Ông Nguyễn Đức Chung "càng trình bày càng thể hiện vai trò quan trọng"
(Dân trí) - Chủ tọa nhiều lần phải ngắt lời cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi bị cáo này tự bào chữa và cho rằng ông Chung càng trình bày càng thể hiện vai trò quan trọng của mình trong vụ án này.
Ông Chung trình bày dài dòng, chủ tọa phải ngắt lời
Tại phiên xử phúc thẩm vụ mua bán chế phẩm Redoxy-3C ngày 21/6, sau phần nêu quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung được phép tự bào chữa.
Trình bày trước tòa, bị cáo Chung cho biết, đoàn công tác của Hà Nội đi Đức do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thời điểm đó là ông Nguyễn Thế Hùng tổ chức. Thành phần đi do ông Hùng quyết định, ông Chung đề xuất cho bị cáo Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Công ty Arktic - đi theo để phiên dịch.
Cựu Chủ tịch Hà Nội khẳng định, trước, trong và sau khi đoàn đi công tác, không có chuyện bàn bạc giữa ông và bị cáo Giang. Ngoài ra, cũng chưa ai biết gì về chế phẩm Redoxy-3C.
Về kết luận ông Chung chỉ đạo bị cáo Giang tiếp cận với ông Chopra để ký mua chế phẩm, bị cáo Chung cho hay, hội đồng xét xử (HĐXX) chỉ cần thẩm tra băng ghi âm giữa ông với ông Chopra thể hiện chỉ nói đến lọc nước chứ không nói đến xử lý nước ô nhiễm.
"Bản án sơ thẩm quy kết bị cáo bàn bạc với anh Giang là không đúng. Với tư cách cá nhân, tôi ghi nhận và cảm ơn anh Giang vì đã đàm phán mua được chế phẩm Redoxy-3C về, từ đó Công ty Thoát nước mới có thể mua được chế phẩm này" - cựu Chủ tịch Hà Nội trình bày.
Cũng theo ông Chung, bị cáo Giang hoàn toàn có đầy đủ tư cách pháp nhân để mua chế phẩm Redoxy-3C. Giang có thể tự xây dựng giá bán hợp lý với sản phẩm này.
Bên cạnh đó, bị cáo Chung cũng dẫn chứng lời trình bày của kế toán trưởng Công ty Thoát nước Hà Nội thể hiện đơn vị này không thể mua trực tiếp chế phẩm Redoxy-3C từ Công ty Watch Water (Đức). Thời điểm từ năm 2016 đến nay, Công ty Thoát nước Hà Nội chưa có giấy phép xuất nhập khẩu, kinh doanh hóa chất.
Theo ông Chung, nếu năm 2016 công ty này có trình lên UBND TP để mở rộng kinh doanh thì thành phố cũng không chấp thuận. Công ty có vốn 100% Nhà nước không được mở rộng kinh doanh sản xuất ngoài ngành. Giả sử có kinh doanh được thì Công ty Thoát nước Hà Nội cũng không thể bán lại cho UBND TP được.
Về vấn đề hưởng lợi, cựu Chủ tịch Hà Nội cho hay, bị cáo Giang khi điều tra đã khai rằng toàn bộ lợi nhuận từ kinh doanh hiện tại vẫn ở các sản phẩm trong kho của công ty.
Liên quan đến cáo buộc Công ty Arktic là "công ty gia đình", bị cáo Nguyễn Đức Chung trình bày, gia đình bị cáo không hề góp vốn một đồng nào vào công ty, kể cả vợ và con ông.
Nhiều lần phải ngắt lời vì ông Chung trình bày dài dòng, nhiều nội dung không liên quan đến kháng cáo kêu oan, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn yêu cầu cựu Chủ tịch Hà Nội tập trung vào những nội dung chính.
"Bị cáo càng trình bày càng thể hiện vai trò rất quan trọng của bị cáo trong vụ án này" - chủ tọa nhắc.
Đề nghị xem xét lại cách tính thiệt hại
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đưa ra quan điểm cho rằng, việc mua bán chế phẩm Redoxy-3C không trái các quy định của pháp luật.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, Công ty Arktic sau khi được thành lập, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa đã rút vốn. Người sở hữu công ty này là bị cáo Giang. Bị cáo Giang là người điều hành, trả lương, cân đối lợi nhuận, chi phí của công ty.
Cùng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung, luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, nếu quy kết Công ty Arktic là công ty gia đình của ông Chung thì phải chứng minh được động cơ của ông Chung ở đây là gì khi mà tên ông không được ghi vào công ty, lợi ích cũng không có.
Theo luật sư, bản án sơ thẩm đã không chỉ ra được lợi ích của gia đình ông Chung ở công ty này là gì.
Về vấn đề thiệt hại trong vụ án, luật sư Tú khẳng định, không hề có trưng cầu giám định thiệt hại; đơn giản cơ quan tố tụng chỉ so sánh giá mua chế phẩm Redoxy-3C từ Công ty Arktic với giá mua trực tiếp từ Công ty Watch Water thì chênh nhau hơn 36 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo luật sư Tú, cách tính này lại chưa trừ đi một số chi phí có thật, có 4 khoản chi phí hợp lý có trong hồ sơ vụ án nhưng lại không được chấp nhận.
Từ đó, ông Tú đề nghị HĐXX xem xét thêm về vấn đề thiệt hại của vụ án.