Vì sao nhiều người mắc bẫy "cô đồng" Thu Trang, mất tiền tỷ?
(Dân trí) - "Các "cô đồng" hành nghề giống như ném cát bụi tre, không có cơ sở khoa học. Đa số người tìm đến "cô đồng" thường mê tín và nhận thức có phần hạn chế", chuyên gia Đoàn Văn Báu nói.
Liên quan vụ nhiều người bị "cô đồng" Phan Thị Thu Trang (SN 1990, ngụ quận 5, TPHCM) chiếm đoạt hơn 28 tỷ đồng, chuyên gia tâm lý tội phạm cho rằng, các nạn nhân có thể gặp khó khăn trong cuộc sống, muốn tìm đến thế giới tâm linh rồi biến mình thành "con mồi" của trò lừa đảo.
Bị lừa vì tìm chỗ dựa tâm linh
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm cho biết, nhiều người tin vào mê tín dị đoan có thể hiểu rằng cuộc sống của họ đang gặp khó khăn, áp lực. Những bế tắc này, họ không thể giải quyết hoặc khó nhờ sự trợ giúp của mọi người, nên tìm đến thế giới tâm linh. Họ vô tình trở thành "con mồi" cho các hoạt động mê tín dị đoan, cụ thể ở đây là "cô đồng".
Với sự phát triển của mạng xã hội, những hoạt động mê tín dị đoan như "cô đồng" Phan Thị Thu Trang diễn ra khá phổ biến. Nhiều clip về mê tín trở thành xu hướng, được lan tỏa qua mạng xã hội, thu hút hàng nghìn người quan tâm. Khi một người quan tâm và tò mò, họ rất dễ tìm đến "cô đồng".
Theo chuyên gia tâm lý tội phạm, những người hành nghề mê tín dị đoan thường có khả năng đưa ra lời tư vấn dựa vào thông tin họ thu thập được từ "con mồi". Họ có thể lấy thông tin từ mạng xã hội, người khác kể hoặc phán đoán.
Những hành vi, lời bói toán không dựa trên bất kỳ cơ sở khoa học nào, chủ yếu theo sự phán đoán. Phán đoán ở đây có thể đúng hoặc sai, người hành nghề sẽ dựa vào hoàn cảnh thực tế của "con mồi" để lừa đảo.
"Tôi cũng có thể làm thầy bói được vậy. Khách tìm đến tôi chỉ có hai vấn đề, đó là họ gặp khó khăn về kinh tế hoặc trục trặc chuyện tình cảm. Đặc biệt, phụ nữ rất dễ bị tác động bởi hai yếu tố này. Họ rất dễ rơi vào bẫy của những người hành nghề mê tín dị đoan", ông Báu nói.
Ông Báu cho biết trong một số vụ lừa đảo, nạn nhân bị mất số tiền ít, có tâm lý mắc cỡ, không muốn trình báo cơ quan chức năng. Khi bị lừa số tiền lớn, họ mới tìm đến công an. Cho nên, các "cô đồng" vẫn còn nhiều điều kiện thuận lợi để hành nghề và giăng bẫy nạn nhân gặp khó khăn về kinh tế, tình cảm, bế tắc trong cuộc sống.
"Các "cô đồng" không giỏi giang gì, họ hành nghề giống như ném cát vào bụi tre vậy. Đa số người tìm đến "cô đồng" thường mê tín, nhận thức có phần hạn chế, nên bị lừa. Người có hiểu biết, tri thức, không tin chuyện ma quỷ, thì rõ ràng rất khó lừa gạt.
Tôi đánh giá các "cô đồng" không phải cao thủ thao túng tâm lý, nắm bắt hành vi gì cả. Nhiều clip, chúng ta có thể quan sát họ nói những chuyện rất ngớ ngẩn, ai cũng nhìn ra, nhưng những nạn nhân lại cho đó là đúng. Nên trách nạn nhân nhiều hơn những người hành nghề mê tín. Những người hành nghề là bất hợp pháp, họ sẽ bị xử lý trước pháp luật, nhưng cái chính ở đây là các nạn nhân", ông Báu phân tích.
Cần siết chặt quản lý
Chuyên gia tâm lý tội phạm Đoàn Văn Báu cho biết, các loại hình hoạt động mê tín dị đoan trước đây đã dần mai một. Trước đây, người dân thường đến tận nơi "cô đồng" xem bói, bốc thăm, xin quẻ và các hoạt động đồng bóng. Hiện nay, mạng xã hội rất phát triển, có những buổi livestream công khai lên đến hàng nghìn người theo dõi. Có những clip cả triệu lượt xem.
Họ tận dụng mạng xã hội để lan truyền các hoạt động mê tín dị đoan, lừa đảo online. Đồng thời, họ cho các cò mồi vờ bình luận "cô đồng nói hay", bản thân hóa giải được chuyện này, chuyện kia… để tạo lòng tin với người xem.
Hoạt động này nở rộ, nhưng việc xử lý của cơ quan chức năng thời gian qua chưa triệt để, khiến loại hình mê tín phát triển.
Theo ông Báu, đây là trách nhiệm của cơ quan chức năng, cụ thể là ngành thông tin và truyền thông. Khi phát hiện hoạt động mê tín dị đoan, các cơ quan này cần phối hợp với công an vào cuộc xử lý, có biện pháp tuyên truyền để người dân nhận thức rõ đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Điều quan trọng nhất là người dân tự nâng cao ý thức của mình. Người thân trong gia đình khi phát hiện thành viên mê tín, cũng phải giáo dục kịp thời, tạo ra sức đề kháng để họ không trở thành nạn nhân các trò lừa đảo.
Bản chất của việc mê tín dị đoan là tin vào năng lực vô hình chứ không tin vào năng lực của bản thân nên bị lừa gạt. Những người rơi vào tình trạng nhận thức như thế này cần được giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, vượt qua việc mê tín dị đoan.
Ông Báu cho biết, thực tế hiện nay, một số hiện tượng siêu nhiên chưa được khoa học lý giải cặn kẽ, người ta nói "tâm linh không thể đùa hoặc có thờ có thiêng, có kiêng có lành", điều này chỉ giải quyết về mặt tâm lý.
Ví dụ, nhiều người nghĩ rằng vợ chồng cãi nhau là do bố trí phong thủy trong nhà không đúng. Gia chủ làm ăn không tốt là do không thờ cúng, bây giờ thờ cúng sẽ yên tâm hơn. Đối với họ, đây là liệu pháp về tâm lý để yên tâm, chứ không có bất kỳ năng lực siêu nhiên nào.
Ngày 25/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 5 khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Thị Thu Trang (SN 1990, ngụ quận 5) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cảnh sát, Trang sử dụng các tài khoản Facebook như: Phan Thu Trang, Phong Thủy Tâm Linh - Phan Thu Trang, rồi đăng tải bài viết nhằm thu hút người có nhu cầu xem bói.
Khi có người liên hệ, Trang bịa ra các câu chuyện tâm linh khiến cho họ lo sợ. Sau đó, "cô đồng" yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để cúng giải hạn, giải bùa, giải vong. Sau khi nhận được tiền của các nạn nhân, Trang trả nợ và tiêu xài cá nhân. Tính đến hiện tại, tổng số tiền Trang chiếm đoạt hơn 28 tỷ đồng.