1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bản án hay nói "vấn đề có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án"!

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết, trong các bản án thường hay có đoạn “những vấn đề này mặc dù có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án”, và vẫn kết luận bình thường.

Ra tòa, bị cáo không thể chứng minh được có bị bức cung, nhục hình!

Mới đây, tại cuộc tọa đàm “Tăng cường chất lượng giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm", do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết, theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng cao hàng năm là do chất lượng xét xử các vụ án cấp sơ thẩm, phúc thẩm, thậm chí cấp giám đốc thẩm trước đó chưa được “thấu tình đạt lý”, chất lượng không cao nên mới dẫn đến tình trạng khiếu nại kéo dài.

Bản án hay nói vấn đề có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án! - 1

Ông Lưu Bình Nhưỡng tại cuộc tọa đàm...

Ông Nhưỡng phân tích tiếp, thông thường một vụ án thường trải qua các giai đoạn như điều tra, truy tố, xét xử. Khi tòa án xét xử mà cho ra bản án “méo mó” thì trách nhiệm trước hết thuộc về tòa án.

“Nếu quá trình xét xử, tòa án xác định đây là do điều tra thì xem xét lại quá trình điều tra, nếu do công tố hoặc do quá trình kiểm sát hoặc do sự can thiệp nào đó của cơ quan hành chính thì tòa có quyền yêu cầu xử lý. Vì không dễ gì Hiến pháp cho tòa án là cơ quan nắm quyền về tư pháp”, ông Nhưỡng nói.

Ông Nhưỡng cho rằng, đó là mới bàn đến vấn đề xét xử, còn mấu chốt của vấn đề này là chất lượng cán bộ, bởi chất lượng xét xử dựa hoàn toàn vào công tác cán bộ.

“Có những phiên tòa người ta vừa định nói thì tòa đã bắt người ta im thì nói làm sao được, không có thông tin thì làm sao mà quyết, đúng là “án bỏ túi” rồi”, ông Nhưỡng cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, có những tình tiết trong vụ án mà khi tòa xử cũng không phát hiện được, với lý do: Quá trình điều tra, quá trình làm hồ sơ chuyển lên tòa án đã được làm “quá tròn”, thậm chí họ “tìm mọi cách bịt sai sót”. Ví dụ như vụ án Hồ Duy Hải đã bộc lộ một số “lỗ hổng” trong quá trình điều tra, khám nghiệm hiện trường. Sai sót này đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát hiện ra.

“Khi ra tòa Hội đồng xét xử hỏi bị cáo có bị bức cung, nhục hình không? Bị cáo bảo “có”. Sau đó, tòa bảo bị cáo chứng minh thì chứng minh làm sao được. Trong các bản án thường hay có đoạn “những vấn đề này mặc dù có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án” và vẫn có kết luận bình thường”, ông Nhưỡng chia sẻ.

Theo ông Nhưỡng, một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng các phiên xét xử chưa cao, còn nhiều sai sót không chỉ nằm ở các cơ quan tiến hành tố tụng, mà bản thân các luật sư, thậm chí có những luật sư hoạt động không phải vì đóng góp vào bảo vệ công lý mà chỉ “nặng vì dịch vụ”.

“Bản thân luật sư khi ra tranh tụng với nhau là cứ “gò” vào phần của mình thôi, anh không cần biết công lý là gì, trong khi đó anh đòi ghi vào trong luật luật sư là “góp phần bảo vệ công lý”, thì góp ở chỗ nào?”, ông Nhưỡng nói.

Tỷ lệ giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao

Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà các tòa án nhân dân (TAND) phải giải quyết năm 2019 là hơn 18.000 đơn/vụ (tăng hơn 2.000 đơn). UBTP nhận thấy, TANDTC đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, qua đó nâng cao chất lượng công tác này. Kết quả, đã giải quyết được 9.198 đơn (đạt tỷ lệ 51%, tăng 13%). Chất lượng trả lời đơn và kháng nghị được bảo đảm; người có thẩm quyền đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 491 vụ, các kháng nghị đã đưa ra xem xét đều được Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận, qua đó khắc phục những sai sót của TAND cấp dưới. Đã khắc phục căn bản việc có văn bản trả lời không có căn cứ kháng nghị, sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao (51%), chưa đạt chỉ tiêu 60% theo yêu cầu của Nghị quyết số 37 của Quốc hội, nhất là các TAND cấp cao chưa có thay đổi nhiều so với năm 2018. Qua khảo sát, giám sát cho thấy vẫn còn một số trường hợp khiếu nại bức xúc, kéo dài do việc giải quyết đơn chưa kịp thời. Đáng lưu ý, theo phản ánh của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), vẫn còn một số TAND không chuyển hồ sơ cho VKSND có thẩm quyền để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng không thông báo lý do.

Bản án hay nói vấn đề có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án! - 2

Ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại cuộc tọa đàm.

Phải nâng cao năng lực cán bộ

Để khắc phục tồn tại nêu trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng:

Thứ nhất, tòa án, VKS phải tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ thẩm phán và kiểm sát viên, đây là đội ngũ chức danh tư pháp rất quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, tập trung nâng cao được chất lượng xét xử, chất lượng của các bản án, quyết định của tòa án cũng như chất lượng hoạt động của VKS các cấp trong kiểm sát hoạt động xét xử của tòa án để qua đó phát hiện kịp thời các sai sót, kiến nghị các giải pháp khắc phục.

Thứ ba, tòa án cấp trên, VKS cấp trên phải làm tốt chức năng kiểm tra giám đốc đối với hoạt động xét xử của tòa án cấp dưới, để qua đó cũng kịp thời phát hiện những sai sót. VKS cấp trên phải làm tốt chức năng kiểm sát, hướng dẫn các hoạt động của VKS các cấp để nâng cao chất lượng xét xử vụ án. Bởi chất lượng giải quyết vụ án sơ thẩm, phúc thẩm mà tốt thì đương nhiên hạn chế được khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Thứ tư, tiếp tục kiện toàn bộ máy được giao nhiệm vụ giải quyết các đơn đề nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Bố trí các cán bộ có năng lực, có trình độ, có đạo đức, có phẩm chất chính trị, tâm huyết, công tâm khách quan, có nhiều kinh nghiệm để giải quyết, qua đó mới khắc phục được những tồn tại, bất cập.

Nguyễn Dương