1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vợ chồng Trung Nguyên sẽ “đối mặt” tại tòa trong 2 ngày

(Dân trí) - Theo dự kiến trong các ngày 20- 21/2, TAND TPHCM mở phiên xử vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971, chồng của bà Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).

Phiên tòa này do thẩm phán Nguyễn Văn Xuân làm chủ tọa phiên tòa. Có 5 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn và bị đơn.

Trước đó ngày 29/1, phiên tòa này đã được mở, tuy nhiên phiên tòa đã tạm dừng ngay sau khai tòa khoảng 30 phút vì thiếu vắng luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ quyền lợi cho bà Thảo).

Vợ chồng Trung Nguyên sẽ “đối mặt” tại tòa trong 2 ngày - 1

Bà Lê Hoàng Diếp Thảo tại tòa.

Theo đơn ly hôn của bà Thảo thì bà và ông Vũ kết hôn năm 1998, đăng ký kết hôn tại UBND phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và có với nhau 4 người con, tuy nhiên quá trình chung sống giữa bà Thảo và ông Vũ xảy ra mâu thuẫn.

Tháng 4/2015, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên.

Tới tháng 10/2015, ông Vũ lại có văn bản triệu tập cuộc họp Hội đồng Quản trị (HĐQT) để thảo luận, biểu quyết miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc của bà Thảo và thay đổi người đại diện theo pháp luật tại tập đoàn này. Bà Thảo có văn bản không đồng ý việc triệu tập cuộc họp nhưng sau đó ông Vũ vẫn tổ chức mà vắng mặt người có liên quan.

Xung đột trong việc tranh chấp quyền điều hành ở tập đoàn Trung Nguyên khơi mào cho nhiều vụ kiện sau này của vợ chồng "vua cà phê Việt".

Vợ chồng Trung Nguyên sẽ “đối mặt” tại tòa trong 2 ngày - 2

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cùng các luật sư bảo vệ cho mình.

Cuối năm 2015, bà Thảo lần đầu đưa đơn ly hôn ra tòa, các bên có đơn gửi tới TAND TPHCM, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền đồng sở hữu tài sản của vợ chồng tại tập đoàn Trung Nguyên trong vụ án ly hôn.

Tại các phiên hòa giải, bà Thảo yêu cầu được nuôi dưỡng 4 người con chung và yêu cầu ông Vũ cấp dưỡng cho mỗi người con là 5% số cổ phần của ông Vũ, 4 người con là 20% số cổ phần của ông Vũ.

Phần ông Vũ yêu cầu được nuôi dưỡng 4 người con chung và không yêu cầu bà Thảo cấp dưỡng nuôi con. Ông Vũ tôn trọng nguyện vọng của các con. Trường hợp nếu các con muốn sống với mẹ và tòa án phán quyết giao cho bà Thảo nuôi dưỡng 4 người con chung, ông Vũ đồng ý cấp dưỡng cho 4 người con là 20% số cổ tức của ông cho đến khi con đã thành niên, tốt nghiệp đại học.

Xuân Duy