Bình Phước:
Vì sao không thực nghiệm hiện trường vụ thảm sát 6 người vào buổi tối?
(Dân trí) - Hai bị can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến thản nhiên thực hiện lại các hành vi phạm tội trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước. Có hành động Dương quên thì Tiến nhắc cho Dương nhớ lại... Cơ quan công an cũng lý giải vì sao không thực nghiệm hiện trường vào buổi tối.
“Có lúc Dương quên, Tiến đã nhắc cho Dương nhớ”!
Sáng 11/8, Nguyễn Hải Dương (quê An Giang) và Vũ Văn Tiến (cùng 24 tuổi, tạm trú huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã được đưa đến hiện trường vụ thảm sát 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ (47 tuổi, ngụ xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) để thực nghiệm lại hành vi phạm tội. So với thời điểm bị bắt, hai bị can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến gầy hơn, tuy nhiên cả hai vẫn khỏe mạnh, bình thản “diễn” lại quá trình đột nhập, khống chế và sát hại 6 nạn nhân.
Buổi thực nghiệm hiện trường kéo dài hơn 4 giờ liên tiếp, Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến tuần tự thực hiện lại hành động gây án. Từ việc giết nạn nhân Dư Minh Vỹ (14 tuổi, cháu ông Mỹ, người mở cổng cho hai bị can vào sân) ngay tại sân của căn biệt thự, tới hành vi trèo tường để lên trên lầu, đột nhập vào phòng ngủ của Lê Thị Ánh Linh (20 tuổi, con gái của ông Mỹ và bà Nga, cũng là người yêu cũ của Hải Dương) và Dư Ngọc Tố Như (18 tuổi, cháu của bà Nga), trói hai nạn nhân này và sau đó đi xuống dưới nhà khống chế ông Lê Văn Mỹ bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (42 tuổi, vợ ông Mỹ), Lê Quốc Anh (15 tuổi, con trai của ông Mỹ và bà Nga), tra hỏi rồi sau đó giết chết họ tại tầng trệt. Tiếp đến Dương và Tiến lên lại phòng ngủ và sát hại Dư Thị Tố Như và Lê Thị Ánh Linh.
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Hoàng Kim Vinh, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước, người được chỉ định bào chữa cho các bị can và trực tiếp tham gia buổi thực nghiệm hiện trường vụ thảm sát 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ cho biết, nhìn chung buổi thực nghiệm hiện trường đã thành công, hai bị can thực hiện lại hành vi phạm tội giống với những gì đã khai nhận tại cơ quan điều tra. Những tình tiết quan trọng như địa điểm sát hại ai trước, ai sau, vị trí sát hại các nạn nhân, vị trí vết thương đều được các nghi can thực nghiệm đúng với kết quả điều tra.
“Trước mỗi hành động cơ quan chức năng đều cho hai bị can nhớ lại và thực hiện thử một lần trước khi thực nghiệm chính thức để ghi hình. Một số chi tiết nhỏ như cách trói các nạn nhân như thế nào, quấn dây từ phía nào trước, phía nào sau, vật dụng để như thế nào...Các đối tượng không nhớ rõ nên phải thực nghiệm lại nhiều lần. Diễn biến chính buổi thực nghiệm hiện trường được thực hiện theo đúng quá trình khai nhận phạm tội và kết quả điều tra của Ban chuyên án. Do đây là vụ án quan trọng nên cơ quan điều tra thực nghiệm hiện trường rất kỹ, các động tác của các đối tượng được thực nghiệm nhiều lần để đảm bảo tính chính xác cao” – Luật sư Vinh chia sẻ.
Luật sư Vinh thông tin thêm: “Có thời điểm bị can Nguyễn Hải Dương quên một vài động tác thì bị can Vũ Văn Tiến đứng bên đã nhắc Dương và Dương cũng đã nhớ lại đúng như vậy”.
Sáng 13/8, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước xác nhận, kết quả buổi thực nghiệm hiện trường vào sáng 11/8 trùng khớp với kết quả điều tra, hồ sơ vụ án và lời khai của Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến mà cơ quan công an tỉnh đã thu thập được trước đó.
Vì sao thực nghiệm hiện trường diễn ra khác thời gian gây án?
Nhiều luồng dư luận đặt vấn đề vì sao không thực nghiệm hiện trường vào khoảng thời gian mà Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến gây án (từ 2h – khoảng 5h sáng 7/7 – PV) mà cơ quan điều tra lại cho thực nghiệm vào 8h sáng 11/8 ? Điều kiện thời gian, ánh sáng có ảnh hưởng đến kết quả điều tra, kết quả của buổi thực nghiệm hiện trường?
Trả lời về những vấn đề này, một các bộ điều tra là thành viên chủ chốt trong Ban chuyên án trực tiếp giám sát quá trình hai bị can thực nghiệm hiện trường khẳng định, việc khác nhau về múi thời gian khi gây án và khi thực nghiệm không ảnh hưởng gì đến kết quả của buổi dựng lại hiện trường, không nhất thiết thời điểm dựng hiện trường phải trùng với thời gian gây án vì còn phụ thuộc vào mục đích thực nghiệm.
“Chẳng hạn, nếu muốn thực nghiệm khả năng nhìn rõ của hung thủ thì cần phải có điều kiện về ánh sáng, nên lúc gây án và lúc thực nghiệm phải giống nhau. Còn nếu mục đích thực nghiệm để xem lời khai có khớp không, có thực hiện được đúng các hành vi phạm tội không... thì không nhất thiết phải trùng thời gian như lúc xảy ra vụ án. Trong vụ án này, các bị can chủ yếu được cho thực hiện lại hành vi sát hại 6 nạn nhân nên yếu tố ánh sáng (ban ngày hay ban đêm) không ảnh hưởng nhiều tới tính chính xác của việc thực nghiệm” – Vị cán bộ điều tra này phân tích.
Cùng nhìn nhận về yếu tố thời gian trong vụ án này, luật sư Hoàng Kim Vinh cho rằng, việc khác nhau về thời gian gây án và thời gian cho thực nghiệm lại hiện trường không ảnh hưởng tới kết quả thực nghiệm. Vào ngày xảy ra vụ án, mặc dù vào ban đêm nhưng vẫn có đèn nên các bị can vẫn nhận rõ mặt các nạn nhân; việc thực nghiệm khác với thời điểm của vụ án không làm sai lệch hành vi của các bị can.
Liên quan đến vụ án thảm sát ở Bình Phước, cơ quan CSĐT đã bắt tạm giam 4 tháng đối với Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM) để điều tra về hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”. Bị can Thoại bị tình nghi đã cùng với Nguyễn Hải Dương lên kế hoạch, chuẩn bị hung khí đến nhà ông Mỹ để cướp giết. Do yếu tố khách quan ngoài ý muốn nên Dương và Thoại không thực hiện được hành vi phạm tội. Sau đó, Nguyễn Hải Dương đã rủ Vũ Văn Tiến tiếp tục kế hoạch và gây ra vụ thảm sát 6 người gây chấn động xã hội.
Trung Kiên