Vì sao Tuần Châu Hà Nội kháng cáo?
(Dân trí) - Hài lòng khi tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện chính về việc buộc công ty của đạo diễn Việt Tú chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm, tuy nhiên, Tuần Châu Hà Nội vẫn kháng cáo vì cho rằng, kết luận về vở “Tinh hoa Bắc Bộ” không thuộc phạm vi phiên tòa này và “cha đẻ” của vở thực cảnh trên không được tham gia phiên tòa.
Kháng cáo vì danh dự và quyền lợi của đối tác
Như tin đã đưa, ngày 20/3, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội tuyên án vụ tranh chấp kinh doanh thương mại giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (Tuần Châu Hà Nội) và bị đơn là Công ty đầu tư tổng hợp truyền thông DS. Theo đó, tòa sơ thẩm xác định, đạo diễn Việt Tú là tác giả của vở diễn “Ngày xưa”, còn Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu kịch bản. Việc Công ty DS đăng ký quyền tác tác giả đối với Việt Tú là đúng quy định nhưng việc doanh nghiệp này đứng tên sở hữu kịch bản là sai.
Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Tuần Châu Hà Nội, buộc phía Việt Tú chuyển giao quyền sở hữu kịch bản vở diễn “Ngày xưa”, nhưng không chấp nhận yêu cầu bồi thường hơn 6 tỷ đồng do không có căn cứ.
HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty DS. Tòa xác định “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của vở “Ngày xưa”. Tòa không chấp yêu cầu bồi thường hơn 6 tỷ đồng của phía Việt Tú nhưng yêu cầu Công ty CP Tuần Châu Hà Nội chi trả 660 triệu đồng là tiền lãi cho các khoản chậm thanh toán và 10% doanh thu bán vé như cam kết cho đạo diễn này.
Nói về phán quyết của tòa, đạo diễn Việt Tú chia sẻ rằng ông cảm thấy may mắn khi được thừa nhận quyền sáng tạo và cho rằng, bản thân ông không quan tâm đến bất cứ thứ gì ngoài tuyên bố vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh.
Trong khi đó, đại diện cho Công ty CP Tuần Châu Hà Nội, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, cho biết, xét tổng thể vụ kiện, Tuần Châu Hà Nội đã giành được thắng lợi khi tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện chính về việc buộc công ty của Việt Tú chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm.
Đạo diễn Việt Tú trao đổi với báo chí sau phiên sơ thẩm.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Lê Thuỳ, Trưởng phòng pháp chế (Tuần Châu Hà Nội), băn khoăn, tòa tuyên “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của vở “Ngày xưa” nhưng lại không triệu tập tác giả vở “Tinh Hoa Bắc Bộ” là đạo diễn Hoàng Nhật Nam đến tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
“Kết luận về vở “Tinh hoa Bắc Bộ” cũng không thuộc phạm vi của phiên toà này. Phán quyết không xâm phạm đến quyền lợi vật chất của Tuần Châu nhưng nó đã ảnh hưởng đến danh dự và quyền lợi của đối tác khi mà “Tinh hoa Bắc Bộ” đã được Cục bản quyền tác giả chứng nhận quyền tác giả như một tác phẩm độc lập. Chúng tôi cảm thấy khó hiểu và không thoả đáng. Vì vậy, Tuần Châu đã gửi đơn kháng án với mong muốn đi tìm sự minh bạch và công bằng ở phiên toà phúc thẩm.” - bà Thùy cho hay.
Cùng với đơn kháng cáo của Tuần Châu Hà Nội, đạo diễn Hoàng Nhật Nam cũng gửi thư tay tới tòa cấp phúc thẩm. Trong thư, ông Nam cho biết, ông rất bàng hoàng khi biết tòa tuyên tác phẩm “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh từ vở diễn “Ngày xưa”. Ông Nam bất ngờ vì tòa tuyên tác phẩm của ông phái sinh một tác phẩm khác khi ông là tác giả nhưng không được có mặt tại phiên tòa.
Ông Nam cho rằng mình là người liên quan trực tiếp nhưng lại không được mời tham dự với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, không được lên tiếng bảo vệ tác phẩm của mình.
Phán quyết của tòa liên quan trực tiếp tới đạo diễn Hoàng Nhật Nam
Trước tình huống pháp lý này, luật sư Vũ Ngọc Chi cho rằng, về nguyên tắc, khi đưa vụ án ra xét xử, cần phải đưa vào đầy đủ các thành phần tham gia tố tụng. Việc có là người liên quan hay không, trước hết phải phụ thuộc vào việc họ có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ kiện không. Nếu có chứng cứ xác thực, xác định thì Tòa án buộc phải đưa họ vào tham gia tố tụng.
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam gửi thư tay tới tòa.
Theo luật sư Chi, khoản 4, Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: “Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”.
Còn theo luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - nếu vụ án được xem xét giải quyết các vấn đề tranh chấp từ Hợp đồng số 0111/2015/HĐNT/TCHN-DS giữa Tuần Châu Hà Nội và Công ty DS thì vụ án hoàn toàn không liên quan đến đạo diễn Hoàng Nhật Nam.
Tuy nhiên, trong vụ án này, HĐXX lại xem xét đến yêu cầu phản tố của bị đơn liên quan đến vở “Tinh hoa Bắc Bộ” và tuyên “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của vở “Ngày xưa” mặc dù yêu cầu này đang được xem xét giải quyết trong vụ án khác do cùng một thẩm phán giải quyết.
“Phán quyết này của HĐXX liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đạo diễn Hoàng Nhật Nam nhưng lại tòa lại không đưa đạo diễn Nhật Nam vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Có thể thấy, tòa sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.” - luật sư Tú đánh giá.
Trong vụ án này, theo luật sư Trương Anh Tú, đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã từng đề xuất được tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án nhưng thẩm phán lại không chấp nhận. Sau phán quyết của tòa sơ thẩm, đạo diễn Nhật Nam hoàn toàn có quyền làm đơn đề nghị Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định tại điều 278 Bộ luật Tố tụng dân sự về việc không xác định tư cách tham gia tố tụng là người có quyền lợi liên quan của đạo diễn Nhật Nam trong vụ án.
Tiến Nguyên