Bị đề nghị án tử, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nộp khắc phục 42 tỷ đồng
(Dân trí) - Gia đình cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên mới nộp thêm 7 tỷ đồng để khắc phục tổng số tiền khoảng 42 tỷ đồng trong số 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ trong vụ án "chuyến bay giải cứu".
Chiều 24/7, trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Hà Mạnh Huy (Đoàn luật sư TP Hà Nội), 1 trong 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), cho biết gia đình bị cáo Kiên vừa nộp thêm 7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án "chuyến bay giải cứu".
Hiện cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã khắc phục tổng số tiền khoảng 42 tỷ đồng trong số 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ.
Trước đó, sau khi vụ án nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) bị khởi tố Phạm Trung Kiên đã chủ động trả lại các doanh nghiệp khoảng 12 tỷ đồng.
Ngoài ra, gia đình bị cáo nộp thêm 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Thời điểm diễn ra phiên xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" sau khi Viện kiểm sát luận tội, đề nghị HĐXX tuyên Phạm Trung Kiên mức án tử hình, gia đình bị cáo đã nộp thêm 8 tỷ đồng nữa là 35 tỷ đồng trong số 42,6 tỷ đồng.
Trong bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát cáo buộc Phạm Trung Kiên là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án với 253 lần, tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng với thủ đoạn trắng trợn.
Đại diện Viện Kiểm sát đánh giá hành vi phạm tội của Phạm Trung Kiên trong thời điểm dịch Covid-19 đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trên các chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo, làm mất niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín cơ quan nhà nước.
Viện kiểm sát xác định từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện "chuyến bay giải cứu" chỉ thu phí vé máy bay.
Cuối năm 2020, Chính phủ tổ chức các chuyến bay combo (công dân tự nguyện trả phí toàn bộ) và giao Tổ công tác của 5 Bộ là Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an cùng phối họp tổ chức các chuyến bay.
Quy trình cấp phép các chuyến bay combo doanh nghiệp có nhu cầu xin được chủ trương cách ly tại địa phương và gửi hồ sơ đến Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự).
Lợi dụng chủ trương trên, một số cá nhân thuộc các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp... đã thực hiện hành vi phạm tội.
Tổng số tiền đưa nhận hối lộ trong vụ án "chuyến bay giải cứu" được xác định 165 tỷ đồng. Đến nay 53 bị cáo là lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ ở nhiều ngành bị đưa ra xét xử.
Được nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Phạm Trung Kiên khẳng định bản thân đã rất ăn năn hối cải về hành vi phạm tội.
"Bị đề nghị tử hình là bản án rất nghiệt ngã với bản thân bị cáo cũng như gia đình. Bị cáo không nghĩ là mình vi phạm đến mức phải loại trừ khỏi cuộc sống, rời khỏi thế giới này ở độ tuổi ngoài 40 tuổi", Kiên bật khóc khi nói lời sau cùng.