1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Trường hợp nào được đơn phương ly hôn?

Hải Nam

(Dân trí) - Luật sư tư vấn những trường hợp được và không được ly hôn đơn phương.

Gửi câu hỏi đến Dân trí, chị V. (35 tuổi, ở Hà Nội) cho biết chị và chồng đã kết hôn được khoảng 10 năm, hiện chị mang thai đứa con thứ hai. Tuy nhiên, thời gian gần đây chồng chị có nhân tình, muốn ruồng rẫy vợ con, hôn nhân không còn hạnh phúc. Chồng chị V. muốn ly hôn nhưng vì muốn giữ cha cho các con nên chị V. nhất quyết không đồng ý. Chị thắc mắc theo quy định của pháp luật, chồng chị có được đơn phương ly hôn hay không?

Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, pháp luật cho phép người vợ/chồng có quyền nộp đơn xin ly hôn đơn phương.

Cụ thể Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: "Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn". Tuy nhiên trong một số trường hợp thì quyền ly hôn đơn phương sẽ bị hạn chế nhằm bảo vệ quyền lợi cho người vợ với vị trí là người phụ nữ.

Trường hợp nào được đơn phương ly hôn? - 1

Luật sư Hoàng Trọng Giáp.

Theo đó, khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nêu: "Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi."

Ngoài ra, Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng quy định vợ/chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương nhưng phải đáp ứng những điều kiện nhất định như sau:

"Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia".

Như vậy, muốn ly hôn đơn phương, một bên vợ hoặc chồng phải không thuộc một trong các trường hợp không được đơn phương ly hôn theo khoản 3 Điều 51 và Điều 56 Luật hôn nhân và Gia đình năm 2014, bao gồm:

"Không có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng.

Có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng nhưng không làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Vợ hoặc chồng mất tích nhưng chưa có Tuyên bố mất tích của Tòa án. Vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Trường hợp khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình".

Về thủ tục, luật sư Giáp tư vấn việc ly hôn đơn phương, đương sự cần phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm đơn khởi kiện vụ án ly hôn kèm theo các giấy tờ như giấy tờ chứng thực cá nhân, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh các con nếu có.

Thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương được thực hiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Bản án ly hôn được tuyên có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.