DNews

Vì sao tòa chưa xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan, Nguyễn Cao Trí?

Hoài Thanh

(Dân trí) - HĐXX thẩm vấn các nhóm bị cáo theo từng tội danh. Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử về 3 tội, trong đó bà là bị hại trong hành vi của Nguyễn Cao Trí nên sẽ được xét hỏi sau.

Vì sao tòa chưa xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan, Nguyễn Cao Trí?

Từ ngày 5/3 đến 8/3, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB.

Sau 4 ngày, 77 bị cáo (ngoại trừ 5 người đang bị truy nã và 2 bị cáo xin xét xử vắng mặt) đã được HĐXX thẩm vấn, chỉ còn Trương Mỹ Lan và bị cáo Nguyễn Cao Trí sẽ được xét hỏi vào ngày 11/3.

An ninh được triển khai ra sao?

Theo chia sẻ của một cảnh sát tham gia bảo vệ an ninh phiên tòa vụ án Vạn Thịnh Phát, có gần 300 cảnh sát đã được huy động. Lực lượng cảnh sát chia thành nhiều nhóm: dẫn đoàn, dẫn giải bị cáo, bảo vệ trong phòng xử án và dự khán, đảm bảo trật tự khuôn viên bên trong và xung quanh tòa án...

5h-5h30, các chiến sĩ đã triển khai đội hình từ trại giam T30 (huyện Củ Chi, TPHCM) trích xuất bị cáo đến TAND TPHCM vào khoảng 6h30. Đoàn xe gồm gần 20 chiếc, trong đó có 2 chiếc xe khách 29 chỗ. Các bị cáo được chia thành nhiều nhóm, riêng bị cáo Trương Mỹ Lan được áp giải riêng một xe.

Vì sao tòa chưa xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan, Nguyễn Cao Trí? - 1

Đoàn xe áp giải các bị cáo sau phiên tòa (Ảnh: Hải Long).

Vụ án gồm 79 bị cáo (tính số lượng có mặt tại tòa), thời gian xét xử kéo dài và liên tục, nên giờ trưa các bị cáo được bố trí ở lại TAND TPHCM, chứ không áp giải về lại trại tạm giam như nhiều vụ án khác.

Cuối ngày, đến hơn 17h, khi HĐXX chuẩn bị tuyên bố kết thúc ngày xét xử, tất cả đội hình xe được dàn thành hàng theo các vị trí đã được sắp xếp, nổ máy chờ sẵn. 

Các bị cáo lần lượt được áp giải ra xe. Khi đã đủ đội hình, 2 xe cảnh sát dẫn đoàn chạy trước, chỉ huy đoàn sẽ nói qua bộ đàm, đọc tên xe theo 4 chữ số cuối của biển số, các xe theo đó lần lượt di chuyển ra khỏi tòa án.

Mọi công đoạn được triển khai rốt ráo, chuẩn chỉnh, nghiêm túc.

Thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng

Tất cả các bị cáo trong vụ án đã được xét hỏi trong 4 ngày qua đều nhận tội, thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội. Họ cho rằng bản thân chỉ làm công ăn lương, không hưởng lợi hay được chia chác gì từ bà Trương Mỹ Lan nên mong HĐXX xem xét, đồng ý khắc phục một phần hậu quả đã gây ra.

Một số bị cáo khai đã chủ động xin nghỉ việc khi nhận ra hành vi ký hợp thức các khoản vay "khống" cho Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát là vi phạm pháp luật.

Lý giải với HĐXX, nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo, nhân viên SCB cho rằng lúc đó SCB tái cơ cấu, việc hợp nhất 3 ngân hàng là chưa có tiền lệ. Trong nhận thức của họ lúc đó là không muốn để ngân hàng sụp đổ.

15 bị cáo trong nhóm cựu cán bộ thuộc đoàn thanh tra thừa nhận sai khi ký sửa kết luận thanh tra, bỏ qua sai phạm và nhận tiền, quà của SCB. Người nhận tiền ít nhất là 20 triệu đồng, cao nhất là 5,2 triệu USD.

Vì sao tòa chưa xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan, Nguyễn Cao Trí? - 2

Bị cáo Trương Khánh Hoàng, nguyên Quyền Tổng giám đốc SCB (Ảnh: Hoàng Hùng)

Nhóm bị cáo trong các công ty thẩm định giá thừa nhận đã phát hành những chứng thư thẩm định giá, chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm để SCB đưa vào hợp thức hồ sơ vay vốn, giải ngân cho nhiều khoản vay, rút tiền cho Trương Mỹ Lan sử dụng. Hành vi của nhóm bị cáo này gây thiệt hại cho SCB hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Đối với tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 16 bị cáo thuộc Ngân hàng Nhà nước nhận tiền ít nhất là 1.000 USD và nhiều nhất là 390.000 USD. Các bị cáo này đều thừa nhận hành vi nhận tiền để làm trái chức trách, nhiệm vụ, không báo cáo đúng thực trạng tài chính của SCB dẫn đến thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho SCB.

5,2 triệu USD để trong góc nhà, không đụng tới

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước) giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra và hành vi được nêu trong cáo trạng. "Bị cáo xin nhận tội", bà Nhàn nói.

Bao che cho sai phạm tại SCB sau thanh tra, bị cáo Nhàn bị cáo buộc nhận tổng cộng 5,2 triệu USD từ bà Trương Mỹ Lan. Bị cáo thừa nhận đã nhận tiền thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc SCB) 4 lần tổng cộng 5,2 triệu USD.

"Văn đưa tiền cho bị cáo, bị cáo thấy sai đã từ chối. Văn nói đừng làm khó Văn và làm khó chính mình. Bị cáo trả lại tiền cho SCB, sau đó có người nói Văn mang lên văn phòng đoàn thanh tra. Bị cáo sợ nên đã để tiền vào góc trong nhà chưa sử dụng. Bị cáo có gọi nhiều lần cho Văn đến lấy lại tiền vì bị cáo thấy không trả lại tiền sẽ bị đi tù", bị cáo Nhàn nói.

Theo bị cáo, khi Võ Tấn Hoàng Văn bị khởi tố, bị cáo định đem tiền nộp cho cơ quan điều tra nhưng thời điểm đó mẹ bị cáo mất. Hai ngày sau bị cáo bị bắt. Buổi làm việc đầu tiên với điều tra viên, bị cáo đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền. 

Về việc cất giữ số tiền 5,2 triệu USD, Nhàn khai gửi tại nhà người cậu và 2 lần đưa về quê Nam Định. Bị cáo cho rằng những người này đều không biết tiền từ đâu mà có.

Vì sao tòa chưa xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan, Nguyễn Cao Trí? - 3

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (Ảnh: Hải Long).

Cựu Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Hưng đã khóc khi đề cập đến nhóm bị cáo là cấp dưới của ông, cùng bị xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. "Trước đợt thanh tra họ còn chưa bao giờ phạm lỗi. Chỉ vì thiếu nhận thức mà giờ nhiều người phải thành bị cáo. Mong HĐXX giảm án cho họ", bị cáo Hưng nói.

Cựu Phó Chánh thanh tra là người phụ trách giám sát nội dung hoạt động của Đoàn thanh tra tại SCB. Tuy nhiên, bị cáo không chỉ đạo làm rõ sai phạm đối với khoản vay của 71 khách hàng, không làm rõ việc cho vay để đảo nợ, không kiến nghị đối với các sai phạm của SCB... dẫn đến Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

Bị cáo Hưng thừa nhận đã nhận 390.000 USD từ SCB thông qua Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT, đã bỏ trốn) và Võ Tấn Hoàng Văn trong các ngày lễ.

Theo bị cáo, những sai phạm của mình "là do khách quan" như không giám sát chặt chẽ, khối lượng nội dung xác minh lớn, thời gian không còn nhiều... nên không phát hiện các dấu hiệu vi phạm. Ngoài ra, thời điểm đó bị cáo sắp nghỉ hưu nên không dành hết tâm tư, thời gian cho đợt thanh tra.

Song, HĐXX không đồng ý với lời giải thích này, bởi bị cáo "nắm rất rõ các quy định, quy trình thanh tra".

Tòa nhà Times Square và bút ký của Chu Lập Cơ

Tọa lạc tại số 22-36 Nguyễn Huệ và 57-69F Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM, tòa nhà Times Square của Vạn Thịnh Phát được giới bất động sản ví như "viên ngọc quý" giữa lòng trung tâm thành phố.

Nếu như trước đây, Times Square với tiếng vang lớn tạo ra sau khi khánh thành, được xem là "bàn đạp" cho cuộc "chinh phạt" đất vàng của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thì hiện tại, tòa cao ốc này gắn liền tai tiếng khi đã được sử dụng như một công cụ để tỷ phú Hong Kong Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ) - chồng bà Trương Mỹ Lan "giúp sức" cho vợ huy động số tiền khổng lồ lên tới hơn 39.000 tỷ đồng từ SCB.

Năm 2009-2012, bị cáo Chu Lập Cơ đã thống nhất với Trương Mỹ Lan sử dụng tài sản quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai tại dự án Tòa nhà Times Square để bảo đảm cho các khoản vay đứng tên các cá nhân, tổ chức do bà Lan chỉ định để có tiền đầu tư dự án Times Square. Số tiền này được dùng cho mục đích cá nhân của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát.

Căn cứ vào các biên bản họp và quyết định của Đại hội đồng cổ đông Công ty Times Square, từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2014, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Times Square thực hiện các thủ tục lập các hồ sơ vay vốn "khống" để giải ngân cho 73 khoản vay khống của 67 khách hàng. Tổng số tiền giải ngân là hơn 29.441 tỷ đồng, thời hạn vay 5 năm.

Vì sao tòa chưa xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan, Nguyễn Cao Trí? - 4

Bị cáo Chu Lập Cơ, chồng bà Trương Mỹ Lan (Ảnh: Hoàng Hùng).

Đến năm 2017, các khoản nợ đến hạn nhưng không thể trả được do phương án vay vốn là lập "khống", khoản vay chỉ dùng trả nợ xấu, không có nguồn thu hồi gốc, lãi nên ông Chu Lập Cơ đã ký biên bản họp Đại hội đồng cổ đông Công ty CP Times Square Việt Nam ngày 15/8/2017. Nội dung của biên bản là tiếp tục dùng tài sản tại dự án Times Square để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay các khách hàng đang vay vốn tại Ngân hàng SCB, với dư nợ vay được bảo đảm tối đa là hơn 35.551 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 17/10/2022, còn 46 khoản vay của 46 khách hàng còn dư nợ gốc là hơn 19.552 tỷ đồng, nợ lãi hơn 19.665 tỷ đồng. Tổng cộng dư nợ là hơn 39.217 tỷ đồng.

Trả lời HĐXX về việc các văn bản thế chấp tài sản đảm bảo cho nhiều cá nhân, bị cáo Cơ nói "không biết một ai, không biết họ vay số tiền bao nhiêu, để làm gì". "Tôi chỉ được xem các văn bản bằng tiếng Anh, không ai trao đổi với tôi văn bản bằng tiếng Việt", bị cáo nói.

Bị cáo cho rằng, hai lần ký văn bản cách nhau 5 năm (2012 và 2017) đều không thấy sự khác biệt, bởi mục đích cuối cùng của ông là nhằm tái cơ cấu SCB. Tòa hỏi ai là người chỉ đạo bị cáo ký các biên bản họp hợp đồng để vay tiền, ông Chu Lập Cơ đáp: "Theo vợ tôi".

Tòa hỏi bị cáo nhận thức như thế nào về việc hành vi của mình đã gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng (đã cấn trừ), bị cáo Chu Lập Cơ trình bày: "Lúc đó tôi không ý thức được hành vi của mình là gì, nhưng sau này tôi biết việc mình ký các văn bản là sai trái. Giờ đây, tôi chỉ muốn khắc phục hậu quả".