Ông Đinh La Thăng nhiều lần khóc khi tự bào chữa
(Dân trí) - Đứng trên bục tự bào chữa, ông Đinh La Thăng nhiều lần khóc vì sự quan tâm của những người thân và hoàn cảnh gia đình mình. Cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) nhận trách nhiệm cho các bị cáo khác cấp dưới, từ bị cáo Phùng Đình Thực - nguyên Tổng Giám đốc PVN - trở xuống.
“Bị cáo chỉ chưa hoàn thành trách nhiệm”
Chiều 13/1, sau khi các luật sư kết thúc phần bào chữa, các bị cáo được lên tự bào chữa. Mở đầu phần tự bào chữa của các bị cáo là ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) PVN. Trong suốt phần tự bào chữa của mình, ông Thăng nhiều lần khóc vì sự quan tâm của những người thân và hoàn cảnh gia đình mình.
Ông Thăng trình bày, bản thân ông đã nghe rất kỹ bản luận tội của Viện kiểm sát (VKS) và hoàn toàn tôn trọng bản luận tội này. Cựu Chủ tịch HĐTV PVN cho biết, suốt quá trình điều tra cũng như tại tòa, ông đã khai báo thành khẩn và nhận trách nhiệm là người đứng đầu ở PVN nhưng chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình.
Bị cáo Thăng cho rằng mình đã thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến không phát hiện kịp thời những vi phạm, khuyết điểm của cấp dưới, dẫn đến các đơn vị, cá nhân có vi phạm pháp luật hình sự.
Ông Thăng nhận trách nhiệm đúng chức năng nhiệm vụ của mình, đồng thời bị cáo nhận trách nhiệm cho các bị cáo khác cấp dưới từ anh Thực (Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc PVN) trở xuống. Theo ông Thăng, các bị cáo không có động cơ cá nhân, không vụ lợi, vì trách nhiệm của mình, vì chỉ đạo quyết liệt, có lúc nôn nóng mà dẫn đến vi phạm.
“Bị cáo xin nhận trách nhiệm toàn bộ, nếu được xin HĐXX xem xét.” - ông Thăng nói.
Ông Đinh La Thăng đề nghị HĐXX, VKS xem lại giám định, nếu không có sử dụng sai mục đích của số tiền thì không có gì cả.
“Cái này luật sư hỏi đi hỏi lại nhưng không được trả lời. Bản thân bị cáo chỉ chịu tội chưa hoàn thành trách nhiệm của mình.” - ông Thăng nói.
Cựu Chủ tịch HĐTV PVN trình bày: “Đề nghị xem xét cho các bị cáo khác như anh Quý ở PVC (bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch HĐTV PVN). Năm 2009, anh Quý xin thôi, ra khỏi HĐTV vì trình độ có hạn nhưng bị cáo cũng như HĐTV giữ lại. Bị cáo rất thương anh Quý, người hiền lành chất phác mà giờ bị 8-9 năm tù thì đã không nhìn nhận công lao của anh ấy.
Hay như anh Lê Đình Mậu (nguyên Phó ban Tài chính kế toán PVN), người trẻ tuổi, chỉ vì anh Quỳnh ủy quyền kế toán trưởng 2 ngày mà vướng vòng lao lý thì đau xót quá.
Hoặc như anh Thực bị quy kết là quanh co, đổ lỗi. Bị cáo làm việc với anh Thực có thể khẳng định anh Thực không bao giờ đổ lỗi cho cấp dưới. Anh Thực rất tâm huyết với sự phát triển của tập đoàn, là người khó tìm. Vấn đề không phải chỉ tìm người có tài, phải vừa có tài vừa tâm huyết.
“Bị cáo không đổ lỗi cho cấp dưới”
Về việc ký hợp đồng EPC thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng trình bày: “HĐTV PVN đã ủy quyền cho PVPower (chủ đầu tư ban đầu) như nhiều luật sư, bị cáo đã nêu nên bản thân bị cáo cũng như anh Thực, anh Khánh không chỉ đạo ký hợp đồng EPC số 33. Xin khẳng định là bị cáo không có ý đồ đổ lỗi cho cấp dưới. Tuy nhiên, bị cáo xin nói vì đây không thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, của HĐTV…
Vì vậy, các Nghị quyết của HĐTV, các kết luận của bị cáo không có một từ nào nói đến hợp đồng 33. Bản thân HĐQT PVPower phải chịu trách nhiệm. Hợp đồng này theo dân sự là tự nguyện giữa PVPower và PVC nên cái này không phải trách nhiệm của anh Thực, anh Khánh. Bị cáo đề nghị VKS xem xét.”.
Trình bày kỹ về Dự án NMNĐ Thái Bình 2, ông Thăng cho biết, dự án được triển khai từ 10 năm trước, trong quy hoạch tổng thể và phát triển PVN từ 2006 đến 2015 tầm nhìn đến 2025; dự án được đặt trong chủ trương của Đảng, Chính phủ về phát triển PVN thành tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành.
“PVN được chỉ đạo đẩy mạnh doanh thu khai thác vì Việt Nam có dầu mỏ nhưng sản lượng không nhiều vì vậy cần tăng sản lượng. Bị cáo được nhận trách nhiệm Chủ tịch HĐTV năm 2006 đến đầu 2011 chuyển công tác. Bị cáo nhậm chức trong bối cảnh PVN mất cân đối nghiêm trọng, các dự án chậm tiến độ, rất trì trệ. Bị cáo cùng HĐTV và tập thể đã đoàn kết xây dựng PVN thành tập đoàn mạnh, là đầu tầu kinh tế của đất nước.
Trong bối cảnh PVN cùng nhiều đơn vị khác thực hiện thí điểm mô hình kinh tế khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, phải vừa làm vừa hoàn thiện. Vì vậy, sự năng động dám nghĩ dám làm của PVN với vi phạm là mong manh, rủi ro pháp lý cực kỳ lớn…
Từ phát huy nguồn lực, các hoạt động dịch vụ trước đây phải thuê nước ngoài như dầu khí trên biển thì lần đầu tiên Việt Nam đóng được dàn khoan 120m là việc rất khó, đưa Việt Nam vào danh sách số ít các nước đóng được dàn khoan trên biển. Mỗi năm, PVN tiết kiệm 2-3 tỷ USD vì lẽ ra phải thuê nước ngoài giờ tự làm và xuất khẩu khoảng 500 triệu USD mỗi năm dịch vụ dầu khí ra nước ngoài.” - cựu Chủ tịch PVN nói.
Theo ông Thăng, PVN đã đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, ông Thăng cho biết mình đã đề ra chủ trương thu khí đốt trong việc khai thác dầu mà trước kia chỉ đốt đi.
“Dự án Nhân Trạch 2, bị cáo xin chỉ định thầu với Chính phủ, nếu không giảm được 100 triệu USD thì xin từ chức. Thực tế đã chỉ định thầu cho Lilama và PVC làm được, giảm được hơn 130 triệu USD.” - ông Thăng dẫn chứng và cho rằng: “Có một vài sai phạm quyết liệt tại một, hai dự án trong số hàng trăm dự án tập đoàn triển khai, rất mong HĐXX xem xét đánh giá.”.
“Đề nghị tòa và VKS có đường lối xử lý công tâm khách quan, phù hợp thực tiễn, bối cảnh của dự án cách đây 10 năm. Đề nghị HĐXX xem xét với tinh thần thấu tình đạt lý cho các cán bộ của PVN không vì động cơ cá nhân, tư lợi mà chỉ mong PVN phát triển nhanh theo đúng chỉ đạo, chiến lược.” - ông Thăng chốt lại.
Tiến Nguyên