1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Thủ đoạn đối phó cơ quan chức năng của chủ Mái ấm Hoa Hồng

Lê Trai

(Dân trí) - Trong những lần kiểm tra trước đó, cơ quan chức năng ghi nhận Mái ấm Hoa Hồng chứa 39 trẻ theo quy định. Tuy nhiên, ở lần kiểm tra đột xuất sáng 4/9, nhà chức trách phát hiện nơi đây nuôi giữ 86 trẻ.

Công an quận 12 đang điều tra, làm rõ hành vi những người đánh đập các cháu bé tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TPHCM). Ngoài ra, nhà chức trách cũng xác minh các dấu hiệu trục lợi từ thiện cũng như làm rõ các chiêu trò đối phó cơ quan chức năng của cơ sở này.

Theo báo cáo của UBND quận 12, Mái ấm Hoa Hồng có quy mô cho phép tiếp nhận chăm sóc tối đa là 39 trẻ. Qua rà soát, từ thời điểm thành lập cơ sở đến nay, UBND quận đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra 2 lần vào tháng 11/2023 và tháng 4.

Hồi tháng 7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 12 cũng thực hiện giám sát tại Mái ấm Hoa Hồng. Ngoài ra, UBND phường Trung Mỹ Tây thực hiện kiểm tra thường xuyên tại cơ sở. Qua các lần kiểm tra và giám sát, lực lượng chức năng đều ghi nhận Mái ấm Hoa Hồng nuôi giữ 39 trẻ đúng theo nội dung giấy phép hoạt động.

Thủ đoạn đối phó cơ quan chức năng của chủ Mái ấm Hoa Hồng - 1

Lực lượng chức năng kiểm tra Mái ấm Hoa Hồng sáng 4/9, phát hiện nhiều sai phạm (Ảnh: Lê Trai).

Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh về tình trạng bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng, lực lượng chức năng liền lập tổ công tác vào cuộc, kiểm tra đột xuất vào sáng 4/9 và phát hiện nơi đây nuôi dưỡng đến 86 trẻ, vượt hơn nửa số người theo quy định.

Vấn đề đặt ra, vì sao chỉ trong vòng 2 tháng từ lần cơ quan chức năng kiểm tra hồi tháng 7, số trẻ được nuôi dưỡng tại cơ sở này tăng lên chóng mặt? Phải chăng những lần kiểm tra trước đó, cơ sở đã có những thủ đoạn đối phó cơ quan chức năng hay là số trẻ này chỉ mới được tiếp nhận gần đây.

Giải thích cho vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Dân trí, một bảo mẫu từng làm việc tại cơ sở cho biết, số trẻ em được nuôi dưỡng ở Mái ấm Hoa Hồng luôn cao hơn số lượng cho phép. Tuy nhiên, trước mỗi đợt lực lượng chức năng kiểm tra, trẻ sẽ được đưa đến nơi khác.

"Trước mỗi lần kiểm tra, cơ sở sẽ biết trước và đưa các bé đến một căn nhà ở huyện Hóc Môn để lánh. Thường thì những cháu có tên trong danh sách sẽ được ở lại, còn lại đều phải di chuyển. Sau khoảng 1-2 ngày, các trẻ sẽ được đưa trở lại mái ấm", người này cho biết thêm.

Thủ đoạn đối phó cơ quan chức năng của chủ Mái ấm Hoa Hồng - 2

Lực lượng chức năng dùng áo mưa che chắn ống kính phóng viên tác nghiệp tại Mái ấm Hoa Hồng chiều 4/9 (Ảnh: Lê Trai).

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM chiều 5/9, bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND quận 12 (TPHCM), đã cung cấp các thông tin liên quan vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng.

Theo lãnh đạo quận 12, thời gian qua, địa phương có nhiều chỉ đạo liên quan đến việc tăng cường giám sát, phòng ngừa vấn đề phát sinh trong cơ sở bảo trợ xã hội, đặc biệt là cơ sở chăm sóc trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn. Các cơ quan của quận, phường, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 12 đã nhiều lần kiểm tra, giám sát cơ sở Mái ấm Hoa Hồng nhưng không phát hiện hành vi bạo hành, chăm sóc quá số trẻ so với quy định.

"Điều này chứng tỏ chủ cơ sở đã nghiên cứu cách đối phó với cơ quan quản lý Nhà nước", bà Chính bày tỏ.

Ngày 4/9, báo Thanh Niên phản ánh về việc Mái ấm Hoa Hồng như "địa ngục trần gian" đối với trẻ em được nuôi dưỡng tại cơ sở này. Theo đó, mái ấm nhận nuôi dưỡng gần 100 trẻ mồ côi, trong đó có cả trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo mẫu tên T. có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với các trẻ.

Trong đó, có bé trai khoảng 7 tháng tuổi bị T. ngồi lên người, nhéo lỗ tai. Thậm chí, một bé còn bị T. tác động vật lý đến chảy máu miệng, nhấc lên cao rồi ném xuống nệm.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an quận 12 phối hợp với các đơn vị liên quan đã vào cuộc điều tra. Nhà chức trách thu thập tài liệu, lập hồ sơ đưa 85 trẻ đến các cơ sở bảo trợ xã hội công lập.

Ngày 5/9, Công an TPHCM đang tạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974) cùng một số người khác để điều tra các dấu hiệu bạo hành trẻ em và trục lợi quà từ thiện của các nhà hảo tâm.