Trung tướng công an kể hành trình triệt phá xưởng sản xuất 1,4 tấn ma túy
(Dân trí) - Theo Trung tướng Nguyễn Văn Viện, khi quyết định triệt phá ban chuyên án phải đưa ra nhiều tình huống, đặc biệt là trường hợp các đối tượng phản kháng, tấn công lại lực lượng chức năng.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) - Bộ Công an vừa phối hợp với Công an tỉnh Khánh Hòa, Chi cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa, Cục Hải quan (Bộ Tài chính), VKSND Tối cao, triệt phá đường dây sản xuất ma túy lớn, bắt giữ 11 đối tượng.
Chia sẻ về chuyên án, Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục C04, cho biết từ thời điểm bắt đầu xác lập chuyên án, tiến hành điều tra đến thời điểm quyết định để triệt phá là khoảng 8 tháng.
Lãnh đạo Cục C04 chia sẻ, trước thời điểm phá án khoảng một tuần, Ban chuyên án xác định các đối tượng đã sản xuất 1,8 tấn tiền chất ma túy, đóng vào 27 thùng xốp rồi gửi vào các kho đông lạnh ở xa nhà xưởng. Khi chủ nhà kho đông lạnh không tiếp nhận, các đối tượng lại đưa về và đốt vỏ thùng.
Các trinh sát khi đó đã phát hiện các đối tượng trong đường dây mua nhiều bình gas, xoong to, bông gòn, khẩu trang... để sản xuất chất ma túy tinh khiết.

Đối tượng cầm đầu - Trương Xuân Minh (Ảnh: Cục C04).
Trung tướng Viện đánh giá đối tượng cầm đầu rất xảo quyệt. Sau một khâu sản xuất, đối tượng sa thải toàn bộ người làm thuê trước đó rồi tuyển một nhóm khác. Những người làm thuê này không biết bản thân họ đang sản xuất cái gì.
Về thời khắc quyết định triệt phá, Cục trưởng Nguyễn Văn Viện cho biết ban chuyên án phải đưa ra nhiều tình huống, đặc biệt là trường hợp các đối tượng phản kháng, tấn công lại lực lượng chức năng.
Cùng phối hợp với Cục C04, Công an tỉnh Khánh Hòa phải sử dụng lực lượng cơ động mạnh, chuẩn bị các loại quần áo chuyên dụng như chống độc, chống ngạt; xe chữa cháy, chó nghiệp vụ...
"Thời điểm mấu chốt quyết định đột kích là khi xác định các đối tượng đã sản xuất ra ma túy, nếu hoàn thành các đối tượng sẽ tạm dừng hoạt động và xuất cảnh về nước, do vậy ban chuyên án quyết định phải vây bắt ngay", Trung tướng Nguyễn Văn Viện nhấn mạnh.
Đúng 0h ngày 22/3, gần 200 cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng đồng loạt tấn công 3 địa điểm của đường dây, bắt giữ thành công 11 đối tượng và giữ an toàn tuyệt đối cho ban chuyên án.
Lãnh đạo Cục C04 cho biết toàn bộ kế hoạch đánh án được giữ bí mật tuyệt đối, do đó các đối tượng không kịp trở tay để chống trả hay bỏ trốn.

Thời điểm trước khi ban chuyên án quyết định triệt phá đường dây (Ảnh: Cục C04)
"Có thể đánh giá đây là công xưởng sản xuất ma túy tổng hợp với quy mô đặc biệt lớn, dây chuyền trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, lớn nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này bị triệt phá.
Đặc biệt, thành phẩm chất ma túy có hàm lượng tinh khiết nhất do các đối tượng có tay nghề cao sản xuất ra, nhưng chưa có bất kỳ chất ma túy nào từ công xưởng này được đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường Việt Nam hoặc vận chuyển đi mua bán", Trung tướng Nguyễn Văn Viện đánh giá.
Trước đó, hồi tháng 8/2024, Cục Phòng, chống ma túy, Bộ Công an Trung Quốc cung cấp thông tin về hai đối tượng từng có lịch sử liên quan sản xuất trái phép chất ma túy xuất cảnh sang Việt Nam.
Sau một tháng thu thập thông tin, C04 quyết định xác lập chuyên án 199D, quyết tâm triệt xóa đường dây, bắt giữ toàn bộ các đối tượng.
6 tháng sau khi xác lập chuyên án và giám sát mọi di biến động các đối tượng, cảnh sát xác định cầm đầu đường dây này là Trương Xuân Minh (51 tuổi, người Đài Loan - Trung Quốc). Minh sang Việt Nam từ năm 2021, tạo vỏ bọc đầu tư, kinh doanh, nuôi cá cảnh. Người giúp sức đắc lực cho Minh là Nguyễn Đình Đông (31 tuổi, ở Bắc Giang).

Toàn cảnh xưởng sản xuất chính của các đối tượng (Ảnh: Cục C04).
Tháng 11/2024, Trương Xuân Minh nhờ người thuê mảnh đất rộng 1.000m2 tại khu nghĩa trang phía Bắc xã Vĩnh Lương (Nha Trang) làm cơ sở, cử người canh gác, lắp đặt camera giám sát, đồng thời nuôi chó để phát hiện người lạ xâm nhập.
Để tập kết nguyên vật liệu, hóa chất và các thiết bị liên quan, Minh thuê thêm mảnh đất rộng 300m2 cách cơ sở 3km. Sau đó, "ông trùm" này thuê 2 đối tượng người Trung Quốc và 4 đối tượng người Việt Nam thi công, dựng cơ sở, lắp hệ thống điện 3 pha, mua máy phát điện, đồng thời cho lắp đặt các dây chuyền sản xuất ma túy.
Cuối tháng 1, khi nhà xưởng xây lắp xong, các đối tượng chuyển nguyên vật liệu, hóa chất và bắt tay vào sản xuất ra khoảng 1,8 tấn bột màu vàng, đóng vào 27 thùng xốp, sau đó gửi vào kho đông lạnh ở Nha Trang.
Tiếp đó, Minh tuyển 4 người khác, đồng thời thuê 2 đối tượng người Đài Loan có trình độ về sản xuất ma túy để tiếp tục thực hiện giai đoạn hai.

Số ketamine cảnh sát thu giữ (Ảnh: Cục C04).
Số thành phẩm ở giai đoạn 1 được đưa về xưởng, bổ sung dung môi, gia nhiệt... để cho ra chất bột trắng. Tiếp đó, các đối tượng đưa số bột này sang kho xưởng số 47 Cát Lợi (thành phố Nha Trang) thực hiện giai đoạn cuối để cho ra ketamine tinh khiết.
Đến nay, cơ quan điều tra đã thu giữ tổng 1,4 tấn ketamine với độ tinh khiết rất cao, cùng gần 80 tấn hóa chất, bắt giữ 11 đối tượng, trong đó 4 đối tượng người Trung Quốc, 3 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), 4 đối tượng người Việt Nam.