1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Thi hành án có “quá tay” vụ tỷ phú tự thiêu?

“Khi đã bị dồn vào chân tường, con thú còn cắn lại huống chi con người. Việc anh Linh tạt a-xít vào người bà Vân rồi tẩm xăng tự thiêu trong căn nhà của mình vào sáng 21/10 như một giọt nước làm tràn ly” - một người bạn của ông Linh đã nói với chúng tôi như thế.

“Cạn tàu ráo máng”

 

Cuộc tình 10 năm giữa ông Vương Chí Linh và bà Nguyễn Thị Tường Vân chính thức chấm dứt vào ngày 8/5/2013, với bản án ly hôn của Tòa án nhân dân TP.HCM.

 

Trong suốt 10 năm ấy, ngoài những năm đầu vui vẻ hạnh phúc, ông Linh luôn bị người bạn đầu ấp tay gối “nhắc nhở”, giám sát về chuyện tài sản.

 

Là người thành công trên thương trường, ông Linh sở hữu khối tài sản khá lớn lên đến hàng chục tỉ đồng.

 

Bà Vân lo sợ nếu một mai ông Linh mất đi, bà không thể hưởng trọn vẹn số tài sản đó mà phải chia bớt một phần cho 2 đứa con riêng của ông với người vợ trước.
 
Thi thể nạn nhân được đưa về nhà xác.
Thi thể nạn nhân được đưa về nhà xác.

 

Nỗi lo sợ đó đã khiến bà Vân luôn tạo áp lực cho ông Linh để cuối cùng ông làm thủ tục pháp lý chuyển sở hữu toàn bộ tài sản đó sang tên bà. Ông chỉ yêu cầu bà một điều kiện duy nhất: chăm lo cho ông đến cuối đời.

 

Khổ thay, điều kiện này không hề được…công chứng nên chỉ 3 tháng sau ngày sang tên hoàn tất, bà Vân đưa đơn ra tòa xin ly hôn với ông. Trong phút chốc, ông trở thành tay trắng.

 

Tòa xử ly hôn. Những tài sản của ông trước đây mặc nhiên trở thành của bà Vân vì trên pháp lý bà là chủ sở hữu. Ngay đến căn nhà nơi hai người từng chung sống tại số 28 đường số 3 (P.7, Q. Gò Vấp) là nơi ông tá túc cũng đã được yêu cầu cưỡng chế thi hành án. Việc này đồng nghĩa ông phải ra đi khỏi căn nhà…

 

Ngày đám tang ông Linh, một sự vô tình, nhưng làm nhiều người suy nghĩ là quan tài đựng thi thể ông được quàn tại chùa Như Lai trên đường Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp) đối diện với Chi cục Thi hành án Gò Vấp.

 

Đám tang vắng vẻ. Ngoài người vợ cũ và 2 con, còn lại là những người bạn thâm giao từ hàng chục năm nay với ông. Họ rất thương ông, và buồn cho tình đời đen bạc.

 

Ông T. – một người bạn của ông (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Ông Linh chấp nhận ra đi nghĩa là ông chấp nhận thi hành án tự nguyện. Tuy nhiên, trước khi ra đi, còn một vài vướng mắc mà ông có đơn yêu cầu được làm rõ. Nhưng cả người vợ cũ và cơ quan thi hành án đã làm ngơ…”.

 

Chính vì thế, trước ngày xảy ra sự cố, ông Linh đã đem toàn bộ hồ sơ gửi cho một người bạn. Trong số hồ sơ đó có đơn “khẩn báo” gửi chi cục Thi hành án Gò Vấp nêu rõ bức xúc và cảnh báo những gì sẽ xảy ra.

 

Có cần thiết phải cưỡng chế ?

 

Người bạn ông Linh cho chúng tôi xem đơn “khẩn báo” này. Quả thật, trong đơn ông Linh xác nhận không hề chống đối việc thi hành án.

 

Ông viết: “Thực chất trong việc thi hành án này tôi không hề chống đối (ở tuổi 70 cho dù có muốn chống đối cũng không chống được). Thực tế với 2 lần trước đây tôi không mở khóa bàn giao nhà là có lý do (theo tôi là chính đáng) mà trước đó tôi đều có đơn xin hoãn”.
 
Lá đơn của ông Linh
Lá đơn của ông Linh

 

Nguyện vọng của ông Linh là chỉ cần được xác nhận thứ gì trong nhà ông được mang đi. Sau khi có xác nhận, chỉ cần vài ba hôm là ông dọn đi ngay.

 

Thế nhưng, sự việc không đơn giản như thế. Người bạn ông Linh nói tiếp: “Ông Linh đã tự nguyện ký vào biên bản bàn giao nhà vào ngày 1/10/2013 sau khi được chấp hành viên thông báo với ông rằng bà Vân nói muốn mang gì ra khỏi nhà cũng được.

 

"Chữ ký của ông ấy chưa ráo mực thì ngay buổi chiều, chấp hành viên lại gọi điện thông báo bà Vân không chấp nhận mang hết các vật dụng đi. Vì thế ông Linh một lần nữa viết đơn đề nghị hoãn giao nhà vào ngày 1/10 để giải quyết các vấn đề còn tồn tại”.

 

“Tôi nghĩ - người bạn ông Linh nói tiếp: thi hành án dân sự là quá trình thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên đã được bản án, quyết định của Tòa án ghi nhận. Vì vậy, các bên đương sự có quyền tự định đoạt, thỏa thuận với nhau nhằm thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án. Trong khi các bên đương sự chưa thỏa thuận được với nhau, một quyết định cưỡng chế được tống đạt, càng khiến ông Linh vô cùng bức xúc".

 

Trong đơn ông Linh viết: “Thiết nghĩ tôi đã ở tuổi 70, chỉ cần 2 người sức khỏe bình thường cũng có thể bắt trói tôi đi dễ dàng. Tại sao chính quyền phải bày binh bố trận như đánh giặc ngoại xâm”.

 

Quả thực, cơ quan chức năng đã huy động lực lượng gần 100 người với kinh phí lên đến gần…50 triệu đồng chỉ để đưa một ông già 70 tuổi không còn sức phản kháng ra khỏi ngôi nhà.

 

Thiếu đạo đức và tình người?

 

Ông T cho biết thêm: “Tôi mới đọc bài viết trên trang giao lưu, trao đổi nghiệp vụ thi hành án dân sự của tác giả Hồ Hoàng Vĩnh Phú có đoạn ghi rõ: Chấp hành viên không nên lạm dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trong quá trình tổ chức thực hiện quyết định thi hành án trên thực tế. Cần thiết, chấp hành viên phải tìm mọi biện pháp thích hợp, đúng pháp luật để giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các bên đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thỏa thuận với nhau trong thi hành ándân sự, nhưng việc thỏa thuận này không được trái pháp luật, đạo đức xã hội và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Chỉ khi nào hết khả năng để vận động, giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành án thì mới được áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.

 

Hơn ai hết, chi cục Thi hành án Gò Vấp hiểu rõ vụ việc. Trong phần cuối của đơn khẩn báo, ông Linh đã nêu rõ: “Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu có cả 100 người đến vây hãm nơi tôi ở”.  Đây là một lời cảnh báo trước, nhưng Thi hành án đã không quan tâm đến.

 

Đúng ra, họ chỉ cần tìm một biện pháp ôn hòa hơn nhằm đạt được sự thỏa thuận của 2 bên để không cần phải cưỡng chế thì ông Linh không chết, bà Vân không phải giành giật sự sống trên giường bệnh.

 

Và cơ quan thi hành sẽ không mang tiếng hành xử không sai về pháp lý nhưng thiếu cả đạo đức lẫn tình người.

 

Theo Trần Chánh Nghĩa

Vietnamnet