1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Trùm mafia mang biệt danh "Tử thần" và 30 năm làm nội gián cho FBI

Linh Phong

(Dân trí) - Ông trùm mafia mang biệt danh "Thần chết" được cho là đã đoạt mạng ít nhất 100 người, nhưng trong nhiều năm cũng hỗ trợ chính phủ Mỹ bắt nhiều thủ lĩnh mafia khác.

Chào đời năm 1928 tại thành phố New York, Gregory Scarpa thuộc thế hệ nhập cư thứ hai ở Mỹ. Cha, mẹ y vốn là người gốc Italy. Scarpa lớn lên trong khu phố Bensonhurst của tầng lớp lao động ở Brooklyn, thành phố New York.

Khi còn nhỏ, Gregory Scarpa giúp cha giao than khắp thành phố New York, nhưng y không muốn sống cuộc đời cơ cực như cha. Trên phố, Scarpa thấy nhiều người đàn ông sở hữu ô tô sang trọng, trang phục bảnh bao, chi tiêu mạnh tay nhưng dường như họ không làm bất kỳ công việc gì. Anh trai Salvatore giới thiệu Gregory Scarpa với tổ chức tội phạm Colombo.

Ban đầu, hai anh em nhà Scarpa đảm nhận công việc thu nợ. Hàng ngày, họ gặp con nợ, dọa nạt hoặc đánh đập để con nợ trả tiền. Trong quá trình làm việc, Gregory Scarpa luôn tỏ ra quyết đoán, tàn bạo và hiệu quả nên y nhanh chóng chiếm được lòng tin của các thủ lĩnh và trở thành "đội trưởng".

Với trang phục sang trọng và hợp thời trang, Gregory Scarpa thường xuyên mang theo 5.000 USD (số tiền khá lớn thời đó) để mua sắm và hối lộ. Thân hình cao lớn, sự ranh mãnh và tàn bạo là những lý do khiến mọi người gọi Scarpa là "Thần chết".

Cuộc đời hai mặt

Các hoạt động chính của Scarpa bao gồm đánh bạc bất hợp pháp, cho vay nặng lãi, tống tiền, chiếm đoạt tài sản, làm giả thẻ tín dụng, hành hung người, trộm cổ phiếu và trái phiếu, bán ma túy và giết người. Nhiều thành viên cấp cao nhất của băng đảng Colombo ngày nay là thành viên của nhóm Scarpa. Nhiều nguồn tin từ thế giới ngầm và lực lượng hành pháp khẳng định Scarpa đã giết ít nhất 100 người. Bản thân y sở hữu một hộp đêm.

Vào tháng 3/1962, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt Gregory Scarpa vì tội cướp có vũ trang. Để tránh bị truy tố, Scarpa đồng ý làm nội gián cung cấp thông tin bí mật cho FBI, bắt đầu mối quan hệ kéo dài 30 năm với FBI.

Trùm mafia mang biệt danh Tử thần và 30 năm làm nội gián cho FBI - 1

Gregory Scarpa (giữa) đã hợp tác với chính phủ Mỹ trong vài thập kỷ để tránh án tù. (Ảnh: New York Daily News)

Hè năm 1964, theo nhiều nguồn tin, các đặc vụ FBI ở bang Mississippi nhờ Scarpa giúp họ tìm 3 nhà hoạt động nhân quyền mất tích. FBI tin 3 người đàn ông bị sát hại nhưng không thể tìm thấy xác của họ. Các đặc vụ nghĩ một trùm mafia như Scarpa có thể thành công trong việc thu thập thông tin liên quan tới 3 người mất tích.

Khi Scarpa đến bang Mississippi, hắn cùng một đặc vụ đã dùng súng bắt cóc một phần tử mafia địa phương, tra tấn để hắn khai vị trí của 3 người mất tích.

Vào tháng 1/1966, các nguồn tin nói Scarpa giúp FBI lần thứ 2 tại bang Mississippi để tìm một kẻ giết người bằng một vụ hỏa hoạn do mafia địa phương gây ra.

Sau chuyến đi thứ 2 này, Gregory Scarpa và FBI bất đồng gay gắt về phần thưởng. Vì bất đồng ấy, FBI không còn coi Gregory Scarpa là "cộng sự".

Năm 1980, đặc vụ Lindley DeVecchio của FBI thuyết phục thành công để Gregory Scarpa tái hợp tác với FBI. Các công tố viên liên bang cáo buộc Scarpa cung cấp cho DeVecchio tiền mặt, đồ trang sức và các món quà khác cùng với thông tin có giá trị về băng đảng Colombo. Đổi lại, các công tố viên cho rằng DeVecchio đã bảo vệ Scarpa khỏi những vụ bắt bớ và cung cấp thông tin về các đối thủ trong nội chiến băng đảng Colombo lần thứ 3.

FBI đã trả cho Gregory Scarpa tổng cộng 158.000 USD. Trong 10 năm, Lindley DeVecchio thường gặp Gregory tại căn hộ hoặc phòng khách sạn do FBI cung cấp. Lindley cũng thường xuyên ăn tối tại nhà Gregory.

Một số đặc vụ FBI không thích mối quan hệ giữa Lindley và Gregory Scarpa nên báo cáo việc đó với cấp trên.

Án tù cuối đời

Năm 1985, các công tố viên liên bang truy tố Gregory Scarpa về tội lừa đảo thẻ tín dụng. Sau khi Scarpa nhận tội, các công tố viên yêu cầu tòa án phạt tù bị cáo. Tuy nhiên, Lindley đã trình bản ghi nhớ cho thẩm phán với nội dung liên quan tới những đóng góp của Gregory Scarpa cho FBI. Cuối cùng, thẩm phán phạt Gregory Scarpa 5 năm quản chế (không phải vào tù) và phạt 10.000 USD.

Các thành viên tổ chức Colombo bất ngờ trước mức án nhẹ của Scarpa, đến nỗi một số đồng bọn bắt đầu nghi Scarpa làm việc cho chính phủ.

Cũng trong năm 1985, thông tin mà Scarpa cung cấp đã giúp FBI tống 4 siêu trùm đứng đầu các tập đoàn tội phạm ở thành phố New York vào tù.

Vài cựu thành viên của băng đảng Colombo kể rằng Scarpa đã vận dụng triệt để quy tắc hành xử của mafia để che giấu thân phận nội gián của y. Khi một tên đàn em trong băng đảng thể hiện sự nghi ngờ Scarpa là nội gián của FBI, y đã gọi gã kia vào phòng riêng và hỏi gã có bằng chứng không. Khi tên đàn em nói "Không", ngay lập tức Scarpa rút súng và bắn gã. Trong thế giới mafia, cáo buộc một người làm nội gián mà không có bằng chứng đồng nghĩa với tội chết.

Dù Gregory Scarpa từng hợp tác với FBI, từ thập niên 80, các công tố viên liên bang luôn nỗ lực truy tố y vì "Thần chết" tiếp tục giết người.

Năm 1993, y nhận án tù chung thân sau khi tòa án liên bang kết luận y phạm tội giết 3 người và âm mưu giết nhiều người khác.

Sau đó, do sức khỏe kém vì mắc bệnh AIDS, y được giảm án xuống 10 năm tù.

Scarpa chết vào ngày 4/6/1994 trong bệnh viện của nhà tù.

Theo Nytimes, Mafiahitters

Dòng sự kiện: Hồ sơ mafia