Tổng số tiền các bị cáo đã khắc phục trong đại án "chuyến bay giải cứu"
(Dân trí) - 54 bị cáo trong đại án "chuyến bay giải cứu" đến nay đã nộp tiền khắc phục hậu quả gần 135 tỷ đồng và 1,85 triệu USD.
Chiều 28/7, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu".
Trong quá trình điều tra và xét xử vụ "chuyến bay giải cứu", tính đến nay các bị cáo cùng gia đình đã nộp tiền khắc phục hậu quả khoảng 135 tỷ đồng và 1,85 triệu USD.
Trong đó, nhóm bị cáo nhận hối lộ đã nộp lại gần 97 tỷ đồng.
Bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) nhận hối lần 253 lần, tổng số tiền 42,6 tỷ đồng.
Hiện cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã khắc phục tổng số tiền khoảng 42 tỷ đồng trong số 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ. Kiên bị Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng đã nộp khắc phục 16 tỷ đồng. Ông Dũng bị Viện kiểm sát đề nghị mức án 12-13 năm tù.
Cựu Phó trưởng phòng tham mưu, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) Vũ Anh Tuấn , bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 27 tỷ đồng, hưởng lợi 22,8 tỷ đồng. Khi vụ án bị khởi tố, ông Tuấn đã trả lại cho một số doanh nghiệp khoảng 3,1 tỷ đồng. Đến nay ông này cùng gia đình nộp cho cơ quan điều tra 20 tỷ đồng.
Ông Tuấn bị Viện kiểm sát đề nghị mức án 19-20 năm tù.
Trong nhóm bị cáo nhận hối lộ, ông Nguyễn Quang Linh (cựu trợ lý Phó Thủ tướng) nộp hơn 4,4 tỷ đồng; Trần Văn Dự (cựu Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh) nộp hơn 3,1 tỷ đồng; Chử Xuân Dũng (cựu Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội) nộp hơn 2 tỷ đồng.
Số tiền mà các bị cáo Linh, Dự, Dũng nộp khắc phục là toàn bộ số tiền mà các bị cáo đã hưởng lợi.
Cùng nhóm tội này cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền 25 tỷ đồng nhưng đến nay mới nộp khắc phục 900 triệu đồng. Bà Hương Lan bị Viện kiểm sát đề nghị 18-19 năm tù.
Đối với nhóm bị cáo nhận hối lộ chưa nộp đủ số tiền khắc phục hậu quả, Viện kiểm sát cho rằng cần tiếp tục truy thu, tiếp tục phong tỏa tài sản đang bị kê biên để đảm bảo thi hành án.
Cụ thể, Viện kiểm sát đề nghị tiếp tục truy hơn 24 tỷ đồng nhận hối lộ của Nguyễn Thị Hương Lan.
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội môi giới hối lộ hơn 61 tỷ đồng đến nay đã nộp khắc phục hậu quả 1,85 triệu USD. Ông Tuấn bị Viện kiểm sát đề nghị mức án 2-3 năm tù.
Khi khám xét nhà ông Tuấn cơ quan điều tra tạm giữ 210.000 USD và 146 lượng vàng.
Sau khi đã khắc phục hậu quả, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội đề nghị được trả lại 210.000 USD, 146 miếng vàng và hủy lệnh phong tỏa tài khoản có 1 tỷ đồng trong ngân hàng cho gia đình bị cáo.
Đối với bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng thuộc Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an bị cáo buộc lừa đảo, chạy án, chiếm đoạt 800.000USD (tương đương 18,8 tỷ đồng).
Song quá trình điều tra và xét xử tại phiên tòa ông Hưng một mực kêu oan, khẳng định không chiếm đoạt số tiền này nên đến nay chưa nộp khắc phục khoản tiền nào.
Đối với nhóm bị cáo thuộc nhóm đưa hối lộ là chủ các doanh nghiệp, HĐXX ghi nhận họ đã nộp tiền khắc phục hậu quả từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn (Phó tổng giám đốc và Tổng giám đốc Công ty Bluesky) đã nộp khắc phục gần 2,7 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, đã nộp khắc phục hậu quả 5 tỷ đồng. Ông Thái bị đề nghị mức án 5-6 năm tù.
Viện kiểm sát xác định từ tháng cuối năm 2020, Chính phủ tổ chức các chuyến bay combo (công dân tự nguyện trả phí toàn bộ).
Lợi dụng chủ trương trên, một số cá nhân thuộc các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp... đã thực hiện hành vi phạm tội.
Tổng số tiền đưa nhận hối lộ trong vụ án "chuyến bay giải cứu" được xác định 165 tỷ đồng. Đến nay 54 bị cáo là lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ ở nhiều ngành bị đưa ra xét xử.