Viện Kiểm sát: Đủ cơ sở buộc tội dù ông Đinh La Thăng không thừa nhận

(Dân trí) - Trong bản luận tội của mình, đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, căn cứ vào tài liệu thu thập được và lời khai của các bị cáo có thể khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo Đinh La Thăng, dù ông Thăng không thừa nhận những sai phạm, cho rằng trách nhiệm thuộc cấp dưới...

Ông Thăng chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu

Chiều 11/1, mở đầu phần tranh luận, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đọc bản luận tội. Theo đó, vụ án xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận quan tâm. Các bị cáo chủ yếu là người những giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia trong đó có Dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2.

Ông Đào Thịnh Cường, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đọc bản luận tội các bị cáo. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Ông Đào Thịnh Cường, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đọc bản luận tội các bị cáo. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Quá trình thực hiện dự án, lợi dụng cơ chế đặc thù và nhiều ưu đãi khác của Nhà nước với PVN, vì các động cơ khác nhau, trên đó là lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, các bị cáo, trong đó đứng đầu là bị cáo Đinh La Thăng, đã thực hiện hàng loạt các hành vi sai phạm, làm trái các quy định của Nhà nước về lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng để tạo nguồn vốn tạm ứng gây thiệt hại cho PVN số tiền đặc biệt lớn.

Theo đại diện VKS, bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng trái quy định, nhằm mục đích để Trịnh Xuân Thanh rút tiền tạm ứng chi tiêu sai mục đích. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, PVC đã rút tiền của PVN tạm ứng, chi sai mục đích 1.115 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 119 tỷ đồng.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cùng bị cáo Vũ Đức Thuận ký Hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng hơn 6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng. Bị cáo Thanh quyết định sử dụng 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này vào mục đích khác mà không đưa vào Dự án NMNĐ Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 119 tỷ đồng.

Trịnh Xuân Thanh còn đề ra chủ trương, cùng Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều khai nhận như trên. Riêng bị cáo Đinh La Thăng không thừa nhận cáo buộc, cho rằng trách nhiệm là thuộc cấp dưới, chỉ thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên công việc... Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu thu thập được, biên bản họp và lời khai của bị cáo, có thể khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo Đinh La Thăng.

Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, theo đại diện VKS, căn cứ vào các tài liệu đã thu thập được, căn cứ vào lời khai của các bị cáo, lời khai của nhân chứng, người liên quan và các bằng chứng khác có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở kết luận: Dù bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận hành vi, nhưng dựa vào lời khai của các bị cáo khác, lời khai của nhân chứng, các tài liệu chứng cứ khác, có đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của Trịnh Xuân Thanh.

Việc VKSND Tối cao truy tố các bị cáo tội “Cố ý làm trái...” và “Tham ô tài sản” là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. VKS áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), căn cứ nghị quyết 41 ngày 20/6/2017 về việc áp dụng BLHS 2015 theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, hành vi tham ô tài sản của các bị cáo trong vụ án được áp dụng theo Điểm a, Khoản 4, Điều 333 BLHS 2015 có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2018.

Trịnh Xuân Thanh là điển hình tha hóa, biến chất

Đối với hành vi tham ô tài sản, theo bản luận tội của VKS, các bị cáo mà đứng đầu là Trịnh Xuân Thanh - người đại diện phần vốn góp của PVN tại PVC, đã câu kết với nhau và câu kết với các doanh nghiệp bên ngoài, lập hồ sơ, quyết toán khống để chiếm đoạt số tiền rất lớn. Hậu quả của vụ án là rất nghiêm trọng, số tiền thiệt hại 119 tỷ và 13 tỷ đồng tham ô chưa nói hết tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án.

Các bị cáo nghe đại diện VKS luận tội chiều 11/1. (Ảnh: TTXVN)
Các bị cáo nghe đại diện VKS luận tội chiều 11/1. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài các thiệt hại ban đầu đã được xác định, việc làm sai trái của bị cáo đã tăng kế hoạch gấp đôi thời gian, đội vốn lên hàng trăm triệu USD, hụt vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng… gây thất thoát vốn lớn của Nhà nước. Đây là những sai phạm điển hình của PVN trong những năm vừa qua, thời điểm mà bị cáo Đinh La Thăng giữ trọng trách cao của tập đoàn.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư, góp vốn tràn lan, dàn trải, thiếu kiểm soát, mang tính lợi ích nhóm, đã dẫn tới việc thất thoát vốn của Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng ở nhiều sự án khác, đó chính là tiền đề cho tham nhũng, lãng phí, thất thoát xảy ra tại tập đoàn PVN.

Không chỉ bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm trong vụ án này mà còn kéo theo hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn và các đơn vị thành viên của PVN, trong đó nhiều người có chức sắc, nhiều người từng là các nhà khoa học trong ngành dầu khí, nhiều người từ đây đã tha hóa, biến chất như Trịnh Xuân Thanh là điển hình.

Hành vi phạm tội của các bị cáo nêu trên là biểu hiện một phần tệ tham nhũng lãng phí, quan liêu, cục bộ, lợi ích nhóm. Việc này không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động xấu tới chính trị, xã hội, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Vì vậy việc đưa vụ án này ra xét xử thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thể hiện thượng tôn pháp luật, tỏ rõ thái độ không khoan nhượng, không có vùng cấm với bất kỳ ai, dù họ ở cương vị nào, khi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi liên quan đến tội phạm tham nhũng đều phải xử lý, tài sản phải được thu hồi, công lý phải được thực thi, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Tiến Nguyên