Vì sao nữ nhà báo Hàn Ni bị bắt?
(Dân trí) - Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam nữ nhà báo Hàn Ni do liên quan vụ lùm xùm suốt thời gian qua giữa nhà báo Hàn Ni với bà Nguyễn Phương Hằng và nhiều người khác.
Ngày 25/2, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất các thủ tục khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Đặng Thị Hàn Ni (46 tuổi, nhà báo Hàn Ni, luật sư, công tác tại một tờ báo ở TPHCM) và tiến sĩ luật Đặng Anh Quân để điều tra về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015.
Theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam nữ nhà báo Hàn Ni do liên quan đến vụ lùm xùm suốt thời gian qua giữa nhà báo Hàn Ni với bà Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) và nhiều người khác.
Trước đó, năm 2021, bà Nguyễn Phương Hằng nổi lên như một hiện tượng mạng xã hội, thường xuyên livestream "gọi tên" nhiều người nổi tiếng. Từ đây, bà Hằng liên tục tạo ra hàng loạt vụ ồn ào, mâu thuẫn với nhiều người, trong đó có nhà báo Hàn Ni, dẫn đến hai bên lời qua tiếng lại, tố cáo, kiện tụng nhau.
Cụ thể, bà Hằng gửi nhiều đơn đến Công an tỉnh Bình Dương, Công an TPHCM và cơ quan chức năng khác, tố cáo nhà báo Hàn Ni có dấu hiệu hành vi "xúc phạm, vu khống" và tấn công quỹ Hằng Hữu của Công ty CP Đại Nam. Bà Hằng yêu cầu cơ quan chức năng xử lý bà Hàn Ni, buộc chấm dứt việc sử dụng hình ảnh của bà khi không được sự đồng ý và bồi thường thiệt hại...
Ngược lại, nhà báo Hàn Ni cũng gửi đơn tố giác tội phạm đến Bộ Công an, Công an TPHCM, Công an tỉnh Bình Dương, cho rằng bị bà Hằng vu khống, làm nhục, xúc phạm trong các buổi livestream.
Theo bà Ni, sau khi tố giác, trong các buổi livestream bà Hằng càng tấn công nhiều hơn. Tháng 11/2021, bà Hằng và nhiều người còn kéo đến trụ sở cơ quan của nữ nhà báo để livestream yêu cầu ra gặp mặt, gây mất an ninh trật tự...
Sau khi thu thập tài liệu chứng cứ, ngày 24/3/2022, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015.
Quá trình điều tra cho thấy, khoảng tháng 3/2021, thông qua hơn 10 tài khoản mạng xã hội YouTube, Facebook và TikTok, bà Hằng tổ chức các buổi livestream nói về nhiều chủ đề, nội dung khác nhau được nhiều người chia sẻ, bình luận.
Tại các buổi phát trực tiếp, bà chủ Khu du lịch Đại Nam có những phát ngôn liên quan về đời tư, gây ảnh hưởng uy tín, danh dự một số người như ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh).
Cùng thời gian này, thông qua các tài khoản mạng xã hội, bà Hằng có một số nội dung xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo Đức Hiển), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đặng Thị Hàn Ni, Đinh Thị Lan, Trần Thị Thủy Tiên...
Tại cơ quan điều tra, bà Hằng trình bày về việc xúc phạm danh dự, uy tín của nhiều người vì họ có những phát ngôn trên mạng xã hội được cho là ảnh hưởng đến vợ chồng bà, Công ty CP Đại Nam và quỹ từ thiện Hằng Hữu...
Mở rộng điều tra vụ án, ngày 19/4/2022, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã mời bà Hàn Ni làm việc liên quan nội dung đơn tố cáo của bà Hằng; đồng thời tiếp tục mời làm việc những người có vai trò hỗ trợ, giúp sức cho bà Hằng tại các buổi livestream, trong đó có nhiều trợ lý của bà Hằng và tiến sĩ luật Đặng Anh Quân.
Ngày 1/12/2022, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam) về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tiếp tục củng cố hồ sơ chứng cứ, ngày 24/2, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Đặng Thị Hàn Ni và tiến sĩ luật Đặng Anh Quân.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an TPHCM vẫn mở rộng điều tra, xử lý.