1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vợ cựu Giám đốc CDC Hải Dương "vay lãi cao" để nộp khắc phục cho chồng?

Hải Nam Nguyễn Hải
Xét xử đại án Việt Á

(Dân trí) - Theo luật sư, để có được số tiền lớn khắc phục hậu quả, vợ ông Tuyến đã dùng tiền của gia đình, vay mượn với lãi suất cao. Còn hơn 700 triệu đồng, vợ ông Tuyến không thể vay mượn được nữa.

Tại phiên tòa xét xử đại án Việt Á, VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) mức án 13-14 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Theo bản luận tội, ông Tuyến với cương vị là Giám đốc CDC Hải Dương đã lợi dụng chủ trương, cho Việt Á được độc quyền cung cấp test tại Hải Dương, thỏa thuận thông đồng với Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) hợp thức thủ tục hồ sơ.

VKS cáo buộc, Việt Á chi cho ông Tuyến 20-25% giá trị hợp đồng. Ông Tuyến khi đó đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền phối hợp với nhân viên của Việt Á ứng hàng, hợp thức thủ tục, thông đồng ban hành Chứng thư thẩm định giá, ký hợp đồng, thanh quyết toán theo đơn giá do Việt Á đưa ra, gây thiệt hại hơn 73,8 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện thỏa thuận, ông Tuyến đã 3 lần nhận tiền từ Việt, tổng 27 tỷ đồng. 

Cơ quan công tố đánh giá ông Tuyến phạm tội với vai trò thực hành, phạm tội có tổ chức và phạm tội từ 2 lần trở lên. 

Vợ cựu Giám đốc CDC Hải Dương vay lãi cao để nộp khắc phục cho chồng? - 1

Cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến (Ảnh: Như Ý).

Quá trình điều tra, xét xử, ông Tuyến được ghi nhận là ăn năn hối cải, khai nhận hành vi phạm tội; tác động gia đình nộp khắc phục hơn 12,3 tỷ đồng, hợp tác tốt với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án. Quá trình công tác, ông Tuyến được tặng nhiều bằng khen, giấy khen...

Bào chữa cho thân chủ, luật sư Dương Văn Nghị đồng ý với cáo buộc ông Tuyến nhận hối lộ. Tuy nhiên, luật sư phản đối việc VKS áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội có tổ chức" cho cựu Giám đốc CDC Hải Dương.

Theo luật sư, quá trình làm việc với cơ quan điều tra, ông Tuyến đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị ngay từ khi chưa bị khởi tố, giúp cơ quan điều tra làm rõ bản chất và nội dung vụ án, mở rộng điều tra và nhanh chóng hoàn thành bản kết luận điều tra.

"Đề nghị HĐXX đánh giá cao vai trò của ông Tuyến trong tình tiết này", luật sư nói.

Người bào chữa cho cựu Giám đốc CDC Hải Dương trình bày, trong 27 tỷ đồng nhận của Việt, ông Tuyến đã "chi" hơn 10 tỷ đồng cho một số bị can khác. Những bị can đều đã nộp đủ lại số tiền nhận từ ông Tuyến.

Còn lại hơn 16 tỷ đồng giữ cho bản thân, ông Tuyến đã tác động vợ nộp hơn 14 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có một sổ tiết kiệm trị giá 1 tỷ đồng đang bị phong tỏa. 

"Nếu cơ quan tiến hành tố tụng cho phép giải tỏa thì tính cả số tiền này, ông Tuyến đã khắc phục được hơn 15,3 tỷ đồng. Số tiền còn phải nộp là hơn 762 triệu đồng", luật sư trình bày.

Cũng theo luật sư, để có được số tiền lớn khắc phục hậu quả, vợ ông Tuyến đã dùng tiền của gia đình, vay mượn với lãi suất cao. Còn hơn 700 triệu đồng, vợ ông Tuyến không thể vay mượn được nữa. Ngoài ra, ông Tuyến còn một số tài sản có giá trị hàng chục tỷ đồng bị kê biên.

"Ông Tuyến đã đề nghị sử dụng tài sản kê biên để khắc phục số tiền chưa có điều kiện nộp", luật sư cho biết.

Bào chữa cho thân chủ, luật sư nói, thời điểm nhận tiền, ông Tuyến chưa nhận thức được số tiền này là tiền Nhà nước bị thiệt hại mà nghĩ đây là một phần lợi nhuận của Việt Á.

Bên cạnh đó, ông Tuyến được bào chữa rằng không biết đầy đủ về Luật Đấu thầu, chỉ tập trung thực hiện nhiệm vụ chống dịch với rất nhiều công việc phải làm.