, chiến sĩ là những người có liên quan trong chuyên án này. Trong đó, Thiếu tá Quân bị cách chức Đảng ủy viên, Bí thư chi bộ thuộc Đảng ủy cơ sở PC45, giáng chức từ Đội trưởng xuống Đội phó Đội hướng dẫn điều tra án xâm phạm nhân thân PC45.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài vụ oan sai của 7 thanh niên nói trên, ngày 1/8/2014, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng cũng vừa phê chuẩn các quyết định “Tạm đình chỉ điều tra vụ án”, “Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn”, “Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự”, “Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam” đối với 3 người trong gia đình ông Phạm Văn Lé (ngụ tại phường Vĩnh Phước, TX Vĩnh Châu) sau khi họ bị bắt giam vừa tròn 2 năm về tội “Giết người” và “Không tố giác tội phạm”. Trong số các cán bộ điều tra tham gia vụ án này cũng có Hưng và Quân.

PV