Vụ công an dùng nhục hình ở Phú Yên: VKS đề nghị 2 bị cáo được hưởng án treo
(Dân trí) - Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Thành, Quang; chấp nhận kháng cáo của bị cáo Mẫn, Quyền và đề nghị tuyên 2 bị cáo này được hưởng án treo.
Ngày 8/9, phiên tòa xét xử vụ công an dùng nhục hình gây chết người ở Phú Yên bước vào ngày làm việc thứ hai. Phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi và chuyển qua phần tranh luận.
Chị Trần Thị Tâm – vợ của nạn nhân Ngô Thanh Kiều cho biết, khi còn sống anh Kiều làm mướn. Cuộc sống chỉ đủ chi tiêu chứ không có hỗ trợ cho bố mẹ và anh trai chồng. Ngôi nhà của hai vợ chồng chị sống là do bố mẹ chồng cho đất, còn nhà thì do vợ chồng chị vay mượn xây cất.
“Lúc 5h chiều ngày 12/5/2012, có 2 nhóm người vô nhà, trong đó có ông Thắng - công an xã. Sau đó, ông Thắng viết giấy mời chồng tôi 7h30 ngày 13/5 lên làm việc. Khoảng 3h ngày 13/5, có 4 – 5 người mặc đồ bình thường, đi cùng có ông Thắng đến còng tay chồng tôi. Tôi chạy ra hỏi thì ông Thắng nói không có gì đâu”, chị Tâm kể lại.
Chị Tâm cũng cho biết, tình trạng sức khỏe của anh Kiều trong đêm 12/5 và rạng sáng ngày 13/5 là bình thường, trên người không có vết xây xước gì. Lúc bị bắt, anh Kiều mặt quần Jeans, trong có mặc quần sịp.
Trả lời câu hỏi của tòa về giấy mời của công an mời anh Kiều lên làm việc có bị sửa hay không? Chị Tâm khẳng định là có.
Cụ thể, giấy mời lúc đầu ghi là 17h chiều ngày 12/5 nhưng khi đến nhà không có anh Kiều nên công an đã sửa lại thành 7h30 ngày 13/5, có sự chứng kiến của chị Tâm.
Chị Ngô Thị Tuyết – người đại diện cho bố mẹ của anh Ngô Thanh Kiều cho biết, sáng 14/5, khi thi thể của anh Kiều được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Tuy Hòa, chị là người có mặt chứng kiến sự việc. Chị cũng chứng kiến việc lấy mẫu, giám sát việc lấy mẫu cũng như ký niêm phong mẫu.
Tuy nhiên, chị Tuyết cho biết, khi khám nghiệm tử thi thì anh Kiều chỉ có quần jeans chứ không có quần sịp.
Theo đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành mặc dù chỉ canh anh Kiều cho các đồng nghiệp đi ăn trưa nhưng trong khoảng thời gian này Thành cũng xét hỏi anh Kiều. Thấy anh Kiều không hợp tác nên bị cáo Thành đã dùng gậy đánh anh Kiều. Mặc dù bị cáo Thành không nhận nhưng có nhân chứng đã chứng kiến vụ việc. Và việc Thành đánh anh Kiều là một trong những vết thương chính khiến anh Kiều tử vong. Vì thế, không chấp nhận nội dung kháng cáo kêu oan của Thành.
Đối với các bị cáo Nguyễn Minh Quyền, Nguyễn Tấn Quang, Phạm Ngọc Mẫn, Viện kiểm sát nhận thấy các bị cáo đều là các thành viên trong chuyên án, vì nóng vội muốn đấu tranh nhanh, phá vụ án mà các bị cáo đã bất chấp nghiệp vụ nên khi hỏi tội đã không kìm nén, đánh anh Kiều. Đó là hành vi nghiêm cấm. Phiên sơ thẩm tuyên các bị cáo về hành vi này là có căn cứ.
Việc bị cáo Quang có kháng cáo xin hưởng án treo là không có căn cứ, không có tình tiết giảm nhẹ. Còn bị cáo Mẫn và bị cáo Quyền là người có thành tích trong ngành công an, cha mẹ thương binh, bà nội là liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng.Nên chấp nhận kháng cáo của bị cáo Mẫn và Quyền, được hưởng án treo.
Ngoài ra, Viện kiểm sát cũng không chấp nhận kháng cáo của gia đình nạn nhân về việc đề nghị đổi tội danh từ nhục hình sang đánh chết người, trợ cấp cho bố mẹ và anh trai của nạn nhân Kiều vì không có cơ sở.
Khánh Hồng