Thủ đoạn cắt ghép ảnh đồi trụy để khủng bố con nợ của công ty thu hồi nợ
(Dân trí) - Theo cáo buộc, Tiến và đồng bọn chỉ đạo nhân viên cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân khách hàng vào các hình ảnh đồi trụy, gắn với các thông tin không đúng sự thật để tạo áp lực đòi nợ.
VKSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Trần Hồng Tiến (51 tuổi, ở quận 1, TPHCM), Nguyễn Đức Khoa (34 tuổi), Võ Thị Cẩm Vân (41 tuổi, cùng ở TP Thủ Đức, TPHCM) và 42 bị can khác về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, năm 2017, Lê Quốc Thống (47 tuổi, ở quận 10, TPHCM) và Trần Hồng Tiến cùng nhau thành lập nhiều công ty để mua lại các khoản nợ xấu của Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam (Công ty Mirae Asset), để sau đó tổ chức thu hồi nợ.
Cả 2 cũng thường xuyên thành lập các công ty mới (hoạt động như nhau, gọi chung là Công ty Thu hồi nợ) nhằm mục đích che giấu và trốn tránh, không để các cơ quan chức năng phát hiện ra hoạt động thu hồi nợ trái pháp luật.
Cơ quan tố tụng cáo buộc các công ty này được đăng ký kinh doanh với nhiều trụ sở khác nhau, nhưng thực tế chỉ làm việc tại một địa chỉ ở TPHCM, đồng thời đều do Thống, Tiến làm chủ, tổ chức nhân sự và có cùng hoạt động giống nhau.
![Thủ đoạn cắt ghép ảnh đồi trụy để khủng bố con nợ của công ty thu hồi nợ - 1 Thủ đoạn cắt ghép ảnh đồi trụy để khủng bố con nợ của công ty thu hồi nợ - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/ppM9zTIewXXpVjIBNK8cTfE30N8=/thumb_w/1020/2025/02/12/anh-cong-an-7778-3189-1739349777668.jpg)
(Ảnh minh họa: M.L.).
Theo đó, các công ty sẽ mua các khoản nợ xấu mà khách hàng đã vay của Công ty Mirae Asset nhưng không có khả năng trả, với giá mua chỉ bằng 12-15% giá trị của tổng số tiền khách nợ.
Từ ngày 2/7/2018 đến ngày 30/82022, Thống cùng Tiến và Lê Hiền Thảo (đại diện các công ty) đã ký thỏa thuận mua lại hơn 238.000 hợp đồng vay, với tổng giá trị hơn 3.555 tỷ đồng và đã thu hồi được hơn 571 tỷ đồng.
Sau khi có các thông tin khách hàng và các thông tin khoản nợ từ Công ty Mirae Asset, bộ phận vận hành cùng bộ phận kỹ thuật sẽ cập nhật các thông tin khoản vay của khách hàng vào hệ thống của Công ty Thu hồi nợ.
Tiếp đến, các đối tượng phân chia vào từng tài khoản của nhân viên bộ phận thu hồi nợ, để trực tiếp đòi nợ bằng cách gọi điện, yêu cầu khách hàng trả tiền hoặc gọi điện cho người thân, đồng nghiệp của khách hàng, gây sức ép buộc người nợ tiền phải trả nợ.
Cáo trạng thể hiện, các đối tượng sử dụng thủ đoạn dùng nhiều số điện thoại khác nhau (sim rác) liên tục gọi trong thời gian dài, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của khách hàng, dù họ không liên quan gì đến khoản vay.
Từ đó, khách hàng buộc phải trả nợ khoản vay khi không thể chịu được áp lực.
Trong trường hợp khách hàng không trả tiền, các đối tượng sẽ cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân khách hàng vào các hình ảnh đồi trụy, gắn với các thông tin không đúng sự thật.
Sau đó, các đối tượng tạo lập, dùng các tài khoản Facebook, Zalo ảo đăng tải, bình luận lên mạng xã hội bôi nhọ danh dự những người này.
Hàng tháng, Công ty Thu hồi nợ sẽ cấp cho mỗi nhân viên thu hồi nợ từ 400 đến 500 hợp đồng vay (gồm toàn bộ thông tin liên quan của khách hàng) để đòi nợ. Thống, Tiến cũng giao cho mỗi nhóm phải đòi được số tiền nhất định (khoán doanh số) theo từng thời điểm đưa ra.
Nếu 2 tháng liên tiếp nhân viên không đòi đủ số tiền theo quy định, các đối tượng sẽ đuổi việc. Do đó, những "trưởng nhóm" luôn đốc thúc nhân viên tích cực đòi nợ để đạt được doanh số. Ngoài ra, để khuyến khích nhân viên thu hồi nợ, Công ty Thu hồi nợ sẽ thưởng tỷ lệ % theo khoản nợ đòi được.