Nước cờ mạo hiểm của công tố viên khi hợp tác với sát thủ mafia
(Dân trí) - Robert Mueller, người trở thành giám đốc FBI sau này, chấp nhận mạo hiểm khi hợp tác với sát thủ mafia để tống "bố già" cuối cùng ở Mỹ vào tù.
Năm 1991, Robert Mueller nhận nhiệm vụ điều tra John Gotti, thủ lĩnh huyền thoại của tập đoàn tội phạm Gambino và cũng là "bố già cuối cùng" của mafia hiện đại ở Mỹ. Hồi đó Robert Mueller là trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ trong lĩnh vực chống tội phạm.
Canh bạc mạo hiểm
Trước khi đụng độ Mueller, ông trùm John Gotti đã thoát án tù 3 lần khi ra tòa, khiến giới truyền thông gọi y là "bố già bất khả xâm phạm". Năm 1991, FBI bắt John Gotti cùng 2 "phó tướng" của y là Sammy Gravano và Frankie Locasio với cáo buộc họ liên quan tới ít nhất 5 vụ giết người.
FBI đã nỗ lực vận động Sammy Gravano, sát thủ mang biệt danh "bò mộng", hợp tác với chính phủ để vạch tội Gotti. Ban đầu Gravano không đồng ý, nhưng khi FBI công bố nội dung một cuộc trò chuyện của Gotti mà họ đã nghe lén, Gravano tức giận khi biết "bố già" muốn đổ hết tội giết người cho gã hòng thoát án tù, đồng thời gọi gã là kẻ tham lam.
Vì thế, "bò mộng" quyết định trở thành nhân chứng trong phiên xử ông trùm để nhận mức án nhẹ hơn.
Khi Gravano ký thỏa thuận với chính phủ, gã đã thừa nhận giết 19 người, bao gồm cả em vợ. Theo Gravano, gã đoạt mạng 4 người trong số đó theo lệnh của Gotti.
Mueller là người giám sát thỏa thuận giữa FBI với Gravano. Vì lúc ấy Gravano đang ở tù nên các cuộc gặp giữa đặc vụ FBI với "bò mộng" phải cực kỳ bí mật. Nếu một thành viên của băng đảng Gambino biết gã tiếp xúc với FBI, gã có thể mất mạng.
Buồng giam của Gravano nằm giữa buồng giam của "bố già" John Gotti và buồng giam của Frankie Locasio, một thủ lĩnh khác thuộc băng đảng Gambino. Vì thế, các đặc vụ phải tính toán cẩn trọng tối đa để giảm thiểu rủi ro cho "bò mộng".
Sáng ngày 10/10/1991, nhân viên cai ngục và đặc vụ FBI dẫn Gravano ra khỏi xà lim ở tầng 10 của trại giam để kiểm tra giọng nói ở phòng họp của nhà tù. Chính phủ Mỹ muốn phân biệt giọng của "bò mộng" với giọng của những người khác trong những cuộn băng mà FBI nghe lén. Thực tế FBI đã bố trí một cuộc gặp bí mật với Gravano. Mở đầu cuộc gặp, Gravano nói: "Tôi muốn đổi phe".
Vài ngày sau khi hai bên ký thỏa thuận, đặc vụ FBI bí mật đưa Gravano ra khỏi trại giam lúc nửa đêm và bố trí để gã ở trong một khách sạn bình dân.
Lúc này Gravano tiết lộ một thông tin: Trong quá trình John Gotti bị xét xử vào năm 1987 với cáo buộc lừa đảo và âm mưu giết người, một đàn em của "bố già" này đã hối lộ thành viên bồi thẩm đoàn 60.000 USD để được tuyên vô tội.
Hồi đó, nhiều người phản đối chính sách thỏa thuận với tội phạm, cho rằng lực lượng hành pháp đã phải trả cái giá quá cao để thuyết phục những tên tội phạm nguy hiểm - bao gồm cả những kẻ sát nhân hàng loạt như Gravano - hợp tác. Robert Mueller đã đánh cược danh tiếng và sự nghiệp của ông trong vụ trao đổi với "bò mộng". Nhưng ông không phải là người duy nhất chấp nhận mạo hiểm.
John Gleeson, một công tố viên tham gia vụ án, cũng coi đây là canh bạc lớn nhất trong sự nghiệp của ông. Khi John Gleeson gặp Gravano với sự vắng mặt của luật sư, ông biết ông đã phạm luật bảo vệ quyền lợi của bị can. John Gleeson cũng không báo cáo cấp trên khi ông gặp vợ của Gravano để thuyết phục cô vận động chồng đứng về phía chính phủ.
May mắn thay, người vợ của Gravano đã đồng ý thuyết phục gã hợp tác. Cô đã trình bày chi tiết nội dung thỏa thuận của FBI với Gravano trước khi hai bên gặp trực tiếp lần đầu.
Quá trình chuẩn bị trước phiên tòa
Gravano yêu cầu cơ quan công tố và FBI loại bỏ luật sư Ben Brafman, người biện hộ cho cả gã lẫn ông trùm John Gotti, khỏi tiến trình xét xử vì gã lo ngại Ben sẽ tiết lộ bí mật với John Gotti. Nếu John Gotti biết Gravano phản bội, "bò mộng" cũng như người thân của gã có thể mất mạng.
Cuối cùng, bằng việc thương lượng với thẩm phán, công tố viên John Gleeson đã loại được Ben Brafman.
Ngoài ra, John Gleeson còn phải đẩy hai luật sư kỳ cựu biện hộ cho "bố già" ra khỏi "cuộc chiến". Nhờ những lần FBI nghe lén John Gotti, họ phát hiện hai luật sư này chẳng những biết mọi hoạt động phạm pháp của "bố già", mà còn đóng vai trò cố vấn pháp lý cho băng đảng Gambino. Như vậy, họ không có tư cách biện hộ cho ông trùm, mà chỉ có thể ra tòa với tư cách nhân chứng nếu họ đồng ý hợp tác với bên công tố. Thẩm phán đồng ý với lập luận của cơ quan công tố và hai luật sư mất quyền bào chữa.
Trước khi phiên tòa bắt đầu, áp lực phải thắng đè nặng lên vai các công tố viên. Nếu họ thua, thất bại ấy không chỉ phá tan sự nghiệp và danh tiếng của họ, mà còn có thể khiến Gravano và những người thân của gã mất mạng.
May mắn thay, Gravano đã thực hiện xuất sắc vai trò nhân chứng. "Bò mộng" thành khẩn khai mọi tội ác mà gã từng thực hiện. Cuối cùng, bồi thẩm đoàn kết luận John Gotti và Frankie Locasio có tội, và thẩm phán tuyên 2 bị cáo này án chung thân không ân xá.
Ngoài John Gotti và Frankie Locasio, 39 phần tử mafia khác của băng đảng Gambino đã nhận án tù nhờ lời khai của Gravano. Bản thân Gravano nhận bản án tù 5 năm vào năm 1994 vì tội buôn bán ma túy. Tuy nhiên, vì đã ở trong tù 4 năm trong quá trình tạm giam để chờ ra tòa nên y chỉ phải chấp hành án tù một năm rồi tại ngoại vào năm 1995.
Bản án của Gravano quá nhẹ so với tội ác của gã nên nhiều thân nhân của những nạn nhân mà gã giết cảm thấy tức giận.
Trong một cuốn hồi ký, bản thân John Gleeson cũng cảm thay day dứt vì đã đồng ý một mức án nhẹ đối với Gravano. Ông tiết lộ, thực tế trong quá trình thương lượng, ông đã đề ra mức án tối đa 20 năm dành cho Gravano.