Việt Nam đã xét xử được 3 vụ án với tội danh rửa tiền
(Dân trí) - Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay Việt Nam đã xét xử được 3 vụ án với tội danh rửa tiền theo quy định của Bộ luật hình sự.
Tài liệu tổng kết thi hành Luật phòng, chống rửa tiền được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi tới Bộ Tư pháp chuẩn bị cho việc sửa đổi luật này cho thấy, số lượng các văn bản đề nghị Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cung cấp thông tin không ngừng gia tăng qua các năm, chủ yếu là từ các đơn vị thuộc Bộ Công an.
Cụ thể, từ năm 2013 đến 31/5/2020, Cục phòng, chống rửa tiền đã tiếp nhận và cung cấp thông tin cho các bộ, ngành có liên quan tăng gấp hơn 5 lần so với giai đoạn 2006 - 2012 (khoảng 675 văn bản đề nghị).
"Cục phòng, chống rửa tiền đã chuyển giao 857 vụ việc liên quan đến 5.614 báo cáo giao dịch đáng ngờ cho các cơ quan chức năng. Ngoài ra, trong quá trình thu thập, xử lý báo cáo giao dịch đáng ngờ, báo cáo tiền mặt có giá trị lớn và báo cáo chuyển tiền điện tử, Cục phòng, chống rửa tiền đã phát hiện nhiều yếu tố/dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến gian lận hoặc hoạt động phạm tội của các tổ chức, cá nhân để từ đó đề xuất, tham mưu cho các cấp lãnh đạo hoặc thông báo cho các cơ quan chức năng có liên quan để có các biện pháp xử lý phù hợp"- tài liệu của Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, thông tin, tài liệu do Cục phòng, chống rửa tiền cung cấp là kênh thông tin vô cùng hữu ích, hỗ trợ tích cực cho các cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đồng thời giúp các cơ quan, đơn vị này nhanh chóng xác định được mục tiêu, đối tượng, giảm đáng kể thời gian trinh sát, xác minh, điều tra.
Cục phòng, chống rửa tiền đã nhận được phản hồi từ các cơ quan chức năng liên quan đến khoảng 528 vụ việc, trong đó có 10 vụ việc đã được khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhiều vụ việc liên quan đến thuế, hải quan và cơ quan chức năng đã truy thu hàng trăm tỷ tiền thuế cho ngân sách nhà nước.
"Đến nay, Việt Nam đã xét xử được 3 vụ án với tội danh rửa tiền theo Điều 251 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015, gồm: Vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines); Vụ án liên quan đến đường dây đánh bạc do Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam cầm đầu; Vụ án Lê Thị Hà Nội do TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét xử tháng 11/2019"- Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Mỗi ngày tiếp nhận khoảng 280.000 giao dịch
Hiện nay, mỗi ngày cơ sở dữ liệu của Cục phòng, chống rửa tiền tiếp nhận khoảng 280.000 giao dịch. Tính đến hết năm 2019, hệ thống đang lưu giữ khoảng 425 triệu giao dịch, liên quan đến khoảng 13,4 triệu khách hàng. Cơ sở dữ liệu này đã hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố nói riêng và phòng, chống tội phạm nói chung.
Từ kết quả phân tích báo cáo giao dịch đáng ngờ, Cục phòng, chống rửa tiền đã tham mưu trình lãnh đạo các cấp chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012 quy định cụ thể về trách nhiệm báo cáo của các đối tượng báo cáo khi thực hiện các loại giao dịch có giá trị lớn, giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử có giá trị lớn.
Đồng thời, luật cũng quy định rõ các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản áp dụng đối với tất cả các lĩnh vực và các dấu hiệu đáng ngờ đối với từng lĩnh vực: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kinh doanh trò chơi có thưởng, casino, bất động sản... tạo cơ sở pháp lý cho các đối tượng báo cáo nhận diện giao dịch đáng ngờ để thực hiện các biện pháp phòng chống rửa tiền cần thiết.
Trong giai đoạn từ năm 2013 đến tháng 9/2020, Cục phòng, chống rửa tiền đã nhận được 10.246 báo cáo giao dịch đáng ngờ. Trong đó, số lượng báo cáo do các ngân hàng báo cáo chiếm khoảng 83%; số lượng báo cáo do các công ty bảo hiểm và các đối tượng báo cáo khác chiếm khoảng 17%.
Nhóm đối tượng báo cáo là các công ty tài chính, trung gian thanh toán, công ty kinh doanh dịch vụ trò chơi có thưởng, sòng bạc có số lượng báo cáo còn rất hạn chế.
Nhóm đối tượng báo cáo trong lĩnh vực luật sư, công chứng, kế toán và kinh doanh bất động sản hiện chưa có báo cáo.