1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Tài sản của Tàng Keangnam được đề nghị trả lại cho… vợ

(Dân trí) - Theo luật sư, tài sản của Tàng Keangnam là do hai vợ chồng bị cáo kinh doanh hợp pháp từ xây dựng, buôn ngô, buôn bán ô tô… mà có chứ không phải thu lợi bất chính từ việc buôn ma túy. Bởi vậy, luật sư đề nghị trả lại tài sản cho vợ của Tàng.

Viện kiểm sát đề nghị 6 án tử hình và 6 án chung thân

Chiều 10/12, tiếp tục ngày xét xử thứ 3, trong phần luận tội, Viện kiểm sát đã đề nghị 6 án tử hình và 6 án chung thân. Đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, Tàng Keangnam là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đã thực hiện 13 hành vi buôn bán 1.791 bánh heroin, và hơn 500 viên ma túy tổng hợp. Tổng số tiền thu lợi bất chính là hơn 608.000 USD. Khối tài sản của Tàng Keangnam được công tố viên xác định do phạm tội mà có.


Đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án dành cho các bị cáo

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án dành cho các bị cáo

Vì vậy, Viện kiểm sát đề nghị tử hình đối với bị cáo Tráng A Tàng (Tàng Keangnam), đề nghị hình phạt bổ sung 400-500 triệu đồng, truy thu số tiền hơn 608.000USD sung công quỹ nhà nước. Phương tiện giao dịch ma túy cũng được đề nghị sung công quỹ. Một số tang vật không liên quan đến hành vi phạm tội được đề nghị trả lại cho bị cáo nhưng kê biên để đảm bảo thi hành án.

Bị cáo Lương Thị Thảo được xác định là đối tượng chủ mưu trong việc phân phối, mua bán ma túy ở Bắc Giang. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo và hình phạt bổ sung 400-500 triệu đồng. Số tiền thu lợi bất chính hơn 200.000USD được đề nghị sung công quỹ nhà nước.

4 bị cáo khác có cùng mức án bị đề nghị là tử hình bao gồm: bị cáo Tráng A Nếnh (em nuôi của Tàng Keangnam); Giàng A Chờ - cựu phó bản Lũng Xá, Giàng A Nhà (cựu bí thư chi bộ liên bản anh vợ của trùm ma túy Tàng Keangnam); Sồng A Lếnh.

Các bị cáo Vũ Văn Lâm, Tráng A Mùa, Sùng A Lánh, Giàng Thị Sua (vợ của Tàng Keangnam), Tráng A Chư (bố đẻ của Tàng Keangnam) bị đề nghị mức án chung thân. RiêngTráng A Ký, cộng với mức án đã có hiệu lực của TAND Tối cao tại Hà Nội, Ký nhận mức án tổng hợp là tử hình. Ngoài ra các bị cáo phải chịu hình phạt bổ sung từ 50 triệu đồng đến 350 triệu đồng. Số tiền thu lợi bất chính bị đề nghị truy thu để sung công quỹ.

Tàng nhất trí mức án tử hình nhưng không nhất trí về việc kê biên tài sản

Không đồng tình việc quy kết Tàng tội danh mua bán ma túy, Luật sư Phạm Tường Long – bào chữa cho Tàng Keangnam cho rằng nó không đúng bản chất. Sau khi Lương Thị Thảo gọi điện thì Tàng mới sang Lào để lấy heroin để chuyển cho Thảo. Như vậy, Tàng chỉ giữ vai trò vận chuyển ma túy.

Luật Sư Long cho rằng, Tàng chỉ thực hiện hành vi phạm tội một mình không thể là hành vi có tổ chức. Tàng Keangnam chỉ thực hiện vai trò đồng phạm với Lương Thị Thảo.

Các bị cáo trong phiên xử chiều 10/12
Các bị cáo trong phiên xử chiều 10/12

Về tài sản của Tàng Keangnam, theo luận điểm của luật sư, đấy là tài sản do hai vợ chồng bị cáo kinh doanh hợp pháp từ xây dựng, buôn ngô, buôn bán ô tô… mà có chứ không phải thu lợi bất chính từ việc mua bán ma túy.

Do đó, luật sư đề nghị trả lại cho bị cáo 3 căn nhà ở: Mỗ Lao, Hà Đông (Hà Nội), căn nhà ở Tiểu khu 70 và căn nhà ở Nông trường Mộc Châu; ngoài ra trả lại cho bị cáo chiếc xe Huyndai.

Được bổ sung phần bào chữa, Tàng Keangnam nhất trí với quan điểm của VKS về phần luận tội đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo. Tuy nhiên, Tàng không nhất trí với việc kê biên tài sản vì cho rằng tiền thu lợi bất chính đã được bị cáo dùng để mua  265 bánh heroin và bị bắt

“Bẻ” lại phần bào chữa cho luật sư, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, thời điểm Thảo gọi điện cho Tàng Keangnam chuyển 265 bánh heroin, Thảo đang ở trại tạm giam. Việc gọi điện của Thảo là nhằm lấy công chuộc tội. Việc này là được phép để bảo vệ nhà nước, xã hội.

Với quan điểm của luật sư khi cho rằng Tàng Keangnam chỉ giữ vai trò vận chuyển, theo Viện kiểm sát, tại cơ quan điều tra, khi bắt được Tàng, anh ta đã khai nhận hành vi của các bị cáo liên quan, điều này thể hiện việc phạm tội của Tàng là có tổ chức. Đặc thù của tội phạm ma túy là tội phạm có tổ chức với nhau, trong vụ án này cũng vậy, có sự câu kết giữa anh vợ, bố ruột, em nuôi, họ hàng liên quan. Như vậy là hoạt động phạm tội có tổ chức.

Đối với tài sản kê biên, việc luật sư đề nghị trả lại cho vợ bị cáo, Viện kiểm sát không chấp thuận. Theo Viện kiểm sát, việc buôn bán ngô, khoai... thì làm sao mà đủ tiền để có thể mua siêu xe, mua đất và những tài sản tiền tỉ. Vì vậy, số tài sản này vẫn được Viện giữ quan điểm là bổ sung công quỹ.

  Bá Đoàn – Tuấn Hợp