1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vị doanh nhân từ chối bồi thường từ Bộ Công an

(Dân trí) - Ông Bùi Mạnh Lân từ chối bồi thường từ Bộ Công an. Theo ông Lân, danh dự và uy tín của gia đình ông bị tổn thất nặng nề không thể mua bằng tiền.

Ngày 5/3, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tổ chức xin lỗi ông Bùi Mạnh Lân (Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần sản xuất thương mại Hưng Thịnh), ông Phạm Văn Hướng (Phó tổng giám đốc công ty cổ phần Hưng Thịnh).

Vị doanh nhân từ chối bồi thường từ Bộ Công an - 1
2 doanh nhân được xin lỗi.

Mở đầu buổi xin lỗi, đại diện Bộ Công an,  thượng tá Đặng Trọng Cường gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất tới ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hưởng.

Cơ quan điều tra Bộ Công an thừa nhận trong quá trình xử lý vụ án, đã có sai sót khi tạm giam ông Lân, ông Hưởng khi không có lệnh phê chuẩn của Viện KSND tối cao, sau đó, Bộ Công an đã khắc phục sự việc thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với 2 ông. Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công an cho biết sẽ đề xuất mức bồi thường theo luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Ngoài ra, đại diện Bộ Công an xin rút kinh nghiệm sâu sắc không để trường hợp tương tự xảy ra.

Vị doanh nhân từ chối bồi thường từ Bộ Công an - 2
Đại diện Bộ Công an xin lỗi.

Đáp lại lời xin lỗi của Bộ Công an,ông Bùi Mạnh Lân ghi nhận và chấp nhận lời xin lỗi của đại diện Bộ Công an. Ông Lân cảm ơn lãnh đạo Văn phòng điều tra Bộ Công an, cảm ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã đồng hành cùng gia đình ông trong giai đoạn khó khăn nhất. Ngoài ra, ông Lân yêu cầu Bộ Công an xử lý nghiêm khắc những người đã gây ra oan sai cho ông.

“Về vấn đề bồi thường oan sai, tôi không nhận. Thứ nhất, tiền bồi thường oan sai cho tôi cũng là tiền thuế do nhân dân đóng nộp, trong khi những người dân không có liên quan tới sự việc của tôi. Thứ 2, danh dự và uy tín của gia đình tôi bị tổn thất to lớn không thể tính bằng tiền, số tiền bồi thường bao nhiêu thì cũng không thể mua lại những năm tháng tù tội đối với tôi và gia đình tôi”, ông Lân trình bày.

Vị doanh nhân từ chối bồi thường từ Bộ Công an - 3
Ông Bùi Mạnh Lân.

Tiếp lời ông Lân, ông Hướng cũng đồng ý với lời xin lỗi của Bộ Công an và yêu cầu Bộ Công an làm rõ trách nhiệm những người đã bắt giam ông khi không có lệnh phê chuẩn của Viện KSND tối cao.

“Sau nhiều năm chờ đợi thì tôi cũng được Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xin lỗi công khai. Hiện tại, tôi rất vui mừng và hạnh phúc, bởi cơ quan tố tụng đã nhìn nhận đúng bản chất vấn đề. Còn về vấn đề bồi thường Nhà nước thì tôi mong muốn cơ quan chức năng sẽ thực hiện theo đúng quy định”, ông Hướng trình bày.

Sau đó, đại diện Bộ Công an xin ghi nhận tất cả những ý kiến của ông Lân và ông Hướng và chuyển những ý kiến này lên cấp trên để có hướng giải quyết.

Vị doanh nhân từ chối bồi thường từ Bộ Công an - 4
Ông Phạm Văn Hướng.

Theo nội dung vụ án, kết thúc chuyên án Năm Cam, Bộ Công an tiếp tục điều tra mở rộng một số vụ án có dấu hiệu liên quan đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức, trong đó có vụ gây rối trật tự công cộng tại công ty gas Bình Dương, ở Khu công nghiệp Đồng An do công ty cổ phần thương mại Hưng Thịnh làm chủ đầu tư.

Ngày 29/4/2003, Bộ Công an khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra tại đây từ năm 2000, đồng thời bắt ông Lân, ông Hướng cùng 4 người khác.

Ông Lân, ông Hướng cùng 4 người trong vụ án sau đó bị chuyển về Tiền Giang điều tra. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lân và ông Hướng nhưng Viện KSND tối cao từ chối phê chuẩn lệnh tạm giam. Tuy nhiên, phía công an không trả tự do cho hai doanh nhân này mà tiếp tục đề nghị Viện KSND tối cao phê chuẩn.

Vị doanh nhân từ chối bồi thường từ Bộ Công an - 5
Ông Lân và ông Hướng nhận hoa từ đại diện Bộ Công an.

Kết quả xác minh, xác định vụ án nêu trên ông Bùi Mạnh Lân đã bị tạm giam không có lệnh tạm giam hợp pháp 41 ngày. Ông Phạm Văn Hưởng bị tạm giam không có lệnh giam hợp pháp từ 63 ngày.

Hai ông thuộc trường hợp được xem xét, giải quyết theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017.

Xuân Duy