Vợ ông Nguyễn Đức Chung bất ngờ nộp 15 tỷ đồng khắc phục hậu quả thay chồng

Phúc Lâm

(Dân trí) - Vợ bị cáo Nguyễn Đức Chung đã nộp 15 tỷ đồng, cộng với 10 tỷ đồng chị gái ông Chung đã nộp trước đó, khắc phục toàn bộ số tiền 25 tỷ đồng bị quy kết là hậu quả mà ông Chung phải chịu trách nhiệm.

Ông Chung tác động gia đình vay mượn, nộp tiền

Tại phiên xử cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đồng phạm trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C chiều 21/6, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn thông báo, luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho ông Chung) vừa xuất trình biên lai thể hiện bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) đã nộp 15 tỷ đồng vào Cục Thi hành án dân sự.

Số tiền trên cộng với số tiền 10 tỷ đồng trước đó do chị gái ông Chung nộp vừa đủ khắc phục toàn bộ 25 tỷ đồng bị quy kết là phần hậu quả của vụ án mà cựu Chủ tịch Hà Nội phải chịu trách nhiệm.

Vợ ông Nguyễn Đức Chung bất ngờ nộp 15 tỷ đồng khắc phục hậu quả thay chồng - 1

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại tòa phúc thẩm (Ảnh: CTV).

Theo bản án sơ thẩm, ba bị cáo Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Trường Giang và Võ Tiến Hùng bị buộc có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự là Công ty Thoát nước Hà Nội số tiền hơn 36 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung phải bồi thường 25 tỷ đồng, bị cáo Võ Tiến Hùng bồi thường 4 tỷ đồng và bị cáo Nguyễn Trường Giang bồi thường hơn 7 tỷ đồng.

Trong phiên xử phúc thẩm sáng cùng ngày, luật sư Nguyễn Văn Tú trình bày, thân chủ của ông có mong muốn được gặp gia đình và luật sư đã vận động gia đình đến tòa. Luật sư Tú mong hội đồng xét xử (HĐXX) cho phép ông Chung gặp gia đình để trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề.

Trước đề nghị của các luật sư, chủ tọa tạm dừng phiên tòa 30 phút để xem xét, đồng thời tạo điều kiện cho cựu Chủ tịch Hà Nội gặp gia đình.

Trình bày trước tòa, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, ông đã trao đổi kỹ về tình hình tài chính, từ đó tác động gia đình tích cực vay mượn tiền để khắc phục hậu quả vụ án.

Về khoản tiền 10 tỷ đồng chị gái ông Chung đã nộp trước đó, cựu Chủ tịch Hà Nội cho biết, qua trao đổi, ông nắm được, tại phiên sơ thẩm, khi nghe tin ông bị đề nghị mức án từ 10-12 năm tù, chị gái ông thấy xót ruột nên đã vay mượn tiền, nộp thay ông để khắc phục.

Trước ý kiến của HĐXX, cựu Chủ tịch Hà Nội đồng ý để chị gái và vợ thay mình khắc phục số tiền 25 tỷ đồng trên nếu tòa án vẫn xác định có thiệt hại trong vụ án và ông phải chịu phần trách nhiệm đó.

Được HĐXX cho phép trình bày thêm, cựu Chủ tịch Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, ông nhận thức được trách nhiệm của mình.

"Tôi thấy rõ trách nhiệm của mình trong tất cả các công việc của thành phố. Tôi không chỉ đạo mua sắm nhưng chịu trách nhiệm người đứng đầu trong toàn bộ quá trình thử nghiệm cũng như mua sắm chế phẩm" - ông Chung trình bày.

Viện kiểm sát bất ngờ đề nghị giảm án cho 3 bị cáo

Nêu quan điểm trước tòa, đại diện viện kiểm sát (VKS) cho biết, cả ba bị cáo đều có những tình tiết mới.

Đối với bị cáo Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Công ty Arktic, sau phiên sơ thẩm, bị cáo này đã nộp 1,1 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ án. Đến thời điểm này, bị cáo đã tác động gia đình bồi thường toàn bộ số tiền hơn 7 tỷ đồng mà tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm. Do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Giang.

Đối với bị cáo Võ Tiến Hùng - cựu Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, sau phiên sơ thẩm, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, sau đó, bị cáo Hùng rút kháng cáo, TAND cấp cao tại Hà Nội đã đình chỉ xét xử đối với bị cáo này.

Tại phiên phúc thẩm, bị cáo có đơn trình bày xin giảm nhẹ hình phạt. VKS đã xem xét toàn bộ vụ án, vai trò của bị cáo là đồng phạm giúp sức, làm theo chỉ đạo.

Ngoài ra, bị cáo cũng đã tác động gia đình nộp toàn bộ số tiền 4 tỷ đồng theo quyết định của bản án sơ thẩm; xuất trình thêm một số tài liệu mới là huân chương kháng chiến của bố, mẹ; bản thân bị cáo có nhiều bệnh tật… Do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung, đại diện VKS nêu các luận điểm đối đáp với quan điểm bào chữa của các luật sư, từ đó khẳng định cựu Chủ tịch Hà Nội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chỉ đạo thương vụ mua chế phẩm Redoxy-3C, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Tuy nhiên, VKS cũng nhận định, đến thời điểm này, bị cáo Chung đã nhận thức được trách nhiệm của mình, thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu; gia đình bị cáo cũng đã nộp toàn bộ số tiền khắc phục hậu quả. Do đó, VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho ông Chung.

Lời sau cùng, ông Chung xin giảm án cho đồng phạm

Trong lời nói sau cùng trước tòa, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị HĐXX ghi nhận tình tiết gia đình ông và gia đình 2 bị cáo Nguyễn Trường Giang, Võ Tiến Hùng đã nộp toàn bộ số tiền bị quy kết là hậu quả của vụ án, từ đó đề nghị HĐXX xem xét giảm án cho hai đồng phạm của ông.

Ngoài ra, ông Chung đề nghị tòa án cấp phúc thẩm ghi nhận những đóng góp của ông trong quá trình công tác; đề nghị xem xét lại thời gian ông 2 lần đi mổ ung thư đối chiếu với các hợp đồng mua bán trong vụ án này mà ông bị quy kết phải chịu trách nhiệm.

Nói lời sau cùng, hai bị cáo Võ Tiến Hùng và Nguyễn Trường Giang đều tỏ ra ăn năn, hối cải, mong được HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

HĐXX nghỉ để nghị án. 15h30 ngày 22/6, tòa sẽ tuyên án.