1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

"Thị trường" giấy phép chuyến bay giải cứu vận hành như thế nào?

Hải Nam

(Dân trí) - Các bị can tại Bộ Ngoại giao vừa nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp muốn cấp phép chuyến bay, vừa gây khó khăn cho các doanh nghiệp không "bôi trơn" khi triển khai những chuyến bay giải cứu.

Từ chủ trương đầy nhân văn của Đảng và Nhà nước - "Không để ai bị bỏ lại phía sau", trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 hoành hành, hàng chục người lại lợi dụng để thực hiện những hành vi trái pháp luật, nhằm trục lợi cá nhân, gây thiệt hại cho ngân sách và ảnh hưởng đến uy tín, bộ mặt của Nhà nước.

Ngày 27/1/2022, vụ án "chuyến bay giải cứu" bắt đầu bị phanh phui. Động thái đầu tiên của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an là quyết định khởi tố vụ án hình sự Nhận hối lộ, xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao.

Trong khoảng một năm, 53 người đã bị khởi tố, điều tra về 5 tội danh. Trong đó, nhiều người là lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ, Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an, Ban Đối ngoại trung ương... 

Lợi dụng chức vụ để nhũng nhiễu doanh nghiệp

Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, hơn 1.000 chuyến bay giải cứu đã được thực hiện, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Chủ trương này không những thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo hộ, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của công dân và còn nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, ghi dấu ấn ngoại giao của Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện có sự chồng chéo, không rõ ràng về thẩm quyền, từ đó một số cá nhân có chức vụ tại các Bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay; tạo cơ chế "xin - cho" buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay, các chi phí phát sinh, "bôi trơn", đưa hối lộ...

Thị trường giấy phép chuyến bay giải cứu vận hành như thế nào? - 1

Ông Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Ảnh: Bộ Công an).

Tại Văn phòng Chính phủ, đơn vị này có nhiệm vụ tập hợp tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay, theo đề xuất của Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, các cán bộ Vụ Quan hệ Quốc tế đã đề xuất thẳng lên lãnh đạo Chính phủ về chủ trương cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp.

Việc này, theo kết luận điều tra, là đã bỏ qua quy trình giám sát, đề xuất của Tổ công tác 5 Bộ trong việc thẩm định, đưa ra ý kiến đối với kế hoạch tổ chức các chuyến bay, tạo điều kiện cho các bị can tại Văn phòng Chính phủ nhận hối lộ của doanh nghiệp.

Trước sự việc này, cuối tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Ngoại giao làm đầu mối tổng hợp số lượng các chuyến bay, thống nhất trong Tổ 5 Bộ để thực hiện. Thế nhưng, sai phạm vẫn xảy ra tại Bộ Ngoại giao và các Bộ, ban ngành khác.

"Thị trường" giấy phép chuyến bay giải cứu

Trong Tổ công tác 5 Bộ, Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài, quản lý danh sách công dân đăng ký nhu cầu về nước. 

Tuy nhiên, kết luận điều tra chỉ ra, khi các doanh nghiệp triển khai chuyến bay combo (chuyến bay công dân tự nguyện trả toàn bộ chi phí) được cấp phép, một số cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã không kịp thời thực hiện hết và đúng trách nhiệm bảo hộ công dân. 

Chưa dừng lại ở đó, họ còn thỏa thuận, yêu cầu doanh nghiệp chia lợi nhuận theo từng chuyến bay hoặc chi tiền theo số công dân được về nước, thu tiền của công dân vượt mức quy định. 

Thị trường giấy phép chuyến bay giải cứu vận hành như thế nào? - 2

Ông Vũ Hồng Nam (trái) và ông Trần Việt Thái.

Không chỉ ở nước ngoài, tại Việt Nam, các bị can tại Bộ Ngoại giao vừa nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp muốn cấp phép chuyến bay, vừa gây khó khăn cho các doanh nghiệp không "bôi trơn" khi triển khai những chuyến bay, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người dân.

"Hành vi nhũng nhiễu của những cá nhân có nhiệm vụ quyền hạn tại Bộ Ngoại giao đã tạo ra "thị trường" mua bán giấy cấp phép chuyến bay giữa doanh nghiệp với Bộ Ngoại giao và sang nhượng quyền được tổ chức các chuyến bay giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp", kết luận điều tra nêu.

Tại Bộ Giao thông Vận tải, Cơ quan An ninh điều tra xác định, một số cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi đã làm trung gian môi giới hối lộ hoặc nhận hối lộ để cấp phép bay tăng số lượng công dân về nước theo phê duyệt của Tổ 5 Bộ.

Tại Bộ Y tế và Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), kết luận điều tra cho biết, các đơn vị này được giao nhiệm vụ tham gia việc kiểm soát tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, khi giải quyết thủ tục cho công dân Việt Nam nhập cảnh về nước, một số cá nhân đã lợi dụng vai trò, chức vụ, cố ý tạo khó khăn, nhũng nhiễu để đòi hỏi, ép buộc các doanh nghiệp phải chi tiền mới chấp thuận giải quyết chuyến bay.

Tại các địa phương, một số bị can tại UBND TP Hà Nội, tỉnh Quảng Nam... Bộ Công an cáo buộc họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp, khi phê duyệt chủ trương cách ly cho công dân về nước.

Các bị can tại Văn phòng Chính phủ, gồm: Nguyễn Thanh Hải (cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế); Nguyễn Tiến Thân, Nguyễn Mai Anh (cùng là cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế) bị điều tra tội Nhận hối lộ.

Các bị can tại Bộ Ngoại giao, gồm: Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng); Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự); Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự); Lê Tuấn Anh (cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự); Lưu Tuấn Dũng (cựu Phó Trưởng Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự); Vũ Hồng Nam, Nguyễn Hồng Hà, Vũ Ngọc Minh (cùng là nguyên cán bộ) bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ.

Trần Việt Thái, Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương (cùng là nguyên cán bộ đại sứ quán) bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Các bị can tại Bộ Giao thông Vận tải, gồm: Ngô Quang Tuấn (cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế); Vũ Hồng Quang (cựu Phó Trưởng Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam) bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ

Các bị can tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, gồm: Trần Văn Dự, Vũ Anh Tuấn, Vũ Sỹ Cường (cùng là nguyên cán bộ) bị điều tra tội Nhận hối lộ.

Bị can tại Bộ Y tế là Phạm Trung Kiên (cựu chuyên viên Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ.

Ông Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) và ông Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) cũng bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ.

Dòng sự kiện: Chuyến bay giải cứu