1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Suýt chết, bà vẫn xin ngồi tù thay để cháu đi học

(Dân trí) - Nghe đến hai chữ “phạt tù”, bà Đ. đang ngồi bỗng nhoài người lên: “Đừng bắt cháu bà đi tù. Nếu phải đi tù thì bà đi thay cho. Cháu bà còn nhỏ lắm, đừng bắt nó đi tù, cho cháu bà về đi học…”. Bà đưa khăn lên lau đôi mắt mờ đục nhòe nước.

Phiên tòa diễn ra vào sáng 30/8 “ngập” trong nước mắt. Suốt buổi xét xử, xen lẫn giữa những lời khai của bị cáo là tiếng thút thít của bà, của mẹ và các cô gì chú bác của T. Bà Nguyễn Thị Đ. – bà nội của T., cũng là nạn nhân trong vụ án được người nhà dìu đến tòa vì chân yếu, không thể tự bước đi. Trên mái đầu bạc trắng, những vết sẹo vẫn hiện rõ mồn một.

Nguyễn Văn T. trước vành móng ngựa.
Nguyễn Văn T. trước vành móng ngựa.

“Bà có 16 đứa cháu cả nội lẫn ngoại, có gần 10 đứa chắt rồi. Đứa mô cũng ngoan, răng thằng T. lại như rứa không biết nữa?”, bà thở dài. Do bà Đ. tuổi cao, sức khỏe kém, nghe không rõ nên ủy quyền cho người con trai tham gia tố tụng.

Bị cáo Nguyễn Văn T. nhỏ thó, đứng chỉ cao hơn vành móng ngựa chút xíu. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, T. mới được 14 tuổi, 1 tháng, 22 ngày. Nguyễn Văn T. bị Viện KSND tỉnh Nghệ An truy tố 2 tội danh: giết người và cướp tài sản. Nạn nhân của T. là bà Nguyễn Thị Đ. (SN 1941) – bà nội của bị cáo.

Đại diện Viện KSND tỉnh Nghệ An giữ quyền công tố tại phiên tòa đọc cáo trạng. Tiếng suýt xa, thút thít lại vang lên. Những trăn trở, xót xa hiện rõ trên khuôn mặt của từng thành viên Hội đồng xét xử.

Chiều ngày 18/4/2016, Nguyễn Văn T. sang nhà bà nội chơi và xin tiền nhưng bà không cho. Hai bà cháu có lời qua tiếng lại. T. đẩy ngã bà xuống nền nhà. Sau đó, T. lấy một chiếc búa dưới gầm bàn, đánh liên tiếp nhiều nhát vào đầu bà. Khi bà Đ. gục xuống, T. lột đôi hoa tai bằng vàng của bà rồi bỏ đi.

Bà Đ. được người thân phát hiện và đưa đến bệnh viện cấp cứu với nhiều vết thương trên đầu. Ngay hôm sau, bố T. gặng hỏi có phải T. đánh bà nội không. T. không trả lời và bỏ nhà đi. T. nhờ người bán đôi hoa tai bằng vàng của bà rồi vào quán game chơi. Ngày 20/4, gia đình biết chuyện, đi tìm và đưa T. đến công an đầu thú.

Cơ quan chức năng xác định bà Đ. bị đánh 11 nhát búa vào đầu. Tuy nhiên bà từ chối giám định thương tật.

Tại phiên tòa, Nguyễn Văn T. thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. T. cho biết xin bà nội tiền để mua khăn quàng đỏ nhưng bà không cho, chửi T. nên T. đã ra tay với bà. Tuy nhiên, quá trình xét hỏi tại tòa, Nguyễn Văn T. thừa nhận mình nghiện game, thường xuyên xin bà tiền. Hôm xảy ra sự việc, T. xin bà tiền để chơi game nhưng lại nói dối là xin tiền để mua khăn quàng đỏ. T. bắt đầu chơi game từ đầu năm học lớp 6 và thường chơi loại game có nhiều hình ảnh bạo lực.

Bố của T. cho biết, trong thời gian qua, bị cáo không có biểu hiện bất bình thường về tâm lý và sức khỏe. T. vẫn đi học đều đặn.

Cụ Đ. đến tham dự phiên tòa.
Cụ Đ. đến tham dự phiên tòa.

Cô giáo chủ nhiệm của Nguyễn Văn T. cũng xác nhận, trong quá trình học, em được đánh giá là học sinh ngoan, biết nghe lời, chấp hành tốt nội quy, quy định của trường, không tự ý bỏ học. “Cả năm lớp 6 em T. nghỉ học 3 buổi, đều có mẹ gọi điện cho cô và viết giấy xin phép đầy đủ. Em cũng không có biểu hiện lạ nào khiến thầy cô phải để ý. Bởi vậy, khi sự việc xảy ra tôi cũng hết sức bất ngờ”, cô giáo chủ nhiệm của T. cho HĐXX biết.

Đại diện Viện KSND tỉnh cho rằng, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm sức khỏe và tính mạng của người khác. Bị cáo gây án với chính bà nội của mình. Viện KSND tỉnh Nghệ An truy tố bị cáo tội giết người và cướp tài sản là đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật. Với hành vi côn đồ, liều lĩnh như vậy, mặc dù bị cáo còn đang ở tuổi vị thành niên nhưng cần thiết phải cách ly khỏi đời sống xã hội một thời gian đủ dài để bị cáo biết ăn năn, hối cãi, sửa chữa sai lầm của mình.

Sau khi phân tích, đại diện Viện KSND tỉnh Nghệ An đề nghị mức án từ 3-4 năm tù về tội giết người; từ 12-15 tháng tù về tội cướp tài sản đối với Nguyễn Văn T.

Luật sư Lê Cao Trí được chỉ định bào chữa cho bị cáo T. cho rằng đây là một vụ việc hết sức đau lòng, bị cáo đang ở tuổi vị thành niên, nhận thức pháp luật còn hạn chế, trong quá trình điều tra xét xử đã thành khẩn, ăn năn hối cải. Vì vậy, luật sự đề nghị HĐXX xem xét tuyên bị cáo mức án thấp hơn mức mà Viện KSND tỉnh đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Th. – con trai bà Đ. thay mặt mẹ, đề nghị HĐXX không phạt tù cháu mình. Nghe đến hai chữ “phạt tù”, bà Đ. đang ngồi bỗng nhoài người lên: “Đừng bắt cháu bà đi tù. Nếu phải đi tù thì bà đi thay cho. Cháu bà còn nhỏ lắm, đừng bắt nó đi tù, cho cháu bà về đi học…”. Bà đưa khăn lên lau đôi mắt mờ đục nhòe nước.

Nghe bà nói, T. cúi mặt lí nhí: “Con xin lỗi bà nội, xin lỗi bố mẹ!".

HĐXX nhận định Viện KSND tỉnh truy tố Nguyễn Văn T. tội giết người, cướp tài sản là đúng người, đúng tội, không oan sai. Bị cáo phạm tội khi chưa nhận thức được đầy đủ về pháp luật. Trong quá trình điều tra, xét xử bị cáo đều tỏ ra hối hận, thành khẩn khai báo. Phía bị hại cũng đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. HĐXX cho rằng, không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, tạo cơ hội cho bị cáo được học tập, rèn luyện, sữa chữa sai lầm của mình.

Xem xét toàn diện vụ án cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn T. 2 năm tù về tội giết người, 1 năm tù về tội cướp tài sản. Tổng hợp bản án, Nguyễn Văn T. phải thi hành 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, giao bị cáo cho chính quyền địa phương và gia đình quản lý, giáo dục.

Phiên tòa kết thúc trong nước mắt và những chiếc ôm vây chặt của đại gia đình dành cho đứa cháu một lần lầm lỡ. Người bà tóc bạc, tay run run dắt đứa cháu luôn cúi gằm mặt xuống đất: “Về, về thôi cháu. Về chuẩn bị sách vở để còn đi học…”.

Hoàng Lam