1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Suy đoán danh tính kẻ sát nhân man rợ thế kỷ 19 từ một bệnh án cũ

Cúc Phương

(Dân trí) - Một cựu tình nguyện viên cảnh sát ở Anh tuyên bố đã tìm ra danh tính nhân vật đứng sau tội ác khủng khiếp nhất lịch sử nước Anh, gieo rắc nỗi kinh hoàng vào thế kỷ 19, với cái tên Jack the Ripper.

Suy đoán danh tính kẻ sát nhân man rợ thế kỷ 19 từ một bệnh án cũ - 1

Hyam Hyams, chụp tại Nhà thương điên Colney Hatch năm 1899, được coi là nghi phạm chính trong vụ án Jack the Ripper (Ảnh: Cơ quan Lưu trữ Thủ đô Luân Đôn).

Cựu tình nguyện viên cảnh sát Sarah Bax Horton đã tìm ra bằng chứng thuyết phục khớp với mô tả của nhân chứng về người đàn ông ở bên các nạn nhân nữ trước khi họ bị đâm chết vào năm 1888 tại Luân Đôn (Anh).

Đó là Hyam Hyams, người đàn ông sống gần hiện trường các vụ án, là một người làm xì gà, biết sử dụng dao, nghiện rượu và bị động kinh, thường xuyên ra vào trại tâm thần. Tình trạng bệnh của Hyams trở nên tồi tệ hơn sau khi bị thương trong một vụ tai nạn và mất khả năng lao động. Hoang tưởng rằng vợ ngoại tình, Hyams liên tục hành hung vợ. Cuối cùng Hyams bị bắt sau khi dùng rìu tấn công vợ và mẹ đẻ.

Sau khi tiếp cận hồ sơ bệnh án của Hyams, bà Bax Horton phát hiện ra những chi tiết chứng tỏ Hyams chính là một kẻ sát nhân man rợ. Bà nói với tờ Telegraph: "Lần đầu tiên trong lịch sử, Jack the Ripper có thể là Hyam Hyams nhờ việc xác định các đặc điểm ngoại hình đặc biệt".

Suy đoán danh tính kẻ sát nhân man rợ thế kỷ 19 từ một bệnh án cũ - 2

Cựu tình nguyện viên cảnh sát Sarah Bax Horton đã nghiên cứu hồ sơ bệnh án trong hành trình tìm kiếm Jack the Ripper.

Có ít nhất 6 người phụ nữ đã bị giết hại từ tháng 8 đến tháng 11/1888. Các nạn nhân là gái mại dâm hoặc người nghèo khổ. Họ bị giết hại man rợ trong các cuộc tấn công điên cuồng. Sau các vụ giết người, chính quyền nhận được những lá thư nặc danh giọng đầy chế nhạo từ một kẻ tự xưng là Jack the Ripper. Và đến nay kẻ sát nhân vẫn là một ẩn số.

Vào năm 1888, khi các vụ án giết người diễn ra, các nhân chứng mô tả nghi phạm là một người đàn ông ở độ tuổi ngoài 30, một tay cứng, dáng đi xiêu vẹo và đầu gối cong. Bà Bax Horton phát hiện trong bệnh án của Hyams (khi đó 35 tuổi) ghi lại hắn có một vết thương khiến cánh tay trái không thể gập hoặc duỗi, dáng đi vẹo và đầu gối không thể duỗi thẳng, một bên chân kéo lê. Hắn cũng mắc chứng động kinh thể nặng nhất với những cơn co giật thường xuyên.

Các ghi chú bệnh án của Hyams, lấy từ nhiều bệnh xá và nhà thương điên khác nhau, tiết lộ rằng tình trạng suy giảm tinh thần và thể chất của ông ta trùng hợp với thời điểm giết người của Ripper, mức độ leo thang từ lúc ông ta bị gãy cánh tay trái vào tháng 2/1888 cho đến khi ông ta bị giam vĩnh viễn vào tháng 9/1889.

"Quá trình đó phù hợp với mức độ bạo lực ngày càng tăng của các vụ giết người" - bà Bax Horton cho biết. "Hắn ta đặc biệt hung bạo sau những cơn động kinh nghiêm trọng, điều này giải thích tính chất chu kỳ của các vụ giết người".

Suy đoán danh tính kẻ sát nhân man rợ thế kỷ 19 từ một bệnh án cũ - 3

Trang nhất của tờ Illustrated Police News năm 1888 đưa tin về vụ án (Ảnh: Alamy).

Bà Bax Horton cũng phát hiện ra những lời kể của nhân chứng về chiều cao và cân nặng của hung thủ trùng khớp với các chi tiết trong hồ sơ bệnh án của Hyams.

Bà nói: "Họ nhìn thấy một người đàn ông có chiều cao và vóc dáng trung bình, cao khoảng 1m65-1m73, thân hình chắc khỏe và có bờ vai rộng. Hyams cao 1m71 và nặng 67kg … Ảnh chân dung của hắn cho thấy rõ bờ vai rộng đáng kể".

Bà kết luận rằng sự suy giảm về thể chất và tinh thần của Hyams, cộng thêm chứng nghiện rượu làm tình trạng trầm trọng hơn, đã khiến ông ta giết người. Các vụ án dừng lại vào cuối năm 1888, cùng khoảng thời gian Hyams bị cảnh sát giam vì đi lang thang trong trạng thái mất nhận thức. Năm 1889, Hyams bị giam tại Nhà thương điên Colney Hatch, phía bắc Luân Đôn, cho đến khi qua đời vào năm 1913. Cũng kể từ đó Jack the Ripper không bao giờ gây án nữa.

Thời điểm đó, Hyams cũng nằm trong danh sách khoảng 100 nghi phạm gây án nhưng sau đó ông ta đã được loại khỏi danh sách.

"Trước đây, Hyam Hyams chưa bao giờ bị điều tra toàn diện với tư cách là nghi phạm vụ Ripper. Để bảo vệ danh tính bệnh nhân, 2 trong số các hồ sơ bệnh nhân tại Nhà thương điên Colney Hatch, đã được giữ bí mật với công chúng cho đến năm 2013 và 2015", cựu tình nguyện viên cảnh sát cho biết.

Điều khiến nghiên cứu của bà Bax Horton trở nên thật sự đặc biệt là bà đã tình cờ phát hiện rằng ông cố Harry Garrett của bà, từng là trung sĩ đồn Cảnh sát Phố Leman, lại chính là một cảnh sát từng tham gia điều tra vụ án Ripper.

Bà Bax Horton từng là một nhà nghiên cứu tiếng Anh và các ngôn ngữ hiện đại tại Đại học Oxford. Bà từng làm tình nguyện viên cho Cảnh sát Thành phố Luân Đôn trong gần hai thập kỷ và đã nghỉ từ năm 2020. Bà không biết gì về câu chuyện lịch sử của ông cố cho đến khi bắt đầu nghiên cứu về gia đình và phát hiện ra mình đang tiến hành xem xét vụ án Ripper.

Nói về nghiên cứu của bà Bax Horton, Paul Begg, một chuyên gia hàng đầu về vụ Ripper, xác nhận: "Đây là cuộc nghiên cứu cần thiết về một nghi phạm với hàm lượng nội dung dài cả quyển sách được thực hiện kỹ lưỡng, viết lại tỉ mỉ. Nếu bạn đã có một hình dung trong đầu về Jack the Ripper thì Hyam Hyams có thể chính là hắn".

Theo www.telegraph.co.uk