Phú Yên:
Vụ 5 công an dùng nhục hình: Cha bị cáo Thành kêu oan lên Chủ tịch nước
(Dân trí) - Ngày 28/4, ông Nguyễn Văn Thân (cha ruột bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành - nguyên thiếu úy tại Công an TP Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết đã gửi đơn kêu oan đến Chủ tịch nước.
Mở đầu đơn, ông Thân bày tỏ lòng biết ơn về việc Chủ tịch nước đã yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao chỉ đạo giải quyết vụ án nghiêm minh, đúng pháp luật, và tin tưởng con trai ông là Nguyễn Thân Thảo Thành sẽ được cứu khỏi sự oan sai.
Cụ thể, trong đơn kêu oan gửi Chủ tịch nước, ông Thân trình bày: “Viện KSND tối cao và Viện KSND TP Tuy Hòa cùng Hội đồng xét xử đã sai lầm khi lấy lời khai của Hà Văn Đại là nhìn thấy con tôi đánh anh Kiều 2-3 cái, nhưng không xác định đánh vào đâu. Lời khai của Đại rất lung tung, mâu thuẫn với chính lời khai của Đại và người làm chứng Trần Khải Hoàn. Lời khai của Đại đã được điều tra viên mớm và sửa chữa lời khai.
Để chứng minh cho lập luận của mình, ông Thân đã trích dẫn một số bút lục, bản tường trình, biên bản làm việc tại cơ quan điều tra, lời khai nhân chứng tại tòa.“Trong Bản giám định chỉ có 3 vết thương trên đầu nạn nhân, điều này trùng hợp kỳ lạ với lời khai của Đại, Cáo trạng của Viện kiểm sát và Tòa sơ thẩm cho rằng, Thành dùng dùi cui đánh lên đỉnh đầu nạn nhân 2- 3 cái. Vấn đề đặt ra ở đây là: Những công cụ nào là đối tượng tác động để tạo ra 3 vết thương diện rộng có kích thước khác nhau, hình dáng khác nhau. Trong đó, có 2 tổ hợp 3 vết tụ máu, 1 tổ hợp tụ máu diện rộng, 1 vết xây sát da. Không hiểu dựa trên cơ sở nào ? mà một vấn đề đơn giản ai cũng thấy, ai cũng hiểu và ai cũng biết được đối tượng tác động là chiếc dùi cui không thể tạo ra được cái gọi là 3 vết thương trên đầu nạn nhân. Nếu là dùi cui thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh. Nhưng ở đây cơ quan tiến hành tố tụng đã không chứng minh cơ chế hình thành vết thương, cho dù luật sư nhiều lần yêu cầu. Phải chăng, đây là âm mưu “thí tốt” của ai đó ? để mưu hại con tôi”.
Ông Thân cũng cho rằng: “Cơ quan Viện kiểm sát và Tòa án TP Tuy Hòa đã tạm giam con tôi quá thời hiệu của pháp luật hơn 4 tháng, trong đó có hơn 2 tháng giam không có lệnh. Đây là việc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Thân nói: “Sau khi sự việc xảy ra, Thành đã kể lại tất cả với gia đình. Tôi nói nếu con có đánh Kiều thì hãy nhận, vì cuộc đời con còn rất dài, lương tâm sẽ cắn rứt không yên. Tuy nhiên, đến giờ phút này Thành khẳng định nó chỉ cầm dùi cui giơ lên dọa chứ không đánh anh Kiều”.
Liên quan đến vụ án này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có ý kiến yêu cầu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Chủ tịch nước kết quả.
Văn phòng Chủ tịch nước đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước đến các cơ quan pháp luật nói trên để thực hiện.
Trước đó, chiều 3/4, TAND TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đã tuyên bản án dành cho 5 bị cáo nguyên là sĩ quan công an dùng nhục hình, trong đó có 3 người chịu án giam, còn 2 người được cho hưởng án treo.
Cụ thể, 3 bị cáo bị phạt tù giam gồm: bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, trinh sát của Công an TP Tuy Hòa) 5 năm tù giam, bị cáo Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội- PC45, Công an tỉnh Phú Yên) 2 năm tù và bị cáo Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa) 1 năm 6 tháng tù giam.
Hai bị cáo bị kết án tù nhưng cho hưởng án treo gồm: bị cáo Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa) 1 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo và bị cáo Đỗ Như Huy (nguyên trung úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa) 1 năm tù cho hưởng án treo.
Thế nhưng, không đồng tình với bản án này, gia đình bị hại (Ngô Thanh Kiều) và bị cáo Thành đều đã có đơn kháng cáo lên cơ quan chức năng cao hơn để xử lý.
Doãn Công