1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

U60 tham gia bắt hơn 1.000 người phạm tội ở TPHCM

Hoàng Thuận

(Dân trí) - Năm nay 57 tuổi, ông Nguyễn Đình Lũy được xem là một trong những Bảo vệ dân phố lớn tuổi nhất tại TPHCM. Hơn 12 năm, ông Lũy tham gia cùng đồng nghiệp hoặc trực tiếp bắt giữ hơn 1.000 người phạm tội.

Trao đổi với PV Dân trí, Bảo vệ dân phố Nguyễn Đình Lũy cười hiền, giải thích lý do đam mê bắt tội phạm từ một câu chuyện ngày xưa.

Theo lời kể, năm 1999, gia đình ông lúc đó còn khó khăn, sinh sống ở quận Bình Thạnh. Trong một lần đạp xe đạp chở con gái đến chợ Bà Chiểu, khi hai cha con loay hoay trong chợ, kẻ gian nhanh tay trộm mất chiếc xe đạp.

U60 tham gia bắt hơn 1.000 người phạm tội ở TPHCM - 1

Ông Lũy ghi lại các sự việc xảy ra tại khu phố sau mỗi ca trực (Ảnh: Hoàng Thuận).

Nhìn cảnh con gái ôm mặt khóc vì tiếc chiếc xe đạp, ông Lũy vừa giận kẻ trộm vừa thương con. Ông chỉ tay lên trời "thề độc" rằng: Khi nào gia đình có cuộc sống kha khá, sẽ tình nguyện làm "hiệp sĩ" săn bắt những kẻ trộm cắp, cướp giật, góp phần đem lại sự bình yên cho người dân…  

Khi "hiệp sĩ" thành Bảo vệ dân phố

Khoảng 3 năm sau, ông Lũy theo người thân về sinh sống tại khu vực vòng xoay cầu vượt Bình Phước (phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức) và làm nghề chạy xe ôm để mưu sinh. Đây là khu vực cửa ngõ thành phố, gần chợ đầu mối, giáp ranh tỉnh Bình Dương nên tình hình an ninh trật tự phức tạp. Đối tượng tội phạm lợi dụng vùng giáp ranh để hoạt động, dễ tẩu thoát.

Trong lúc đợi khách, ông Lũy chứng kiến người dân bị trộm cắp, cướp giật. Có những người từ quê lên khám bệnh đã bị móc túi sạch tiền. Máu "hiệp sĩ" nổi lên, ông nhiều lần "bỏ chạy xe ôm", ra tay nghĩa hiệp, bắt quả tang rất nhiều vụ, giúp nạn nhân lấy lại tài sản.

Hành động dũng cảm của ông Lũy khiến kẻ xấu không dám bén mảng tới khu vực cầu vượt Bình Phước "hành nghề". Những trường hợp mua bán, tiêm chích ma túy cũng vì thế mà dạt đi nơi khác…

"Hồi ấy kim tiêm nhiều lắm nhưng bây giờ tìm một cái cũng khó. Còn nạn móc túi nơi đây thì bị tôi xóa sổ lâu rồi. Người dân làm lụng cực khổ mới có ít tiền đi khám chữa bệnh mà bị móc túi, mình chứng kiến sao có thể làm ngơ", ông Lũy nói và chia sẻ rằng phải gan dạ, không ngại nguy hiểm và có đam mê thì mới làm được.

U60 tham gia bắt hơn 1.000 người phạm tội ở TPHCM - 2

Ông Lũy (thứ 2 từ trái sang) nhận giấy khen của UBND phường Hiệp Bình Phước (Ảnh: Đình Lũy).

Năm 2009, TPHCM ra mắt Bảo vệ dân phố (BVDP), lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nghe tin, "hiệp sĩ" Lũy tức tốc làm hồ sơ xin việc gửi UBND phường Hiệp Bình Phước và được nhận vào làm.

Hàng ngày, ông Lũy cùng đồng nghiệp được phân công ca trực nắm tình hình an ninh trật tự, việc bắt tội phạm được chính danh hơn "hiệp sĩ". Ngoài ra, Bảo vệ dân phố theo dõi, phát hiện các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm hành chính để báo cáo cơ quan chức năng.

Những ngày nghỉ trực, ông Lũy miệt mài rảo xe máy quanh địa bàn để trinh sát, truy bắt tội phạm. Ngoài ra, do có uy tín, người đàn ông 57 tuổi "làm thêm" những việc như hòa giải hàng xóm cãi nhau khi nuôi chó mèo phóng uế bừa bãi, vứt rác không đúng nơi quy định hoặc vợ chồng ghen tuông cãi nhau.

"Ông Lũy lớn tuổi vậy nhưng vẫn còn đam mê với việc bắt tội phạm. Nhờ sự đóng góp của ông ấy mà tình hình an ninh trật tự trong khu phố được đảm bảo, bà con ai cũng yên tâm", bà Lê Thị Lan (60 tuổi, người địa phương) cho hay.

Chuyện về "vòng xoay ông Lũy"

Trong bề dày thành tích bắt giữ tội phạm, người đàn ông 57 tuổi còn được xem như "khắc tinh" của tội phạm ma túy.

Năm 2018, ông Lũy đang trực thì nhận tin báo của người dân về việc một nhóm thanh niên tụ tập tại phòng trọ trong con hẻm trên Quốc lộ 1, nghi chuẩn bị sử dụng ma túy. Ngay lập tức, ông bí mật tiếp cận phòng trọ.

Thấy cửa đóng kín, người Bảo vệ dân phố nhẹ nhàng trèo lên mái tôn, quan sát qua khe hở. Khi cả nhóm sử dụng ma túy thì dùng điện thoại ghi hình làm bằng chứng và nhanh chóng báo sự việc cho lực lượng công an đến bắt giữ, xử lý.

Mới đây, trong một lần tuần tra khu vực vòng xoay cầu vượt Bình Phước, ông Lũy phát hiện một phụ nữ có biểu hiện bất thường hay lảng vảng nên âm thầm theo dõi hơn tuần. Chiều 3/9, người phụ nữ này từ quận Bình Tân xuống vòng xoay cầu vượt Bình Phước rồi bất ngờ di chuyển tới chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (phường Tam Bình, TP Thủ Đức) cách đó khoảng 1km.

"Có những người bị tôi bắt đưa đi cai nghiện xong quay về làm ăn lương thiện rồi đến gặp để cảm ơn. Lúc đó, tôi hạnh phúc vô cùng", Bảo vệ dân phố Nguyễn Đình Lũy nhớ lại.

Bằng kinh nghiệm nhiều lần bắt tội phạm ma túy, ông Lũy báo cho Công an phường Tam Bình và mật phục bắt quả tang người này tàng trữ 3 bịch nilon chứa ma túy đá. Trước đó, ngày 3/6, ông cùng đồng nghiệp bắt quả tang liên tiếp hai vụ tàng trữ ma túy tại khu vực…

Theo thống kê của địa phương, hơn 12 năm làm BVDP, ông Lũy tham gia cùng đồng nghiệp hoặc trực tiếp bắt giữ hơn 1.000 người phạm tội về mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy, tiêu thụ xe gian, trộm cắp, cướp giật… quanh khu vực vòng xoay cầu vượt Bình Phước. Nể phục và cảm ơn ông, người dân hay gọi vòng xoay nơi đây là "vòng xoay Ông Lũy".

U60 tham gia bắt hơn 1.000 người phạm tội ở TPHCM - 3

Ông Lũy có nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Ảnh: Hoàng Thuận).

Trung tá Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng Công an phường Hiệp Bình Phước, cho biết, hơn 12 năm qua, ông Lũy rất tích cực và góp công rất lớn trong việc cùng lực lượng công an truy bắt tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự. Ông Lũy liên tục nhận bằng khen, giấy khen của UBND phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức về thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

"Ông Lũy là Tổ trưởng tổ BVDP, đi đầu trong công tác phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự và được người dân, chính quyền tín nhiệm", Trung tá Hải nhận xét.

Lực lượng BVDP được thành lập theo Nghị định 38 của Chính phủ. Tại TPHCM, mỗi khu phố lập tổ BVDP từ 3-7 người. BVDP sẽ được huấn luyện, học tập chính trị, tập huấn pháp luật và nghiệp vụ bảo vệ an ninh trật tự; được trang bị và sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, đồng phục, phù hiệu, làm việc theo chế độ thường trực 24/24 giờ.

Quy định cho phép BVDP được tước hung khí, áp giải người phạm tội bị bắt quả tang, đối tượng bị truy nã, phạm nhân trốn trại về trụ sở công an; yêu cầu xử lý những người vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn xã hội và báo cáo cơ quan chức năng các sự việc; cùng lực lượng công an hoặc lực lượng chức năng truy bắt tội phạm và hỗ trợ kiểm tra hành chính...