Từ vụ GFDI huy động gần 4.000 tỷ đồng: Cẩn trọng "miếng mồi" lãi suất cao
(Dân trí) - Người dân cần cân nhắc các lời mời đầu tư dưới hình thức ký hợp đồng vay tài sản với cam kết lãi suất cao, để tránh xảy ra vụ việc như tại Công ty GFDI với hơn 7.500 khách hàng bị chiếm đoạt tiền.
Ngày 14/2, Công an thành phố Đà Nẵng đã có phản hồi ý kiến của cử tri về các giải pháp sớm phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn hành vi lừa đảo theo hướng vay tiền của người dân bằng hình thức ký hợp đồng vay tài sản, như trường hợp của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (Công ty GFDI).
Theo Công an thành phố Đà Nẵng, quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Công ty GFDI, công an nhận thấy thủ đoạn của các nghi phạm là lợi dụng tâm lý ham lời của người dân, đưa ra các mức lãi suất cao gấp nhiều lần so với ngân hàng để người dân đầu tư, ký hợp đồng vay tài sản. Từ đó, công ty này chiếm đoạt hơn 3.700 tỷ đồng của hơn 7.500 khách hàng.
![Từ vụ GFDI huy động gần 4.000 tỷ đồng: Cẩn trọng miếng mồi lãi suất cao - 1 Từ vụ GFDI huy động gần 4.000 tỷ đồng: Cẩn trọng miếng mồi lãi suất cao - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/wMPq25cxsEqmRGo7AXHUFtjBdLQ=/thumb_w/1020/2025/02/14/cong-ty-gfdia-nui-1739502914003.jpg)
Khách hàng hoang mang khi đã đầu tư nhiều tiền vào Công ty GFDI khó có khả năng lấy lại (Ảnh: A Núi).
Qua vụ án trên, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi lừa đảo với phương thức tương tự, công an khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần làm tốt việc tuyên truyền đến người dân về rủi ro của hình thức huy động vốn, hứa hẹn lãi suất cao.
Các cơ quan, đơn vị liên quan cũng cần tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, huy động vốn từ người dân với lãi suất cao nhưng không có mô hình kinh doanh rõ ràng, số liệu tài chính không minh bạch. Từ đó đánh giá, có phương án cảnh báo cho người dân biết.
Đối với người dân, cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin pháp lý, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tư vấn đầu tư; cân nhắc các lời mời gọi đầu tư dưới hình thức ký hợp đồng vay tài sản với cam kết lãi suất cao, nhưng doanh nghiệp không trình bày rõ ràng về mục đích sử dụng nguồn vốn, các số liệu tài chính.
Trường hợp phát hiện có các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động theo mô hình nêu trên, người dân cần phản ánh đến các cơ quan chức năng để có biện pháp quản lý, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm.
Như Dân trí đã thông tin, liên quan đến vụ việc xảy ra tại Công ty GFDI, ngày 18/11/2024, ông Nguyễn Quang Hoàng, Tổng giám đốc công ty, đã bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an cáo buộc ông Hoàng đã chiếm đoạt hơn 3.700 tỷ đồng từ 7.541 khách hàng với sự hỗ trợ của các cấp dưới.