1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Tòa ban hành 2 bản án có cùng số, cùng ngày nhưng nội dung khác nhau

Thúy Diễm

(Dân trí) - TAND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã ban hành 2 bản án của một vụ án trong cùng một ngày, nhưng có nội dung khác nhau dẫn tới việc nguyên đơn phải kiến nghị tòa cấp cao vào cuộc.

Một vụ án có 2 bản án cùng số, cùng ngày nhưng khác nội dung

Ông Lê Công Vỹ (49 tuổi, trú xã Ea Phê, huyện Krông Pắk) vừa có đơn đề nghị gửi Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với 2 bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Krông Pắk ban hành có cùng số văn bản, xét xử cùng ngày cùng 1 vụ án nhưng nội dung có một số điểm khác nhau.

Theo hồ sơ, ngày 30/9/2022 và 1/11/2022, TAND huyện Krông Pắk xét xử vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Lê Công Vỹ và bị đơn là bà N.T.N.

Tòa ban hành 2 bản án có cùng số, cùng ngày nhưng nội dung khác nhau - 1

TAND huyện Krông Pắk ban hành 2 bản án có cùng số, của một vụ án (Ảnh: Thúy Diễm).

Qua đó tuyên xử chấp nhận khởi kiện của ông Vỹ, buộc bà N. phải giao trả lại diện tích 58m2 cho ông Vỹ. Đồng thời, tòa tuyên đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông Vỹ.

Bản án số 124 ngày 30/9/2022 và 1/11/2022 của TAND huyện Krông Pắk được ban hành sau đó. Bản án có hiệu lực thi hành pháp luật do cả nguyên đơn lẫn bị đơn không có đơn kháng cáo.

Theo ông Vỹ, sau khi tuyên án khoảng 2 tuần, ông nhận được bản án số 124 qua đường bưu điện.

Sau khoảng 1 năm, vào ngày 27/12/2023, ông đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắk làm thủ tục  liên quan đến việc thi hành án.

Tại đây, ông Vỹ phát hiện bản án số 124 mà TAND huyện Krông Pắk giao cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện có nhiều nội dung khác với bản án cùng số 124 mà ông đang giữ.

"Tôi nhận thấy phần nhận định và phần quyết định của 2 bản án có nhiều điểm khác nhau. Tôi không hiểu vì sao cùng một vụ án mà Hội đồng xét xử lại ban hành 2 bản án khác nhau, do đó, cơ quan thi hành án và đương sự không biết thi hành theo bản án nào", ông Vỹ băn khoăn.

Ông Vỹ đã làm đơn kiến nghị đến TAND cấp cao tại Đà Nẵng xem xét kháng nghị theo thủ tục tái thẩm với 2 bản án cùng số 124 mà TAND huyện Krông Pắk đã ban hành.

Thẩm phán nhận lỗi sai sót do nhầm lẫn "coppy - dán"

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Thành Tâm, Thẩm phán TAND huyện Krông Pắk, thừa nhận cả 2 bản án số 124 đều do ông ký tên có sự sai sót khi ban hành.

Theo ông Tâm, đối với bản án ông gửi qua Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắk có sai sót khi "coppy - dán", soát các lỗi không kỹ dẫn đến phần nhận định của Viện kiểm sát nhân dân của bản án này bị coppy nhầm một phần của bản án khác vào.

Ông Tâm khẳng định, sau khoảng 1 tháng ban hành bản án gửi Chi cục Thi hành án dân sự, ông phát hiện bản án có sai sót nên đã thông báo "bằng miệng" với lãnh đạo đơn vị này để thu hồi bản án và bổ sung lại bản án khác cho chuẩn.

"Tôi đã cho sửa bản án cùng ngày, cùng tháng cho hợp lý rồi giao cho bên Chi cục Thi hành án dân sự huyện. Tôi cũng không ra thông báo bằng văn bản để thu hồi bản án gửi trước đó, do nghĩ anh em quen biết nhau nên chỉ cần giao bản án mới qua là được.

Tôi xin nhận trách nhiệm sơ suất của thẩm phán khi ban hành bản án đã "coppy - dán" không chuẩn. Vào thời điểm tuyên án tôi phụ trách cùng lúc nhiều vụ án dẫn tới sự nhầm lẫn", ông Tâm cho hay.

Cũng theo ông Tâm, ông khá bất ngờ khi sau hơn 1 năm tuyên án đương sự lại có ý kiến về vụ việc này và cũng không rõ vì sao bản án cũ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắk vẫn tồn tại.

"Về bản chất vụ án, quyết định của tòa không thay đổi, không ảnh hưởng đến các đương sự và chúng tôi hoàn toàn không có vụ lợi trong việc này", ông Tâm khẳng định.

Thẩm phán Tâm cho biết, vừa qua, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có thông báo, yêu cầu TAND huyện Krông Pắk chuyển hồ sơ vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất của ông  Lê Công Vỹ để TAND Cấp cao có cơ sở xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm việc xét xử.

Phía TAND huyện Krông Pắk đã gửi cả 2 bản án số 124 đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét. "Bây giờ vụ việc phụ thuộc vào quyết định của TAND cấp cao, nếu tòa tuyên hủy bản án thì phải xử sơ thẩm lại", ông Tâm nói thêm.

Theo một lãnh đạo TAND huyện Krông Pắk, đơn vị sẽ xem xét vụ việc sai tới đâu, mức độ nào để xử lý theo quy định.