1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Về làng tử tù

Con đường nhỏ dẫn vào xã Ngọc Vân - Bắc Giang san sát những ngôi nhà cao tầng bề thế nhưng lạ một nỗi là vắng hoe vắng hoắt bởi cái lý do - không muốn mang cái tiếng… “người Ngọc Vân”.

Đến ông Phó Chủ tịch xã còn phải chua xót mà than rằng, nói là người Ngọc Vân thì sinh viên không ai cho thuê trọ, đi xe thì không ai bán vé… Người Ngọc Vân đang bị bức tử trong vòng xoáy của cái chết trắng, cô lập trong “ốc đảo ma túy”.
 
Làng của những tử tù

Làng của những tử tù

Chỉ tính từ năm 1990 cho đến nay, theo số liệu CA tỉnh Bắc Giang cung cấp, toàn xã Ngọc Vân có gần 200 người bị kết án vì buôn bán ma túy. Trong số đó, 13 án tử hình đã được tuyên, ngoài ra còn hàng chục án chung thân, 20 năm… Nếu cộng tổng số năm tù giam dành cho các đối tượng buôn ma túy ở Ngọc Vân đã lên tới hơn 2000 năm.

Đến Ngọc Vân bây giờ khiến bất kỳ ai cũng có cảm giác quạnh quẽ, vắng vẻ và buồn tủi. Những ngôi nhà vắng bóng đàn ông, ánh mắt ngơ ngác của những đứa trẻ thiếu cha vắng mẹ như càng buồn hơn. Từ những ngôi nhà cao tầng xây dựng tốn kém hàng tỉ đồng đến những căn nhà cấp 4 lụp xụp, quanh năm không chắn nổi gió đều có chung một nỗi đau: vắng trụ cột gia đình.

Hàng trăm người vẫn lao như thiêu thân vào vòng xoáy của tội lỗi. Nhiều gia đình vắng chồng, mất vợ, nhiều đứa trẻ thiếu sự chăm sóc của cha mẹ... Ông Thân Nhân Hoành, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vân chua xót: “Ở Ngọc Vân, không bao giờ xảy ra trộm cắp, đánh nhau, thế nhưng Ngọc Vân vẫn là điểm đen mà nhiều người muốn tránh”. Ở Ngọc Vân, cứ nhà nào có người đi tù thì tới 90% là do án ma túy.

Người Ngọc Vân quanh năm chăm chỉ làm lụng. Thế nhưng lại không thiếu những kẻ lười biếng, không chịu làm ăn, liều lĩnh lao vào con đường buôn ma túy. Ông Nguyễn Văn Tới, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vân cho biết: “Những kẻ kiếm tiền từ ma túy thường không xây nhà cửa ở xã mà đi nơi khác. Có nhiều người còn bỏ vợ, bỏ con phải sống nghèo khó để hưởng thụ. Những người Ngọc Vân phần lớn là bị bắt ở nơi khác, chỉ lâu lâu mới ghé về thăm nhà do sợ bị lực lượng công an theo dõi”.

Điển hình như gia đình tử tù Thân Nhân Thịnh. Ngôi nhà dúm dó xiêu vẹo không có gì đáng giá khiến ai cũng ngạc nhiên - trông không giống nhà có người đi buôn ma túy. Có được căn nhà cấp 4 này cũng là do mẹ tử tù Thịnh giúp đỡ dựng nên, bộ bàn ghế, tài sản lớn nhất trong nhà cũng được bà dành tiền tích cóp mua.

Chị Thủy, vợ tử tù Thân Nhân Thịnh buồn bã kể lại cuộc sống những ngày hay tin chồng bị bắt vì án ma túy: “Em chưa từng được anh Thịnh đưa cho một xu nào để lo lắng cho gia đình. Từ khi anh ấy dính đến ma túy cũng coi như bỏ rơi gia đình, mẹ con em. Hình như anh ấy xây nhà và lấy vợ nơi khác rồi”.

Chuyện là như vậy nhưng khi hay tin chồng bị bắt, chị vẫn chạy vạy, thăm nom anh. Từ ngày chị lấy chồng, mọi việc trong nhà, từ công to việc lớn cũng do chị một tay quán xuyến, hai đứa trẻ đi học cũng chẳng mấy khi thấy mặt cha thì giờ cũng mang cái danh bố tử tù, bị bạn bè xa lánh.

Thân Nhân Thịnh bị tuyên tử hình nhưng chưa thi hành án nên tháng nào chị cũng phải đi vay mượn để thăm nom tiếp tế cho chồng. Đến lúc này, kẻ tử tù mới ân hận vì những gì đã gây ra thì đã muộn.

Gia đình tử tù Dương Ngô Trung lại khác, từ ngày chồng bỏ đi biệt xứ để buôn ma túy, chị Hạt (vợ Trung) lại ăn nên làm ra. Hai lò gạch của gia đình đã cho chị và 3 đứa con một cuộc sống đầy đủ hơn. Cho tới năm 2011, khi toàn huyện yêu cầu xóa bỏ những lò gạch, chị đã kịp xây một căn nhà khang trang bề thế 3 tầng rộng rãi.

Cuộc sống khi Trung đi buôn ma túy với gia đình cũng dễ thở hơn bởi cứ về đến nhà là chị bị Trung đánh nhừ tử. 15 năm vắng chồng, kinh tế dù dễ thở nhưng cái vận như ám vào gia đình chị khi hai đứa con đều phải nghỉ học, đứa bé còn bị xác định ung thư vú.

Trong làng này cũng cho nhiều ngôi nhà cao tầng được mọc lên nhưng chủ nhân của nó cũng kẻ thì đi tù, người “dựa cột”. Những ngôi biệt thự hoành tráng dần chuyển sang màu “tro lạnh” u ám. Phải nhắc đến đầu tiên, có lẽ là khu biệt phủ rộng 7.000 m2 của trùm ma túy “Nguyễn Văn Thi”. Nơi đây là đại bản doanh của ông trùm khét tiếng một thời.

Từ ngày Thi sa lưới, ngôi biệt thự xa hoa với 4 phía được xây cao như tường thành, bên trên có lối đi, dưới là những đường hầm bí ẩn, nay không một bóng người. Theo ông Nguyễn Văn Đoan, Trưởng Công an xã Ngọc Vân, ngôi biệt thự của Thi giờ không ai dám lai vãng. Một phần vì không khí âm u lạnh lẽo nơi đây, phần vì đám đàn em, đệ tử của Thi vẫn lởn vởn nhòm trước, ngó sau.

Một điều tra viên Phòng CSĐT Tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: “Khi chúng tôi thực hiện việc kiểm kê tài sản của Thi, mới thấy sự nguy nga đồ sộ nơi đây. Ngôi biệt thự đang được hoàn thiện trông như cung vua, phủ chúa. Hắn còn kỳ công vận chuyển 2 con Rồng chầu từ Thanh Hóa về đặt ở sân nhà.

Trong khuôn viên đó, có cả nhà sàn, nhà gỗ, biệt thự hiện đại, bể bơi, ao cá, hồ nước, ước tính tiêu tốn đến hàng trăm tỷ đồng”. Giờ, ngôi biệt thự vẫn dang dở chưa hoàn thành, bị bỏ không trong hiu quạnh không ai chăm sóc khi vợ chồng, chị gái Thi đều lĩnh án. Hai đứa con Thi cũng bỏ học, lang thang, bập vào con đường nghiện ngập.
 
Nỗi đau đến từ đâu?

Nỗi đau đến từ đâu?

Ngọc Vân trở nên “nổi tiếng” với các biệt danh đen: “Làng ma túy”, “Làng tử tù” là do “bà trùm” ma túy Nguyễn Thị Ca. Người mang họa ma túy về làng Ngọc Vân cũng đã kết thúc cuộc đời ở tuổi 70 khi đang thụ án. Ngôi nhà vốn to đẹp nhất xã giờ chỉ còn một mình chồng bà Ca đã mãn hạn tù về sinh sống. “Bà trùm” Nguyễn Thị Ca quê gốc ở xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh vốn nức tiếng một thời bởi nhan sắc và sự sắc sảo.

Sau khi lấy chồng về thôn Hội Phú, xã Ngọc Vân, Bắc Giang, Nguyễn Thị Ca mang theo luôn “nghề” ma túy và kéo theo nhiều đối tượng ở địa phương cùng tham gia những đường dây ma túy.

Một người, rồi hai người, từ một làng quê nghèo, những người dân lam lũ làm nông nghiệp, bỗng chốc thấy vài người phất lên nhanh chóng, nhiều người đã bỏ ruộng vườn lao vào con đường ma túy. Chồng bà Ca là Dương Ngô Luyện cũng trở thành một mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán ma túy này.

Nhiều lần vào tù ra khám, nhưng “bà trùm” chưa từng có ý nghĩ hối cải mà vẫn ngựa quen đường cũ. Mỗi lần mãn hạn, bà Ca lại trở nên ranh ma và quỷ quyệt hơn, mạng lưới chân rết của Ca cũng ngày một rộng.

Tới cuối thập kỷ 90, Nguyễn Thị Ca đã nổi danh với mạng lưới phân phối ma túy lên đến trên 100 đối tượng. Những chân rết trong đường dây phân phối ma túy của “bà trùm” Ca đều là người thân trong gia đình như chồng, con...

Thời điểm ấy, chỉ cần nghe tiếng vợ chồng Dương Ngô Luyện - Nguyễn Thị Ca, giới buôn “hàng trắng” ai cũng biết. Thế nhưng, 10 năm sau, đường dây của bà Ca bị tóm gọn, chân rết bị chặt đứt, “bà trùm” bị bắt. Cuộc đời của “bà trùm” cùng những “trùm” ma túy Ngọc Vân khép lại tại đây. Bản án dành cho những kẻ buôn bán ma túy là xác đáng, nhưng nỗi đau dành cho những người ở lại thì mãi không bao giờ có thể xóa được.

Mịt mờ tương lai những đứa trẻ

Ngọc Vân bây giờ, nhiều gia đình chìm trong nỗi đau của ma túy với 2, 3 bản án từ hình. Không thiếu người đã phải thoát ly, bỏ cái gốc gác bố mẹ, người thân buôn ma túy mà đi nơi khác làm ăn để làm lại cuộc đời.

Ở Ngọc Vân chỉ có hai con đường chờ đợi những người có người thân dính án  ma túy. Một là chấp nhận đối mặt với kỳ thị, tai tiếng đứng dậy làm người tử tế hai là bỏ xứ mà đi để lại Ngọc Vân những ngôi nhà hoang tàn, trống vắng.

Trường hợp của tử tù đã thi hành án Nguyễn Thị Mai là một cái kết có hậu khi hai người con của chị đã vững vàng bước tiếp, bỏ qua mặc cảm có mẹ tử tù, bố chung thân. Không ai có thể nghĩ, hai đứa con của Mai, lại có thể kiên cường vươn lên học tập. Mẹ phải lĩnh án tử hình, bố tù chưa biết ngày nào ra, hai chị em phải ở với bà nội trong sự kỳ thị của xóm làng. Nhưng đó cũng là khi cả hai chị em đặt quyết tâm chứng tỏ, cái ác chưa thể vấy bẩn lên những tâm hồn lương thiện.

Nỗi đau vì ma túy rồi sẽ dần qua đi nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an. Thế nhưng sự ám ảnh vẫn đeo bám con em những kẻ gieo rắc cái chết trắng. Có không ít những đứa trẻ là con của tội phạm mua bán ma túy ở Ngọc Vân phải ở với ông bà khi bố mẹ lần lượt lĩnh án.

Rồi đây, ông bà các em, vốn tuổi già sức yếu phải làm sao để nuôi dạy các cháu. Và khi ông, bà - những người thân yêu cuối cùng của các em lìa đời, ai sẽ chăm lo cho các em hay lại thả các em trôi nổi giữa dòng đời. Liệu con đường chờ đợi các em có may mắn như hai con gái tử tù Nguyễn Thị Mai.

Theo Thu Cúc
An ninh thủ đô