Vụ bé trai bị bạo hành đến tử vong: Hình phạt nào cho người mẹ?

Hải Nam

(Dân trí) - Theo luật sư, pháp luật quy định cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái nhưng nghiêm cấm hành vi giáo dục bằng phương pháp sử dụng bạo lực.

Công an huyện Quốc Oai, Hà Nội, đang tạm giữ hình sự Nguyễn Thanh Thi (37 tuổi, ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) để điều tra về hành vi "giết người". 

Theo VKSND huyện Quốc Oai, sau khi ly hôn chồng, Thi "đấu tranh" để giành quyền nuôi con trai út là cháu N.M.K. (SN 2016). Từ tháng 8/2022, bé trai được mẹ đón về nuôi và ở cùng dượng tại huyện Quốc Oai.

Trong thời gian này, bé trai nhiều lần bị mẹ ruột bạo hành. VKSND huyện Quốc Oai xác định Thi đã dùng gậy tre dài khoảng 1,4m; móc phơi quần áo, ống nhựa dẫn nước; ghế nhựa đánh vào người, chân tay và mông cháu K. Đến tháng 12, K. bị mẹ dùng muôi múc canh bằng kim loại đánh vào đỉnh đầu dẫn đến tử vong.

Vụ bé trai bị bạo hành đến tử vong: Hình phạt nào cho người mẹ? - 1

Đối tượng Nguyễn Thị Thi. (Ảnh: VKSND huyện Quốc Oai).

Theo dõi vụ việc, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, đưa ra quan điểm, mọi hành vi đánh đập, hành hạ, xúc phạm trẻ em vì bất kỳ lý do gì, do bất kỳ ai thực hiện, đều là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền trẻ em.

Người thực hiện hành vi sẽ phải chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật trong đó có chế tài hình sự.

"Pháp luật quy định cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái nhưng nghiêm cấm hành vi giáo dục bằng phương pháp sử dụng bạo lực. Bởi vậy mọi hành vi đánh đập, chửi bới, xúc phạm con cái vì bất kỳ lý do gì cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền trẻ em thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Cường nói.

Trong vụ việc trên, Ủy viên BCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phân tích, về nguyên tắc, mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần, nếu nhiều hành vi vi phạm pháp luật đều thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của nhiều tội danh thì sẽ xử lý về nhiều tội danh.

Cụ thể, với những hành vi đánh đập, hành hạ cháu bé bằng gậy, ống nước, ghế... trước đó của Thi, nếu thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội "Ngược đãi hoặc hành hạ con" theo Điều 185 Bộ luật hình sự, thì sẽ bị xử lý hình sự về tội danh này.

Còn riêng hành vi dùng hung khí đập vào đầu cháu bé khiến nạn nhân tử vong, mẹ bé trai sẽ bị xử lý về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.

"Cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng hành vi, từng hung khí mà người mẹ đã sử dụng để bạo hành bé trai, để đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi cũng như khả năng sát thương của các vật dụng, từ đó có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh tương đương", ông Cường cho biết.

Đối với tội giết người, ông Cường phân tích căn cứ để cơ quan chức năng buộc tội đối với Thi sẽ nằm ở các yếu tố: Đặc điểm của hung khí gây án; tính sát thương của hung khí; sức lực mà đối tượng đã sử dụng để thực hiện hành vi; đặc biệt là nhận thức của đối tượng này về hậu quả có thể xảy ra...

"Hành vi giết người trong vụ việc trên là lỗi cố ý gián tiếp. Đối tượng nhận thức được hành vi mình của mình có thể nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân, không mong muốn nạn nhân tử vong nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người", ông Cường phân tích.

Trích dẫn Điều 123 Bộ luật hình sự, ông Cường cho rằng người mẹ sẽ phải đối diện với nhiều tình tiết định khung tăng nặng như: Giết người dưới 16 tuổi, hành vi có tính chất côn đồ, giết người mà người phạm tội có nghĩa vụ chăm sóc... Khung hình phạt dành cho người bị kết tội sẽ là phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.