Út “trọc” đã chiếm đoạt 725 tỷ đồng tiền thu phí như thế nào?
(Dân trí) - Út “trọc” đã thuê người viết phần mềm, cài đặt xâm nhập vào phần mềm của Bộ Giao thông Vận tải để làm giảm số liệu doanh thu, từ đó, chiếm đoạt 725 tỷ đồng tiền thu phí.
Bị can Đinh Ngọc Hệ (sinh năm 1971, tức Út "trọc") vừa bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Theo kết luận điều tra, với mục đích chiếm đoạt quyền thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, ngay từ đầu, Út "trọc" đã có thủ đoạn gian dối. Bản thân Út “trọc” biết rõ tình hình tài chính công ty Yên Khánh không đủ điều kiện tham gia đấu giá mua quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương nhưng đã chỉ đạo nhân viên làm báo cáo tài chính từ lỗ thành lãi, làm giả xác nhận của đơn vị kiểm toán trong báo cáo tài chính năm 2011, 2012 để tạo sự tin tưởng và được công nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá.
Sau khi trúng đấu giá, do không có năng lực tài chính để trả tiền theo hợp đồng, Út "trọc" đã kéo dài thời gian thanh toán tiền mua quyền thu phí đồng thời, chỉ đạo cấp dưới dùng hợp đồng mua quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương thế chấp tại ngân hàng vay 1.703 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của công ty Cửu Long tại Kho bạc Nhà nước tại TPHCM.
Số tiền còn lại 301 tỷ đồng, Út "trọc" đã chỉ đạo cấp dưới lấy từ nguồn thu phí để thanh toán hợp đồng. Toàn bộ tiền mua quyền thu phí là tiền vay ngân hàng và tiền thu phí, công ty Yên Khánh không phải bỏ ra đồng nào.
Sau khi khai thác quyền thu phí, Út “trọc” có chủ trương làm giảm doanh thu trên sổ sách. Mục đích là để chiếm đoạt tiền thu phí, sử dụng cá nhân, đồng thời sau khi hết thời gian thu phí 5 năm, công ty Yên Khánh báo cáo việc thu phí thua lỗ để tiếp tục xin được gia hạn thời gian thu phí.
Từ năm 2014, công ty Yên Khánh chỉ sử dụng phần mềm do Bộ Giao thông Vận tải cài đặt sẵn và chủ trương cho nhân viên nhặt vé do tài xế qua trạm vứt lại để tập hợp, xóa số seri các vé đã nhặt, in lại vé mới có cùng số seri với các vé đã nhặt đưa vào sử dụng.
Đầu năm 2015, sau khi được báo cáo số liệu thu phí thực tế cao hơn rất nhiều, việc giảm doanh thu bằng phương pháp thủ công không hiệu quả, Út “trọc” tổ chức buổi họp tại công ty Yên Khánh và chỉ đạo nhân viên cấp dưới làm giảm doanh thu trên sổ sách để chiếm đoạt tài sản.
"Tại 4 trạm thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương phải làm giảm doanh thu đi, chứ không để doanh thu thực tế vì doanh thu thực đang quá cao, các bộ phận triển khai đi...", kết luận điều tra nêu rõ chỉ đạo của Út "trọc".
Dưới sự chỉ đạo của Út "trọc" một số nhân viên cấp dưới đã gặp Nguyễn Xuân Hiền (giám đốc công ty Xuân Phi) thuê viết phần mềm, cài đặt, bảo trì phần mềm xâm nhập vào phần mềm của Bộ Giao thông Vận tải để làm giảm doanh thu.
Sau khi viết xong phần mền, nhân viên công ty Xuân Phi đi xuống các trạm thu phí cài đặt, chạy thử và hướng dẫn cách sử dụng. Sử dụng phần mền trên gồm các bước tắt phần mềm thu phí do Bộ Giao thông Vận tải đã cài đặt, mở phần mền do công ty Xuân Phi viết và cài đặt, coppy số hiệu, số seri của các vé thu phí đã qua sử dụng đã thu gom được cho vào phần mềm của công ty Xuân Phi.
Qua khám xét khẩn cấp, ngày 26/12/2018, cơ quan điều tra thu giữ, sao lưu dữ liệu tại 10 server của 4 trạm thu phí, 4 ổ địa tại phòng làm việc của Trần Văn Miền để tiền hành trích xuất, đối chiếu.
Kết quả điều tra xác định tiền thu phí thực tế từ tháng 1/2014 – 12/2018 của 4 trạm trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương là hơn 3.266 tỷ đồng nhưng bị điều chỉnh xuống còn 2.541 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, xuyên suốt quá trình thực hiện hành vi từ khi lập hồ sơ, tham gia đấu giá, thanh toán tiền trúng đấu giá đến khi thực hiện thu phí, báo cáo doanh thu thu phí, Út “trọc” và đồng phạm đã liên tiếp có các hành vi gian dối trong việc làm giả hồ sơ năng lực, gian dối trong việc dùng phần mềm Xuân Phi can thiệp vào hệ thống phần mềm của Bộ Giao thông Vận tải gian dối trong báo cáo doanh thu thu phí về công ty Cửu Long, xóa dữ liệu, chứng từ kế toán thu phí thực tế để chiếm đoạt số tiền 725 tỷ đồng.