1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Viện KSND tối cao xin lỗi nữ luật gia ở Sài Gòn

(Dân trí) - Bà Nga bị khởi tố và bắt giam oan hơn 13 tháng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau 9 năm được đình chỉ bị can thì bà được Viện KSND tối cao xin lỗi, cải chính công khai.

Theo dự kiến ngày 31/7, Viện KSND tối cao sẽ tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai đối với luật gia Trần Thị Ngọc Nga (sinh năm 1954, nguyên giám đốc công ty Vinh Luật). Bà Nga từng bị khởi tố, truy tố oan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo buộc của Viện KSND Tối cao, trong hai năm 2008 và 2009, bà Nga ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý trong việc đòi tài sản cho hai ông Ishida và Eguchi (quốc tịch Nhật Bản) đang làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam. Sau đó, bà thường xuyên vòi vĩnh tiền nói là để lo thủ tục khởi kiện và 1 số thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt của hai ông này gần 4,4 tỷ đồng.

Viện KSND tối cao xin lỗi nữ luật gia ở Sài Gòn - 1
Bà Trần Thị Ngọc Nga được xin lỗi công khai.

Nghi ngờ hành vi của Nga, hai ông trên đã làm đơn tố cáo cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an. Ngày 15/1/2009, công an bắt bà Nga khi đang nhận số tiền 2 triệu Yên Nhật (gần 400 triệu đồng).

Ngày 29/1/2010, Viện KSND tối cao hủy bỏ lệnh tạm giam đối với bà Nga sau 13 tháng bị tạm giam tại trại giam B34 Bộ Công an.

Viện KSND Tối cao cũng đã uỷ quyền cho Viện KSND TPHCM thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm đối với vụ án này. Tuy nhiên, sau thời gian nghiên cứu, ngày 11/5/2011, TAND TPHCM quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.

Trong quyết định trả hồ sơ vụ án, TAND TPHCM chỉ ra hàng loạt vấn đề chưa được Viện KSND tối cao làm rõ. Theo TAND TPHCM, sau khi nhận được cáo trạng, bà Nga khiếu nại nhưng chưa được Viện Kiểm sát giải quyết theo luật định. Về vấn đề bà Nga chiếm đoạt số tiền 4 tỷ đồng, cơ quan điều tra chưa làm rõ được thủ đoạn gian dối của bà Nga.

Về hành vi bị cáo buộc chiếm đoạt 2 triệu Yên Nhật, tòa yêu cầu làm rõ việc bị hại biết bà Nga lừa đảo và có đơn tố cáo tới công an nhưng vẫn ký kết thêm nhiều hợp đồng. Ngoài ra, tòa còn yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề xử lý vật chứng, củng cố lời khai của người liên quan trong vụ án.

Đến tháng 8/2011, Bộ Công an ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với bà Nga, theo Điều 34 và 164 Bộ luật Tố tụng hình sự. Luật gia được xác định "đã xuất trình được tài liệu, chứng cứ mới làm phát sinh thay đổi bản chất vụ án; đồng thời do ông Ishida và Eguchi không có mặt tại Việt Nam, nên không đủ điều kiện để tiếp tục củng cố chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội". Từ đó cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với bà Nga.

Sau khi được đình chỉ bị can, bà Nga liên tục gửi đơn tới cơ quan chức năng yêu cầu xin lỗi công khai cũng như bồi thường thiệt hại. Trong đơn, bà Nga yêu cầu Viện KSND tối cao bồi thường số tiền 37 tỷ đồng. Bà Nga viện dẫn nhiều tổn thất về vật chất và tinh thần như: bị kê biên tài sản, buộc nộp tiền khắc phục, mất khách hàng, bị thu giấy nợ của người khác nên không đòi được....

"Tôi gần như mất tất cả sau biến cố này. Hơn 1 năm, tôi bị giam cầm là quãng thời gian đau khổ nhất cuộc đời tôi. Khi tôi bị bắt giam thì tôi bị mất tất cả, không những vậy còn ảnh hưởng nặng nề tới gia đình tôi. Hơn 9 năm qua tôi muốn làm lại từ đầu nhưng gặp bao nhiều trở ngại chỉ vì từng mang thân phận lừa đảo. Nhiều đối tác không dám làm ăn với công ty luật của tôi, gây thiệt hại nặng nề. 

Những tổn thất mà tôi và gia đình phải gánh chịu suốt những năm qua không có gì có thể bù đắp nổi. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, thì tôi cũng được Viện KSND tối cao xin lỗi, tôi được trả lại danh dự. Hiện nay, tôi tuổi đã lớn, sức khỏe cũng yếu dần nên mong cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cho tôi", bà Nga nói.